Bài 1: Từ những năm 20 rực lửa đấu tranh
Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 80 năm thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, vui mừng chào đón năm mới Bính Thân 2016, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương tự hào về những thành tựu đã đạt được của cách mạng nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng tự hào về Đảng và Bác Hồ, chúng ta càng không thể quên được một thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy cam go gian khổ của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một. Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết về một chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha ông trên mảnh đất miền Đông anh dũng.
Từ năm 1925, do chịu ảnh hưởng của nhiều sự kiện chính trị lớn trong nước, phong trào yêu nước và đấu tranh ở Thủ Dầu Một có những sự chuyển biến mới. Công nhân ở các đồn điền cao su Đa Kia, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Phước Hòa… đã nhiều lần bãi công, biểu tình đưa kiến nghị lên chủ đồn điền. Nhất là từ năm 1929 đến năm 1930, những cuộc đấu tranh sôi nổi dưới sự tổ chức chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản ở đồn điền cao su Phú Riềng và Đề-pô xe lửa Dĩ An đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một.
Chùa Hội Khánh, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến tổ chức thành lập Hội Danh dự. Ảnh: Q.CHIẾN
Sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, ngày 29-2-1861 quân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một. Cuối năm 1861, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của chúng và sau đó tiếp tục mở rộng phạm vi chiếm đóng lên phía bắc Thủ Dầu Một như Bù Đốp, Hớn Quản, Bà Rá… là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Stiêng, Khơ-me, M’nông, Châu Ro, Mạ, Tà Mun… Nhưng mãi đến năm 1892, chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở quận Chơn Thành (sau đổi thành quận Hớn Quản) gồm 6 tổng và 50 buôn làng. Năm 1898, chúng lập ra một số đồn bót ở các vùng Bù Đốp, Chơn Thành, Bà Rá…
Từ năm 1899 trở đi, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân đàn áp bắt dân đưa đi làm lao dịch. Chúng thực hiện biện pháp dùng vũ lực kết hợp lừa mị để cướp đất, xua đuổi đồng bào phải rời buôn làng, nương rẫy đi sâu vào chốn rừng thiêng nước độc. Thâm hiểm hơn, chúng gây chia rẽ giữa những cộng đồng bộ lạc, giữa các dân tộc thiểu số với người Việt. Chúng xóa bỏ chế độ tù trưởng và dựng lên lớp tay sai thuộc tầng lớp có uy quyền nhất ở các làng, tổng. Những việc làm đó của thực dân Pháp nhằm vào nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu quan trọng nhất là lập ra các đồn điền cao su kết hợp với khai thác gỗ… theo chính sách khai thác thuộc địa và xây dựng căn cứ chiến lược Tây nguyên.
Năm 1905, bọn tư bản Pháp bắt đầu lập ra các đồn điền cao su ở An Lộc, Xa Trạch. Đến năm 1916, đã có hàng loạt công ty cao su ra đời trên đất Thủ Dầu Một. Sự mất mát quyền lợi thiết thân hàng ngày cùng nhiều đau khổ do giặc Pháp gây ra đã tạo nên mối hận thù sâu sắc trong đồng bào các dân tộc. Cũng từ đó, đã bùng phát lên những cuộc đấu tranh của đồng bào chống lại kẻ thù xâm lược ngay trên mảnh đất của mình đang sinh sống. Trong những năm đầu của thế kỷ XX, ngoài những hoạt động vũ trang chống Pháp diễn ra trên khắp các địa bàn ở Thủ Dầu Một, các tổ chức yêu nước cũng hoạt động rất tích cực như Thiên Địa hội, Hội Danh dự, Hội kín Nguyễn An Ninh. Thiên Địa hội là một tổ chức chống Pháp của nông dân Nam kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Hội đã thu hút đông đảo nông dân và các tầng lớp lao động khác bao gồm những người căm thù sâu sắc bọn cướp nước và bọn cường hào ở làng xã.
Ở Thủ Dầu Một, cơ sở của hội được lập ra tại nhiều xã trong các quận. Nhiều cơ sở của hội tổ chức luyện tập võ nghệ và cùng nhau thề nguyện đánh Tây. Tiêu biểu cho sự hoạt động của tổ chức này là khoảng cuối tháng 2-1916, hàng trăm hội viên ở Lái Thiêu mang theo gậy tầm vông, giáo mác tụ họp tại đình Tân Thới cùng nhau thề nguyện đánh Pháp, rồi kéo đi Sài Gòn định cứu “hoàng đế” Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) đang bị giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Đoàn người vừa rời khỏi chợ Lái Thiêu thì bị quân lính đến bao vây, bắt đi một số người và bắt giải tán.
