Nhớ đồng chí Hồ Minh Phương với những dấu ấn hành động, nói đi đôi với làm

Cập nhật: 05-09-2022 | 07:40:58

Đồng chí Hồ Minh Phương tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, rồi giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé - Bình Dương khi quê hương, đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh quá trình đổi mới. “Dám nghĩ, dám làm”, ông đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của Sông Bé, Bình Dương.

“Chủ tịch này giỏi quá!”

Giọng nói sang sảng, nụ cười hào sảng, hỏi thăm đủ chuyện mỗi khi có dịp đến nhà phỏng vấn… là những gì tôi cảm nhận về ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Ông giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 1991. Đây là giai đoạn tỉnh Sông Bé bước đầu mở cửa và hội nhập, tiến nhanh trên đường đổi mới.

Với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hồ Minh Phương đồng hành cùng doanh nghiệp từng bước nhập cuộc với quốc tế. Ông từng chia sẻ: “Giai đoạn này vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Bởi sự cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên để phát triển. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh được chuyển đổi, các nguồn lực xã hội được phân bổ có hiệu quả cao hơn”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bìa trái) và ông Hồ Minh Phương (bìa phải) thăm Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ năm 1995. Ảnh: XUÂN LỘC

Theo ông Hồ Minh Phương, chính quá trình này là cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý quen dần với tư duy làm ăn mới. Lấy hiệu quả kinh tế làm động lực cho sản xuất, kinh doanh. Và cũng chính việc thực hiện đổi mới này mà tạo được bước chuyển đổi quan trọng về chất trong nền kinh tế.

Dưới sự điều hành của ông và tập thể lãnh đạo tỉnh, nền kinh tế của tỉnh Sông Bé phát triển đều và liên tục với tốc độ nhanh và có tích lũy. Hầu hết các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (1991-1995) định ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, điều mà các kế hoạch 5 năm trước chưa bao giờ đạt được.

ÔNG HỒ MINH PHƯƠNG TỪNG NÓI: “NẾU CHÚNG TA KHÔNG QUYẾT TÂM LÀM, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM, VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG THÌ KHÔNG CÓ MỘT BÌNH DƯƠNG NHƯ HÔM NAY…”

Nói về việc đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Hồ Minh Phương còn nhớ thời điểm khoảng năm 1995, Sông Bé xin giấy phép thành lập công ty sữa với tên gọi Foremost Việt Nam (nay được đổi tên thành Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam). Lúc bấy giờ, việc liên doanh thành lập công ty chế biến sữa ở Sông Bé còn gặp những rào cản rất lớn, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ công ty sữa khác nên việc xin cấp phép thành lập công ty là điều tưởng chừng không thể. Ông Hồ Minh Phương cùng lãnh đạo công ty thực hiện liên doanh phải năm lần, bảy lượt đi ra Trung ương để xin chủ trương. Trong tình thế khó khăn, ông còn đích thân tìm đến Đại tướng Lê Đức Anh để trình bày. Thấy sự quyết tâm của ông, Đại tướng Lê Đức Anh viết bức thư tay ký với cái tên Sáu Nam (tên thân mật của Đại tướng) để gửi đến đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Phan Văn Khải là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Từ bức thư tay do chính Đại tướng Lê Đức Anh viết, công việc thành lập công ty đã thuận lợi hơn và giấy phép thành lập Foremost Việt Nam đã được cấp. Năm 1996, Foremost Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Sông Bé. Sau này, công ty còn mở rộng nhà máy ra tỉnh Hà Nam. Từ năm 1996-2013, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đạt tổng doanh thu gần 6 tỷ đô la Mỹ, nộp ngân sách Nhà nước trên 600 triệu đô la Mỹ. Góp phần hình thành và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở Bình Dương và Hà Nam cùng một số địa bàn.

Hay việc xin chủ trương thành lập sân golf cũng vậy, lúc ấy việc xây dựng sân golf cũng rất khó, vì còn có quan điểm cho rằng, đây là môn thể thao của giới thượng lưu, chi phí chơi rất tốn kém, “sợ lãnh đạo… hư”. Ông Hồ Minh Phương cũng lại đích thân ra Trung ương nhờ hỗ trợ... Và hiện nay, Công ty Sân Golf Plalm Sông Bé, tổng vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ đã tạo việc làm cho hơn 700 lao động; đóng góp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Sân Golf Plalm Sông Bé đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế...

Trong một lần trò chuyện, khi hỏi về kỷ niệm vui trong những năm công tác, ông Hồ Minh Phương hào sảng nói: “Có lần, đồng chí Đỗ Mười về làm việc với tỉnh Sông Bé. Trong giờ giải lao, đồng chí Đỗ Mười tới bắt tay và khen: “Chủ tịch này giỏi quá!”. Theo giải thích của ông, đồng chí Đỗ Mười khen là vì ông nắm chắc vấn đề, trả lời được những câu hỏi sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười và trong điều hành, góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.

Dám làm, dám chịu trách nhiệm

Nhắc đến ông Hồ Minh Phương là nhắc đến người cán bộ lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhớ lại thời điểm những năm đầu của thập niên 90, mặc dù đã qua 5 năm thực hiện nghị quyết về đổi mới của Đảng nhưng tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GDP) hàng năm của tỉnh Sông Bé vẫn không đáng kể. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1991-1996, lúc bấy giờ xác định, chỉ có phát triển công nghiệp mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Với chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “Trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, Sông Bé đã mở được mũi đột phá xây dựng thành công Khu công nghiệp Sóng Thần, mở ra hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hồ Minh Phương từng nói: “Nếu chúng ta không quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung thì không có một Bình Dương như hôm nay…”. Tiếp nối chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, đến “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, sau ngày chia tách tỉnh Sông Bé, Bình Dương bước vào quá trình xây dựng và phát triển từ năm 1997, lãnh đạo tỉnh đã luôn nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp để thu hút đầu tư. Bên cạnh những cải tiến, sự linh hoạt trong chào mời các nhà đầu tư, ở Bình Dương có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong khu vực, cũng như cả nước. Đặc biệt là cơ chế chính sách rất thông thoáng, minh bạch đã tạo ra những điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu Bình Dương ngày càng được nhiều nhà đầu tư biết đến.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Hồ Minh Phương đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh vững tay lái, đưa tỉnh Sông Bé - Bình Dương phát triển như hôm nay và tạo dựng niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển của địa phương trong thời gian tới…

‘‘ Thời điểm Bình Dương mới bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển, tôi thường xuyên tiếp xúc, được nghe các vị lãnh đạo tỉnh, trao đổi với vô vàn trăn trở để tìm mọi cách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Tôi vẫn nhớ như in những chuyến đi ra nước ngoài tham quan và học tập với lãnh đạo tỉnh vào những năm khó khăn đó. Ông Út Phương (ông Hồ Minh Phương) đã thức nói chuyện gần như suốt đêm sau khi tham quan các khu công nghiệp to đẹp, với cơ sở hạ tầng đồng bộ của nước ngoài. Với tất cả chúng tôi thời điểm đó, các khu công nghiệp này là giấc mơ, khơi dậy khát vọng vô cùng mạnh mẽ để phấn đấu làm theo. Tinh thần đổi mới, cầu thị, sẵn sàng học hỏi của ông lan tỏa xuống cán bộ cấp dưới và tác động trực tiếp đến những người trẻ chúng tôi, thôi thúc phải cố gắng học hỏi, hoàn thiện mình để có thể góp phần mình vào sự nghiệp chung của tỉnh”
(Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I)

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên