Cuối tháng 6-1965, chấp hành chủ trương của Trung ương Cục chỉ đạo các cấp ủy huyện, thị phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên ra sức động viên giáo dục nam nữ thanh niên vùng giải phóng tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước, trải qua thời gian thực hiện đã thu được nhiều kết quả thiết thực. Ngày 23-11-1965, nhân kỷ niệm 25 năm khởi nghĩa Nam Kỳ đã chính thức thành lập 2 đơn vị TNXP với 2 phiên hiệu: Đại đội 1165 (Bình Giã chiến thắng) và Đại đội 112 (Phú Lợi căm thù). Tổng quân số 120 nam nữ là cán bộ, đội viên đứng vào hàng ngũ TNXP giải phóng miền Nam, làm nghĩa vụ 5 xung phong trong đó có nhiệm vụ thứ 3 là xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân và tham gia phong trào du kích chiến tranh; xung phong đi dân công và TNXP phục vụ tiền tuyến; xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; xung phong sản xuất nông nghiệp.
Họ mang truyền thống vẻ vang của Hội thanh niên cứu quốc chống Pháp kết hợp với nghĩa vụ hiện tại là phát huy cao độ trí tuệ, dũng khí hoàn thành xuất sắc công tác chiến đấu cùng các Trung đoàn thuộc Sư đoàn 9 (Chủ lực miền Đông Nam bộ) suốt 8 năm liền 1965-1973 được Bác Hồ kính yêu khen: “Một thế hệ thanh niên vô cùng gan dạ, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh quyết chiến, quyết thắng”.
Tập thể TNXP Thủ Dầu Một và Tổng đội được bộ đội tặng biệt danh là lực lượng có “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” thành tích của 2 đại đội này đã từng trải qua 12 trận phục vụ Chủ lực quân, nổi lên các chiến thắng vang dội: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang - Nhà Đỏ, Bàu Bàng, Lai Khê, Cần Đâm, Cần Lê... Đây không phải là việc tầm thường như anh đi đâu cho em theo cùng mà rất phi thường là đoàn giải phóng quân xuất kích phía trước thì đội TNXP xuất kích phía sau. Cả hai cùng nhau thi đua lập công. Nắm thắt lưng địch mà đánh cho Mỹ cút ngụy nhào. TNXP không sợ chết vì thương binh tử sĩ...
Khi xông pha vào trận mạc xuất hiện nhiều tấm gương dũng khí tiêu biểu nổi lên như đồng chí Đoàn Thị Liên (1944-1966), từ dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú trở thành liệt sĩ, sau này được truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Tên người nữ anh hùng được đặt tên cho một con đường và một ngôi nhà trẻ tại thị xã Thủ Dầu Một. Hơn thế nữa xây tượng đài ở công viên tại chợ Chánh Lưu xã Chánh Phú Hòa quê hương của đồng chí Bảy Liên. Người có hành động quên mình Đoàn Thị Liên để lại lời vàng: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” ở trận Cần Lê đường 13 huyện Bến Cát. Sau đó Tổng đội miền phát động phong trào học tập và làm theo gương sáng của Đoàn Thị Liên. Hiệu quả ấy được phản ánh qua lời nói của các chiến sĩ giải phóng quân. “Khi bị thương gặp TNXP là thấy sống. Ra mặt trận nhìn về phía sau thấy có TNXP là yên tâm...”.
Vai trò lịch sử của TNXP Thủ Dầu Một được ghi đậm nét vào các quyển lịch sử tỉnh Bình Dương: Đảng bộ, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, truyền thống Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam.
Nhận được nguồn tin trên, Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên Thủ Dầu Một là Trần Bình (Sáu Bình) đến nơi các TNXP ngã xuống làm nghĩa cử... Sau đó Ban Chấp hành Tỉnh đoàn phát động phong trào thi đua lập công, học tập gương chiến đấu gan dạ hy sinh cao cả của TNXP và được cán bộ đoàn viên tích cực hưởng ứng có hiệu quả lớn để trả thù cho đồng đội.
Với tư cách người làm công tác lịch sử Đảng tỉnh tôi có đôi lời đến các Ban biên tập Lịch sử Đảng bộ Bình Dương, Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản tỉnh, Lịch sử Hội Phụ nữ tỉnh, Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh và Lịch sử Sư đoàn 9, sau này tái bản sách hãy nhớ bổ sung thêm 40 gương liệt sĩ TNXP hy sinh ở trận địa Phú Bình và mong muốn cơ quan chức năng tỉnh làm bia tưởng niệm 40 liệt sĩ TNXP. Được như vậy, hàng năm, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 có hình bóng những nam nữ thanh xuân tải đạn ra chiến trường góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm đem lại hòa bình giàu mạnh cho quê hương và giữ tinh thần yêu nước làm đúng theo đạo đức Bác Hồ kính yêu.
NGUYỄN MINH ĐỨC