Nhớ em - “Hai Lúa” Võ Hòa Nhân

Cập nhật: 17-02-2014 | 00:00:00

Vậy là hôm qua, gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã ngậm ngùi đưa tiễn em về nơi an nghỉ cuối cùng trong sự đau xót, tiếc thương vô hạn. Nhìn khuôn mặt hiền hậu của em trên di ảnh, không ai cầm được nước mắt và cho đến bây giờ các anh, chị vẫn không tin rằng em đã vĩnh viễn từ giã cuộc đời, vì em còn quá trẻ…

Nhớ lại hơn 10 năm trước, em vào tập sự làm phóng viên Báo Bình Dương khi vừa mới tốt nghiệp đại học báo chí. Tôi lúc ấy là Trưởng ban Kinh tế, được tổ chức đưa xuống giới thiệu, tôi nhớ mãi hình ảnh em khi đó: Một thanh niên trẻ, khỏe, da ngăm đen với vẻ chân chất, thật thà… Biết em gốc nông dân, sinh ra ở vùng Hòa Lợi, Bến Cát, Ban Kinh tế tạm phân công em theo mảng nông nghiệp. Dù thời gian ban đầu còn nhiều bở ngỡ, phải hướng dẫn, biên tập văn phong của em từng câu, từng chữ… nhưng chính mảng đề tài này đã giúp em ngày càng trưởng thành trong nghề báo, sau này là một trong những phóng viên, đảng viên ưu tú, là đội ngũ kế thừa cho lực lượng biên tập viên, cán bộ quản lý của cơ quan; là đàn anh gương mẫu, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ những phóng viên trẻ mới vào nghề.

Rất nhiều kỷ niệm với em mà tôi và các phóng viên Ban Kinh tế lúc ấy không thể nào quên khi nhắc đến em: chất phác, khẳng khái, đôi lúc nóng như Trương Phi và cũng hay tự ái, sĩ diện… như hầu hết những người nông dân khác nên các anh chị trong cơ quan và Ban Kinh tế ngày ấy đặt cho em cái biệt danh là “Hai Lúa”. Cái nét “lúa” dễ thương của em biểu hiện trong nhiều bài viết mà các anh, chị cứ phải biên tập và nhắc nhở mãi là em hay sử dụng từ địa phương như cây “thổ qua” thay vì khổ qua… Em viết nông nghiệp, mảng ngành tương đối vất vả vì phải lội đồng, băng ruộng, vào rừng… và ít khi được cơ sở hữu hảo tặng bao thư như phóng viên viết một số ngành khác. Vậy mà một hôm em vui vẻ, phấn khởi gặp, dúi vội vào tay tôi cái bao thư và ấp úng nói: “Em đi họp được người ta cho cái bao thư 200.000 đồng, em gởi chị một nửa”. Tôi xúc động không nói nên lời, bảo: “Em cứ cất đổ xăng đi, em đi công tác cực khổ, vất vả, người ta thương chị không nhận đâu”, em cứ nằn nì với vẻ mặt buồn buồn, tôi đành phải nhận mà thương em biết mấy.

Rồi có những năm, ngày 29, 30 tết, em gọi cửa nhà tôi, gãi đầu, lúng túng: “Tết nhất, em chẳng có gì biếu chị, chỉ có mấy thứ “cây nhà lá vườn” này gởi chị ăn lấy thảo…”. Quà của em khi thì con gà, trăm bánh tráng, ký tiêu đen do nhà em trồng… nhưng làm tôi rưng rưng muốn rớt nước mắt, bởi món quà tuy nhỏ nhưng nó gói ghém tấm lòng thơm thảo, kính trọng của em đối với một người chị, một người đồng nghiệp đi trước chỉ có công góp một phần trong việc dìu dắt em chập chững đi qua những ngõ ngách thực tế của nghề làm báo, vì lý thuyết em đã được đào tạo bài bản ở trường lớp rồi.

Gốc nông dân, em hay tự ái, sĩ diện. Hồi đó, nhiều lần ở lại biên tập trang về trễ, đi ngang qua phòng khách, thấy em ngồi một mình suy tư, tôi hỏi: “Trưa rồi, cơm nước gì chưa, sao em ngồi một mình ở đây?”. Em nhìn tôi cười cười: “Em ăn rồi chị, nghỉ chút, chiều em đi họp tiếp”. Chợt nhớ lại lúc ấy là ngày cuối tháng, tôi hỏi em còn tiền không, em lúng túng bảo: “Em còn mà”. Nghi ngờ, tôi bảo em mở túi, mở bóp ra xem, thì quả nhiên em không còn đồng nào trong người. Nhét tiền vào tay bảo em đi ăn cơm, tôi “nhẹ nhàng bảo” em: “Hết tiền cứ hỏi chị, chỗ chị em có gì đâu mà em ngại!”. Rồi tôi cũng quên bẵng đi, vậy mà khi lãnh nhuận bút, em tìm gặp, trả lại tôi, khi tôi nhất định không lấy, em nói: “Vậy coi như chị cho em há”…

Rồi em cứng cáp, chuyển qua Phòng Chính trị cuốn theo những đề tài nóng, những vấn đề thời sự, tôi sang Phòng Tòa soạn làm công tác biên tập, chị em ít có dịp ngồi với nhau lâu nhưng tình cảm vẫn như ngày nào… Nghe em bệnh, lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp ai cũng động viên, an ủi, tìm cách hỗ trợ, em bớt bệnh, ai cũng mừng. Cách đây không lâu, trong một cuộc họp cơ quan thấy mặt em ửng đỏ, tôi rầy em: “Mới sáng sớm mà em đã uống rượu sao?”. Em đính chính: “Không có, em uống thuốc đó chị!”… Tôi và nhiều người đâu biết rằng căn bệnh nan y đã bắt đầu bào mòn thân thể em. Rồi em trở bệnh nặng phải vào bệnh viện nằm triền miên. Sau tết, nghe em đỡ hơn tôi bàn với một số phóng viên qua rằm tháng giêng xin ý kiến cơ quan đi vận động một số doanh nghiệp thân quen thêm chi phí cho em trị bệnh vì căn bệnh của em chi phí điều trị rất cao… Nhưng rồi không còn có thể làm gì kịp để góp phần kéo dài sự sống của em, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Không có mặt trong giờ phút em qua đời, sự tiếc thương, ân hận làm tôi không ngủ được, nhiều khi đóng cửa phòng làm việc ngồi một mình, nghĩ đến em nước mắt tôi cứ âm thầm rơi…

Hai Lúa Võ Hòa Nhân ơi, em ra đi khi tuổi đời quá trẻ; sự nghiệp, tương lai em còn dài, bao dự định, đề tài mà em ấp ủ giờ phải bỏ dở dang; con em chưa biết thế nào là nỗi khổ của những đứa trẻ thiếu cha; cơ quan, đồng nghiệp mất đi một phóng viên năng nổ... Tiếc thương em quá nhưng phải đành đau đớn bất lực, chị cầu mong em thanh thản, yên nghỉ. Gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp sẽ mãi mãi không quên em…

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=389
Quay lên trên