Nhớ tiếng cồng chiêng

Cập nhật: 08-10-2020 | 09:17:20

Từ bao đời nay, cồng chiêng luôn được coi là linh hồn trong đời sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Vì vậy, cồng chiêng gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của các đồng bào dân tộc trong các dịp lễ hội. Với đồng bào Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo, ngày nay, các nghi lễ dân tộc đã được rút gọn đơn giản hơn nhưng đồng bào nơi đây trăn trở khi tiếng cồng chiêng trong những mùa lễ hội trước đây nay cũng trầm lắng.


Cụ Kim Tiên, bậc cao niên của đồng bào Khmer, ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo, vẫn còn nhớ từng kỹ năng đánh chiêng đúng nhịp điệu

Tiếng thiêng nơi núi rừng

Mỗi bản nhạc cồng chiêng ngân vang, là biểu hiện cho sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của mỗi bản làng, phum sóc. Đối với đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào Khmer ở xã An Bình nói riêng, nhịp điệu cồng chiêng thường được đan xen với nhịp điệu nhảy múa rộn rã trong các mùa lễ hội truyền thống lớn như: Lễ hội Chol Chnăm Thmây (lễ mừng năm mới); lễ hội Sen Đôn Ta (lễ cúng ông bà, hay còn gọi là lễ Đón Nước). Đặc biệt là lễ hội cổ truyền Thắc Côn (lễ Đạp Cổng) được tổ chức vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hàng năm với ý nghĩa gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất trong truyền thuyết. Sau phần nghi lễ là các chương trình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó không thể thiếu được những nhịp điệu cồng chiêng. Những bản nhạc cồng chiêng không chỉ thể hiện tâm tư, tình cảm, kết nối tình đoàn kết với các cộng đồng dân tộc mà còn là báu vật thiêng liêng để con người được giao tiếp với thần linh nơi núi rừng.

Cụ Kim Thành năm nay đã 72 tuổi ở ấp Tân Thịnh hồi tưởng lại những ký ức tuổi thơ khi may mắn được ông nội dạy cách chơi cồng chiêng. Cụ kể, ngày xưa, chỉ có già làng mới có được bộ cồng chiêng; những ngày tết cổ truyền, hay những mùa lễ hội của đồng bào mới đem bộ chiêng ra sử dụng, để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Năm ông được 12 tuổi, ông nội và cha thường dạy ông cách chơi cồng chiêng để cùng đám trai làng đánh cồng chiêng phục vụ các buổi sinh hoạt cộng đồng. “Học được cách đánh chiêng bài bản khó lắm, người chơi chiêng phải đam mê và chịu khó rèn luyện kỹ năng. Thời tôi còn trẻ, những ngày trăng sáng, thanh niên nam nữ trong làng tụ tập, đốt lửa múa hát dưới nếp nhà sàn, tiếng cồng chiêng vang vọng, rộn rã, hòa quyện trong từng ánh mắt, nụ cười trong tình yêu đôi lứa và cả trong tình làng nghĩa xóm”, cụ Kim Thành nói.

Nguy cơ bị mai một

Trong căn nhà nhỏ cấp bốn đơn sơ, cụ Kim Thành lấy bộ cồng chiêng bằng đồng, mặt chiêng đã bị nhuốm màu cổ kính từ trong bao tải ra. Cụ vừa lau chùi, vừa giới thiệu: Bộ cồng chiêng này có từ thời ông nội của cụ, nghĩa là nó cũng được lưu giữ hơn 200 năm rồi. Lâu lắm không được đem ra sử dụng nên bộ chiêng bị mốc. Đã hơn chục năm nay, do tuổi già sức yếu nên cụ không còn chơi chiêng nữa. Cụ nói: “Hiện nay, trong làng chỉ có thế hệ chúng tôi mới biết đến tiếng cồng chiêng, nhưng đều già cả và không còn minh mẫn nữa rồi. Thế hệ trẻ hầu như không ai biết đến. Tuy giờ không còn sử dụng đến bộ chiêng này, con cháu tôi không có ai biết chơi chiêng nhưng tôi vẫn nhắc nhở con cháu cố gắng lưu giữ vì đây là kỷ vật của tổ tiên để lại”.

Ở ấp Tân Thịnh, ngoài cụ Kim Thành còn có cụ Kim Tiên dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn cố gắng thể hiện từng nốt nhạc tiếng chiêng, mỗi khi có khách về đây muốn được thưởng thức. Cụ vừa đánh chiêng, vừa điều chỉnh âm thanh trầm, bổng rất chuyên nghiệp. Theo lời cụ Kim Tiên, cụ biết chơi chiêng từ năm 20 tuổi. Thời thanh niên, cụ là người chơi chiêng giỏi nhất làng. Trong các dịp lễ hội, hay các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các cộng đồng dân tộc thiểu số khác như S’Tiêng, Tày, Nùng, Sán Chỉ… trong các huyện, thị của tỉnh, cụ đều được cử đi biểu diễn cồng chiêng. Còn ngày nay, do ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại, các nghi lễ trong các lễ hội của đồng bào Khmer cũng được rút gọn đơn giản hóa, nên âm thanh cồng chiêng cũng lắng dần.

Ngồi bên dòng suối Rạt nước róc rách chảy qua từng rặng tre, ông Ngưu Bư, người đại diện cho khối đồng bào dân tộc Khmer nơi đây đôi mắt đượm buồn nhìn về phía xa xăm trải lòng tâm sự: Con cháu lớn lên, không ai được nghe tiếng chiêng nên không hiểu biết giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, các loại hình âm nhạc hiện đại thâm nhập vào văn hóa đời sống hàng ngày, khiến thanh niên không còn ai yêu thích tiếng cồng chiêng truyền thống nữa. Ông Ngưu Bư trăn trở: “Mình có dạy chúng nó cũng không muốn học, buồn lắm. Mai sau, các cụ khuất núi về với tổ tiên, không còn ai biết chơi chiêng nữa thì chắc chắn có nguy cơ bị mai một”.

Rời dòng suối Rạt để kịp trở về phố thị trước khi hoàng hôn tắt, chúng tôi suy nghĩ miên man về trăn trở của các bậc cao niên nơi đây làm sao để lưu giữ văn hóa cồng chiêng. Không riêng cồng chiêng, việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống dân tộc Khmer ở xã An Bình, cần tiếp tục có sự quan tâm đồng hành của các cấp, các ngành.

Theo lời cụ Kim Tiên người đồng bào Khmer đánh nhịp chiêng bằng tay. Để âm điệu tiếng chiêng vang, rền, nền, đòi hỏi người đánh chiêng phải có đôi bàn tay linh hoạt, khéo léo, một tay đánh nhịp và một tay điều chỉnh âm thanh. Mặt khác, những người chơi chiêng phải biết lắng nghe từng nhịp chiêng của người đánh chiêng trước mình để phối hợp nhịp nhàng, điều khiển âm điệu, ăn khớp với từng bản nhạc.

 THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=749
Quay lên trên