Trong kháng chiến chống Mỹ, trên mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” có những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, ngày cầm cuốc, đêm cầm đàn để “Hát cho dân tôi nghe”. Họ chính là những nghệ sĩ cách mạng của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên, nay là Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh. 60 năm đã trôi qua, dù những mái tóc xanh ngày nào nay đã bạc trắng nhưng những ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn còn vang vọng, góp phần tô thắm niềm tự hào về nền văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà.
Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương tặng hoa cho bà Tuyết Sương và bà Phương Dung (nguyên là diễn viên Đoàn Văn công tỉnh) trong tiết mục “Chúng tôi là người lính Bác Hồ”
Nhớ một thời hoa lửa
Có dịp tham dự chương trình họp mặt Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh (Đoàn Văn công giải phóng Thủ Dầu Một - Bình Dương - Sông Bé, 20.12.1960 - 20.12.2020), chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy xúc động và tự hào của những nghệ sĩ cách mạng năm xưa. Xúc động kể lại những câu chuyện của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên, ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên trưởng Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Bình Dương, cho biết Đoàn Văn công thành lập ngay sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Lúc ấy, đoàn do đồng chí Nguyễn Danh (Ba Danh) đứng ra quy tụ anh em ở các đơn vị của tỉnh gồm 10 người. Họ trở thành 10 vòng nguyệt quế tỏa ngát hương thơm trong cuộc kháng chiến khi ấy.
Vở tuồng đầu tiên của đoàn có tên “Anh về cho thắm đẹp mùa xuân” ra mắt cộng đồng vùng Đất Cuốc (Tân Uyên) đã nhanh chóng hun đúc tinh thần yêu nước, yêu cách mạng của quân và dân ta lúc bấy giờ. Vở tuồng do ông Ba Danh viết sau khi nghiên cứu những tập bài ca vọng cổ và tuồng cải lương của soạn giả Quy Sắc. Vở tuồng được lưu diễn ở các xã vùng Chiến khu Đ, cơ quan bộ đội. Đặc biệt, vở tuồng này sau đó được phổ biến đến các đội văn nghệ xã vùng giải phóng, trong đó có Đoàn Văn công xã Long Nguyên. Năm 1963, vở tuồng được biểu diễn tại hội diễn văn nghệ toàn tỉnh.
Năm 1961, tỉnh Thủ Biên được chia tách. Đoàn Văn công được đưa về tỉnh Bình Dương. Từ đây, đoàn được bổ sung người và bắt đầu ngày đi sản xuất, làm ruộng phát hoang ở vùng cầu Phó Bình thuộc xã Long Nguyên (Bến Cát), đêm lại tập tiết mục. Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, tạm biệt gia đình, các nghệ sĩ vào chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Hành trang mỗi nghệ sĩ chỉ vài bộ trang phục, nhạc cụ và ít lương thực, thực phẩm. Phục trang biểu diễn do thành viên trong đoàn tự thiết kế, cắt may. Khâu hóa trang cũng cực kỳ đơn giản. Họ sử dụng bất kỳ vật phẩm nào có màu sắc có thể vẽ để tạo hình nhân vật.
Những chuyến đi không hẹn ngày về
Có thể nói, những chuyến đi biểu diễn của đoàn là những chuyến đi “không hẹn ngày về”, bởi tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt. Có những buổi biểu diễn, các thành viên phải ngủ trong rừng, đói khát hay lội suối ngập đến cổ nhưng khuôn mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười. Bà Trịnh Thị Tuyết Sương (nguyên diễn viên Đoàn Văn công miền Đông Nam bộ), tâm sự: “Trong cảnh bom đạn, khói lửa triền miên, chúng tôi vừa hành quân vừa biểu diễn phục vụ bà con và chiến sĩ. Đêm diễn tại đồi Bà Cẩm (xã Lạc An, Bắc Tân Uyên) là một trong những chương trình thành công rực rỡ của đoàn. Bởi trước đó, nhiều người trong đoàn đã hy sinh vì những trận càn của địch. Đau thương lắm, nhưng hễ còn hơi thở thì chúng tôi sẽ cất cao tiếng hát của mình để góp phần thổi bùng “ngọn lửa” cách mạng”.
Còn trong ký ức của bà Hồng Ngọc (một trong hai người còn sống của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên), đêm diễn ở ấp Ông Lóc (xã Vĩnh Tân) là một đêm đầy ấn tượng. Đoàn diễn một chương trình tổng hợp, cuối cùng là vở cải lương “Tang thương quê mẹ” của Nguyễn Dũng. Ông Quốc Nhân thủ vai một thiếu úy ngụy ác ôn. Ông diễn đạt đến nỗi bị một thanh niên từ dưới sân khấu chạy lên đánh ngã quỵ. Sau khi bình tĩnh lại, người thanh niên ấy đã xin lỗi bà con và nắm tay ông Quốc Nhân nói: “Anh diễn hay quá, tôi cứ ngỡ là thật vì trước đây địch cũng đánh tôi như thế. Tôi căm thù quá. Xin lỗi anh”. Rồi sau đó, đoàn còn được đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ, Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ) tặng thưởng thanh kiếm của Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn (Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành), chiến lợi phẩm của quân và dân ta.
Tự hào có Đảng lãnh đạo con đường hôm qua đã đi, những người ở lại của đoàn đã viết tiếp những trang sử vẻ vang, đi đánh Mỹ và đã thắng Mỹ. Trong buổi họp mặt 60 năm ngày thành lập đoàn, tên những nghệ sĩ cách mạng đã ngã xuống được nhắc đến một cách trân trọng để tri ân và tiếp lửa cho các thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là những câu chuyện đầy xúc động về các diễn viên trong đoàn đã hy sinh. Từ cô diễn viên vừa cấy lúa ban đêm xong, về lo cơm nước cho đồng đội chuẩn bị chống càn đã bị trúng pháo và hy sinh tại đồng Cà Tông (Dầu Tiếng). Trước đó, khi trên cáng thương, cô vẫn luôn ca hát để qua cơn đau. Đến người diễn viên nhỏ tuổi nhất của đoàn là Quốc Đặng mới 15 tuổi đã nằm lại tại xóm guốc Bà Lụa (Thủ Dầu Một). Hay Hồng Vân, con chim rừng biết hát làm đẹp cho đời đã ngã xuống khi hành quân trên cầu Rạt, vai mang bồng báo Phú Lợi và trên bầu trời đầy máy bay Mỹ lồng lộn…
Tiếp nối truyền thống
Trong chương trình họp mặt, những giọng ca máu lửa ngày nào nay tóc đã bạc, chân đã run nhưng vẫn cất cao tiếng hát tự hào về truyền thống cách mạng quê hương và về con đường bản thân đã chọn. Trải qua nhiều thăng trầm, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên được đổi tên thành Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một, sau đó là Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Sông Bé, Đoàn Văn công Bình Dương, Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Bình Dương và nay là Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Nhưng, dù trong giai đoạn lịch sử nào, các thế hệ lãnh đạo của đoàn luôn xác định chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị nghệ thuật, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, từng bước vươn lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên là nhân tố quan trọng tạo nên phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở khu vực miền Đông Nam bộ. Từ năm 1975 đến nay, đoàn đã xây dựng nhiều chương trình quy mô với chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các ngày lễ lớn của đất nước. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã biểu diễn phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo của Tổ quốc ở Trường Sa; tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và mang nghệ thuật đặc trưng của quê hương Bình Dương đến với nước bạn Campuchia, Lào… Ngoài ra, đoàn còn kết hợp các nghệ sĩ đến từ TP.Hồ Chí Minh biểu diễn ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ…
“Một chặng đường lịch sử 60 năm, với nhiều lần đổi tên để tồn tại và phát triển luôn nhắc nhở chúng ta rằng: Hãy giữ mãi ấn tượng tốt đẹp 60 năm như một kỷ niệm quý giá của những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, để vui với những thành công, để thương với những gì nhọc nhằn, gian khổ, để thông cảm với những kỳ vọng chưa trọn vẹn và để tự hào về những cán bộ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên biết kế thừa - sáng tạo - dám nghĩ - dám làm”, ông Trần Thanh Sơn, nguyên Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương nói.
Với những nỗ lực phục vụ kháng chiến, năm 1996, đoàn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì những đóng góp về hoạt động văn hóa ở địa phương. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh đã tặng bức trướng “Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Dương 60 năm phát triển (1960 - 2020) Đoàn kết - Sáng tạo - Cống hiến”; tặng bằng khen cho 1 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp cho đoàn. |
THỤC VĂN