Kỳ cuối: Tiêu thổ kháng chiến
Ngay sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, để đánh phá âm mưu của chúng, Đảng có chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”. Thực hiện triệt để lệnh tiêu thổ với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, một lòng theo cách mạng, người dân Tân Phước Khánh không ngần ngại đốt đình, nhân dân Tân Uyên sẵn sàng hy sinh nhà cửa, tài sản, ruộng vườn…, đồng thời bố trí du kích, xây dựng trận địa chiến đấu.
Tân Phước Khánh một lòng theo cách mạng
Tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên quê hương Tân Phước Khánh, cũng như ngôi đình thần Bưng Cù (KP.Khánh Long, P.Tân Phước Khánh) khang trang hôm nay, ít ai có thể tin rằng đình này được xây dựng lại trên đống đổ nát “tiêu thổ kháng chiến” cách đây 69 năm. Ngày đốt đình Bưng Cù (dân làng trong vùng quen gọi Miếu Ông Cù) được chính quyền, nhân dân trong xã Tân Phước Khánh lựa chọn trùng với ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945). Như một việc tất yếu, khi thực dân Pháp quay trở lại, để góp sức cho cách mạng, tiêu hủy những nơi địch có thể sử dụng làm đồn bót đàn áp nhân dân, mọi người đã đồng lòng tiêu thổ. Ông Nguyễn Văn Tẩu (SN 1930, khu phố Khánh Long) kể lại, trong ngày 23-9-1945 (tức 18-8 âm lịch), khi mọi người đang tập trung nghe hát lễ Kỳ yên thì bỗng dưng ngưng lại. Tất cả mọi người đều bất ngờ. Sau đó, mọi người được nghe thông báo tình hình thực dân Pháp chiếm đánh Việt Nam lần hai. Đồng bào trong xã, cùng đại diện chính quyền, đại diện lực lượng quân sự địa phương tập trung tại sân Miếu Ông Cù trong không khí trang nghiêm làm lễ đốt đình. Lễ đốt đình ngày 18-8 đã mở đầu cho cuộc tiêu thổ kháng chiến của các tầng lớp nhân dân Tân Phước Khánh.
Thành viên Ban Quý tế đình nhắc lại một thời đình hưởng ứng Tiêu thổ kháng chiến
Trước toàn thể đồng bào, đồng chí Nguyễn Văn Ngang, Tổng ủy viên quân sự kêu gọi toàn thể nhân dân Tân Phước Khánh cùng nhau đứng lên chống Pháp với tất cả vũ khí có trong tay như gậy, tầm vông, giáo mác… Tinh thần cách mạng lan tỏa mạnh như một “cơn lốc” lửa, tất cả lãnh đạo chính quyền xã, cùng đồng bào đã tự tay đốt ngôi nhà thân yêu của mình. Nhà cửa, trường học và những gì giặc Pháp có thể sử dụng được dọc theo đường bộ đều bị phá bỏ, biến thành “vườn không nhà trống”. Ông Nguyễn Văn Hoàng (64 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Khánh (nay là P.Tân Phước Khánh) nói, người dân nơi đây, nhất là lực lượng thanh niên còn vót hàng ngàn cây chông cắm trên những cánh đồng để chống Pháp nhảy dù. Đồng thời, bà con cũng dấy lên phong trào đắp mô, chặt cây hai bên đường làm vật cản để chặn bước tiến của giặc.
Ông Hoàng nói thêm, theo như những gì ông được nghe kể, năm 1946, thực dân Pháp thiết lập đồn ngay chợ Tân Phước Khánh, do một trung đội đóng giữ. Xung quanh bót chúng bắt dân đào hào, rào kẽm gai bảo vệ. Tại đây, lính Pháp kết hợp với lính Cao Đài phản động ra sức hà hiếp dân chúng, đàn áp lực lượng cách mạng, bắt dân đi xâu, đi lính, bắt đào hầm, vơ vét cướp bóc tài sản của nhân dân… Để đáp ứng nhu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới cũng như kịp thời động viên, tổ chức nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược, sau thời gian củng cố tổ chức lại cơ sở Đảng, năm 1946 tổ chức Đảng cấp trên cho thành lập một chi bộ Đảng ở Tân Phước Khánh. Sau khi chi bộ Đảng ra đời, nhân dân Tân Phước Khánh đã đứng lên chống giặc.
Nổi bật là trận phục kích tại vườn dong Phước Lộc, ngày 19-12-1946, trận này nhiều quân Pháp bị bắn chết, số còn lại tháo chạy ra đường. Sau đó, quân ta vào chiếm miếu Phước Lộc lấy cửa làm băng ca khiêng xác địch lên xe về Phú Lợi. Sau đó, được trang bị vũ khí, cũng như huấn luyện tác chiến, du kích Tân Phước Khánh có thể độc lập tác chiến và phối hợp tác chiến với lực lượng tham gia công tác phá hoại các trục lộ giao thông, cầu cống… gây nhiều thiệt hại cho địch. Ngoài ra, du kích Tân Phước Khánh còn là lực lượng tin cậy dẫn đường, đưa đón những đơn vị chủ lực và những đoàn cán bộ qua lại trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến của toàn dân.
