Trời lại đổ mưa, làm cho con đường màu đất đỏ bazan của 2 xã Cư Kbang và Ea Lốp, huyện Ea Sup, tỉnh Đắc Lắc thêm trơn trượt. Thế nhưng, “sức nóng” tinh thần tình nguyện của các chiến sĩ (CS) trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã xua tan cái lạnh lẽo, khó khăn của thời tiết để làm nên những công trình, phần việc thanh niên (TN) hết sức ấn tượng.
Một, hai, ba... kéo...
Càng tình nguyện...
Mặc dù đã hình dung trước những khó khăn qua lời kể và tập huấn của các anh chị, nhưng Trang, cô sinh viên năm nhất của trường vẫn không hình dung được con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo và khó đi như vậy ở vùng đất Tây nguyên. Cái khác đầu tiên và dễ nhận ra nhất chính là sự biến đổi của thời tiết và địa hình đi lại. “Quang cảnh ấy lúc đầu đã làm cho mình cảm thấy rất buồn và nhớ nhà, nhưng với tinh thần tình nguyện và mong muốn học hỏi, khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về con người và cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở đây nên chúng mình đã nhanh chóng hòa nhập” - CS Dũng tâm sự.
Trời mưa bất chợt phủ lên những tán cây rừng vẽ nên khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Cảnh đẹp đã làm cho những CS trẻ không tránh khỏi những phút giây xúc động. “Nếu biết vẽ, mình sẽ vẽ một bức tranh đẹp về những ngày tình nguyện ở nơi đây” - CS Hà cho biết. Đúng với tinh thần tình nguyện, 120 CS của trường đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện đường sá, nơi ăn ở và thời tiết để nhanh chóng bắt tay vào các hoạt động hè tình nguyện. “10 ngày tình nguyện không phải là dài nên không thể lãng phí thời gian, thế nên ai cũng sẵn sàng bắt tay vào việc với tinh thần vừa học vừa làm”.
Đầu tiên là triển khai kế hoạch tuyên truyền và phát 500 tờ bướm đến với người dân về cách phòng ngừa các loại bệnh thường gặp ở thôn quê như sốt xuất huyết, an toàn giao thông, cách phòng chống cháy rừng. Đường lầy lội thì xắn quần tới gối để đến với các hộ gia đình, khi trời quang thì tiến hành giúp dân phát quang cây cỏ xung quanh trường học, nhà cửa, dọn bể nước, vệ sinh sân vườn.. Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, các CS đã nhanh chóng quen với điều kiện sống và người dân. Đi đến đâu, bà con cũng thân thiện đón chào, tiếp sức cho những ngày hè của các bạn thêm hào hứng.
Chẳng mấy chốc, các CS đã “sống được” trong “lòng dân”. Vì thế, việc vận động người dân cho con em đến tham gia lớp ôn tập, sinh hoạt hè được hưởng ứng tích cực. Lớp học hè chính thức được khởi động, đã vận động và thu hút được 456 các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Sự sống động của lớp học được xem là một trong những thành quả tốt đẹp của các CS tại mặt trận 2 xã Cư Kbang và Ea Lốp. Là thành quả của lòng nhiệt tình, khi mà các CS không ngại mưa nắng, đường xa đến vận động từng hộ gia đình cách xa nhau hàng cây số để cho con em tham gia ôn tập hè.
Càng lúc, những hoạt động tình nguyện càng được “lên men” và “chạy việc”. 120 CS phân chia thành các nhóm như tổ hậu cần, tổ dạy học, tổ làm công tác an sinh xã hội.. luân phiên nhau đảm nhận các phần việc, công trình đã đặt ra. Thế mới biết, tinh thần tình nguyện là sức mạnh!
Càng học nhiều điều hay
Trước khi đưa quân đến mặt trận, Ban chỉ đạo hè tình nguyện của trường đã tiến hành tiền trạm tại địa bàn 2 xã Cư Kbang và Ea Lốp, huyện Ea Sup. Dù vậy, khi đi vào thực tiễn thì mọi thứ thay đổi rất nhiều. Mùa này, ở cao nguyên mưa thường hay đổ nặng hạt. Vì thế, đòi hỏi sức nóng của lòng nhiệt tình và sự sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt các hoạt động. Thế nên, khi nhìn lại những gì đã làm được, các CS xem đó như là những thành quả đáng nể, cũng như học được nhiều bài học hay về tinh thần đoàn kết, sự am hiểu thiên nhiên, con người và kỹ năng tiếp xúc với những người dân tộc bình dị đời thường.
Thương quá các em nhỏ xã Cư Kbang và Ea Lốp!
Đội tình nguyện đã phát quang được 10km đường và trồng 10.000 cây xanh hai bên đường vào xã Ea Lốp, thực hiện công trình TN với sân bóng chuyền diện tích 264m2 tại thôn 4b, trồng 130 cây xanh tại xã Cư Kbang, làm mới 2 khung thành bóng đá và ủi đất cho bằng phẳng tại 2 thôn 4b và thôn 7, sửa lại 4 sân bóng chuyền để tạo sân chơi thể thao rèn luyện sức khỏe cho TN tại địa phương. Đặc biệt hơn, qua thời gian “sống cùng” với đồng bào, gặp những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đội hình tình nguyện đã đóng góp và trao tặng 1,5 triệu đồng và hơn 300 bộ đồ. Lớp học hè học tập khá bài bản, những “giáo viên vùng đồng bằng” cũng soạn giáo án, giải bài tập, có kiểm tra, đánh giá và biểu dương, khen thưởng cho những em học giỏi nên tạo không khí học tập hết sức sôi nổi và nghiêm túc. Thương các em còn nhiều khó khăn, các CS tình nguyện lại tự quyên góp cùng nhau để tặng 200 quyển sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng 500 quyển tập, 300 viết bi, 100 viết chì, 20 hộp bút sáp màu cho các em tập vẽ, trị giá trên 2 triệu đồng.
10 ngày tuy không dài nhưng đã đầy ắp kỷ niệm và những điều nhung nhớ đối với những CS trẻ tại mặt trận 2 xã nghèo của huyện Ea Sup. “Trước đây, mình chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, nhìn cuộc sống với thái độ vô tư và hời hợt, nhưng trong những ngày hè tình nguyện mình đã sống, làm việc hết sức mình và hiểu ra rằng ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S vẫn còn nhiều lắm những việc ý nghĩa mà mỗi người có thể tham gia đóng góp”. Đó là cảm xúc chung của rất nhiều bạn trẻ sau khi khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện đã tìm thấy màu xanh của cuộc sống.
Đâu chỉ thế, các bạn còn được tự mình tắm mát từ nguồn nước trong sạch của buôn làng, nghe kể chuyện Tháp Chàm rừng xanh, ngắm Hồ EaSup thượng, tán cổ thụ của rừng già EaSup, bên dòng sông Ea H’leo. Và còn nữa, đó là dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước mình. Giờ mới biết, tỉnh Đắc Lắc có đến 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ, giữ kỷ lục ở Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất. “Nhớ quá, mùa hè xanh!”.
NGỌC TRINH