Cùng với Thiên Địa hội, thời kỳ này ở Thủ Dầu Một còn có hoạt động của Hội Danh dự. Những người sáng lập ra hội này là cụ Phan Đình Viện (Tú Cúc, nhà chí sĩ yêu nước quê ở Hà Tĩnh đã từng tham gia phong trào Duy Tân năm 1911 bị giặc Pháp và tay sai cấm hoạt động, lánh mình vào Nam đến Thủ Dầu Một) và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một vị khoa bảng có lòng yêu nước, chống Pháp, đã đi nhiều nơi rồi đến chùa Hội Khánh cùng hoạt động với Hòa thượng Từ Văn. Ngoài ra, hội còn có 8 người khác cùng tham gia. Bằng những hoạt động bình thường như xem mạch bốc thuốc trị bệnh, làm thầy địa lý, dạy chữ nho…, tiếp xúc với dân hàng ngày các cụ đã giáo dục đạo lý ở đời là phải ăn ở hiền lành, có đức độ, không tham lam trộm cướp, không theo bọn lang sói hại dân, phản nước, nên theo gương oanh liệt chống ngoại xâm của tổ tiên ta... Tuy Hội Danh dự sau đó bị giải tán, nhưng những lời nói và việc làm của các cụ trực tiếp hay gián tiếp đã để lại cho dân chúng địa phương những ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc đến lòng yêu nước của họ.
Sau những hoạt động của Thiên Địa hội và Hội Danh dự, phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một vẫn tiếp tục phát triển. Trên cơ sở phát triển của phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một cũng như ở thành phố Sài Gòn và một số tỉnh lân cận, một tổ chức yêu nước khác lại ra đời, đó là Hội kín Yêu nước của Nguyễn An Ninh.
Tại Thủ Dầu Một, cơ sở của hội được lập ra đầu tiên ở quận Lái Thiêu có khoảng 10 thanh niên như: Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Lộng, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng… Về sau, hội tăng lên hàng chục hội viên. Thành viên của hội bao gồm những người là thợ mộc, thợ lò chén, thợ lò đường, học sinh, thầy giáo, thầy ký ở TX.Thủ Dầu Một, Lái Thiêu… Trong số đó có nhiều người là con em của các hội viên Thiên Địa hội trước kia.
Hội kín Yêu nước được lập ra ở Thủ Dầu Một với mục đích “Tìm cách giải phóng giống nòi” theo lời kêu gọi của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh đã từng nêu trên diễn đàn và báo chí công khai. Các hội viên thường giúp đỡ nhau về tiền gạo và thăm hỏi nhau khi gặp tang ma hoặc tai nạn, khuyên răn nhau trọng đức và khinh rẽ kẻ gian nịnh Tây tà. Các hội viên là thầy giáo, thầy ký, học sinh thường tập hợp thành các nhóm đọc sách báo tiến bộ, trong đó có các báo “Chuông Rè” (La cloche fêléc) và An Nam (L’Annam)… Từ khi Nguyễn An Ninh bị giặc Pháp bắt giam ở Sài Gòn (1929), hoạt động của Hội kín ở Thủ Dầu Một chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhóm đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng như: Lê Trọng Khôi, Nguyễn Chí Diễu… Ngoài ra, quần chúng ở Lái Thiêu còn được tiếp nhận sự tuyên truyền cách mạng của các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng từ Sài Gòn lên.
Từ năm 1925 trở đi, do chịu ảnh hưởng của nhiều sự kiện chính trị lớn trong nước, phong trào yêu nước và đấu tranh ở Thủ Dầu Một có những sự chuyển biến mới. Công nhân ở các đồn điền cao su Đa Kia, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Phước Hòa… đã nhiều lần bãi công, biểu tình đưa kiến nghị lên chủ đồn điền. Nhất là từ năm 1929 đến năm 1930, những cuộc đấu tranh sôi nổi dưới sự tổ chức chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản ở đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) và Đề-pô xe lửa Dĩ An (Gia Định) đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một.
Bài 2: Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời
Đ.HẬU - K.GIANG (tổng hợp)