Tiêu thổ ủng hộ cách mạng
Sau khi được tuyên truyền, giải thích rõ về chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhiều xã thuộc quận Tân Uyên sớm vận động nhân dân không hợp tác với địch, đồng bào triệt để thực hiện chủ trương của chính quyền cách mạng. Người dân không ngần ngại châm lửa đốt hết nhà cửa, trường học, chùa chiền rồi rút đi nơi khác. Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Uyên Phan Tấn Lập, cho biết, ngày 20-1-1946, phán đoán quân Pháp sẽ không từ bỏ ý định tiếp tục tấn công lên Tân Uyên, ông Nguyễn Bình mở cuộc họp khẩn cấp tại dinh quận Tân Uyên, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có kế hoạch “vườn không nhà trống” hay còn gọi là “tiêu thổ kháng chiến”. Kế hoạch trên với mục đích vừa ít tổn hao sinh mạng nhân dân, vừa không tạo điều kiện cho giặc cướp phá, trú đóng lại trên địa bàn. Để thực hiện chủ trương này nhân dân phải bỏ nhà, làng mạc rút về những địa điểm an toàn trước khi giặc Pháp càn quét đến. Trong kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”, qua lời kể của các nhân chứng, ban đầu để vận động nhân dân đốt nhà, nhiều lãnh đạo gương mẫu đi đầu, tự tay đốt nhà mình trước. Chính tay anh Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ), cùng mẹ đã nén lòng châm lửa đốt ngôi nhà của mình, đưa mẹ già, vợ và các con về nơi trú ẩn. Thế là bà con trong vùng cũng nhanh chóng làm theo mệnh lệnh của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ.
Tại thị trấn Uyên Hưng, sau khi có lệnh tiêu thổ truyền đi, nhân dân khu vực thực hiện triệt để tiêu thổ. Cả thị trấn chìm trong biển lửa. Đồng bào thị trấn thu dọn đồ đạc, thóc gạo đưa lên xe bò hoặc gồng gánh chuyển vào rừng các xã Tân Tịch, Tân Hòa, Thường Lang, Mỹ Lộc làm nhà, dựng trại sinh sống và sản xuất. Ông Mai Sơn Việt (tên thật là Mai Văn Song, SN 1922), ngụ tại P.Phú Cường, TP.TDM, nguyên Bí thư Huyện ủy - kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Đồng Nai thuộc Chiến khu Đ (thời kỳ 1948) tâm sự: “Khi địch tràn vào các xã, chúng thường có động thái dụ dỗ nhân dân theo chúng. Người dân không theo, chúng đốt nhà, bắt người, giết người. Do đó, khi biết tin giặc vào, người dân tự đốt nhà để khẳng định với giặc, đừng dọa dân, mất nước còn nhà cũng như không, thà mất nhà giành lấy hòa bình, độc lập còn hơn”.
Cũng như các vùng quê khác, nhân dân Lạc An thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Ngoài ra, người dân ủng hộ tích cực cho cách mạng 500 giạ lúa, hàng trăm xe củi để nuôi bộ đội, cơ quan đóng tại Lạc An. Các cơ quan phục vụ kháng chiến như kho tiếp tế, bộ chỉ huy tư lệnh, bệnh viện đều ở nhà dân địa phương. Một số nhà dân được vận động tham gia phục vụ cho cách mạng như nhà bà Trương Thị Tử làm nơi tiếp tế, nhà ông Nguyễn Kim Ngân làm nơi “đóng quân” của Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang, nhà ông Nguyễn Văn Tựu được mượn làm trạm cứu thương… Lúc này, phong trào cách mạng với sự tham gia hưởng ứng của nhân dân địa phương thật sôi nổi. Ông Võ Văn Mộc, cán bộ lão thành cách mạng xã Lạc An (Bắc Tân Uyên) cho biết: “Từ khi phát động kháng chiến chống Pháp, nhân dân xã Lạc An hết lòng theo cách mạng. Cuộc sống có khó khăn nhưng vẫn nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội. Tinh thần của người dân càng làm tăng thêm sức mạnh cho bộ đội. Từ đó, họ ngày đêm đánh giặc quên mệt mỏi, hiểm nguy để giành lại độc lập, xứng đáng với sự tin yêu của dân”.
Qua phong trào “tiêu thổ kháng chiến” có thể thấy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên trung bám đất giữ làng, một lòng một dạ đi theo Đảng của nhân dân. Tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của nhân dân đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đình Bưng Cù do người dân đốt đã được xây dựng lại. Hiện nay, mỗi năm vào ngày 18-8 (âm lịch) là ngày lễ Kỳ yên cầu nguyện quốc thái dân an. Tại buổi lễ, Ban quý tế đình đã nhắc lại sự kiện ngày 23-9-1945 cho con cháu biết về tinh thần hết lòng vì nước của nhân dân Tân Phước Khánh. Từ đó, giúp thế hệ con cháu hiểu hơn về lịch sử đình, tinh thần yêu nước của cha ông để nỗ lực học tập, cống hiến xây dựng Tân Phước Khánh ngày càng giàu đẹp.
THIÊN LÝ