Nhớ tranh kiếng Lái Thiêu: Một thời hưng thịnh!

Cập nhật: 08-05-2013 | 00:00:00

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thay đổi trong nếp sinh hoạt văn hóa của người dân nên tranh kiếng đã dần bị lãng quên. Nhớ tranh kiếng là nhớ đến một nghề truyền thống độc đáo, là nét đẹp văn hóa từng một thời hưng thịnh đã đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, thật sự là niềm tự hào của người dân địa phương.

Chúng tôi đến tiệm kính Mỹ Nga nay là tiệm tượng Mỹ Nga ở khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An để tìm gặp ông Trương Cung Thơ, một nghệ nhân vẽ tranh trên kiếng cuối cùng của vùng đất Lái Thiêu. Nhìn tiệm bán tượng, đồ thờ cúng nhỏ bé, khiêm tốn ít ai biết rằng thương hiệu tiệm kính Mỹ Nga (xưa là Mỹ Tân) từng là cái nôi phát sinh ra nghề làm tranh kiếng nổi tiếng từng một thời thịnh vượng. Khi chúng tôi đến, sức khỏe ông Thơ đang rất yếu, năm nay ông đã 74 tuổi. Người nhà ông Thơ cho biết thời gian gần đây nhiều người tìm đến đặt ông Thơ vẽ tranh thờ, những bức tranh thờ có kích thước lớn có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Những bức tranh như thế ông Thơ miệt mài cả tuần mới hoàn thành. Ông Trương Cung Thơ được truyền nghề từ cha là ông Trương Tường. Nhưng sau ông Thơ có lẽ nghề này sẽ không còn tồn tại vì thời gian qua nghề vẽ tranh kiếng đã gần như bị quên lãng và không có ai học nghề này nữa.

Theo ông Lý Lược Tam, một nhà nghiên cứu tranh, gốm Nam bộ sống tại vùng đất Lái Thiêu cho biết vào những năm 30 của thế kỷ XX dọc theo khu vực cầu Đúc có hình thành mấy tiệm làm nghề vẽ tranh kiếng làm ăn rất phát đạt. Họ tổ chức sản xuất theo kiểu gia đình và bán lại cho các thương lái đi ghe từ miền Tây lên. Nghề này do một nghệ nhân người Hoa đến đây lập nghiệp mà hình thành nên. Đó chính là nghệ nhân Trương Tường, cha của ông Trương Cung Thơ. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, nghề vẽ tranh trên kiếng đã thật sự có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Bình Dương xưa, là nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của người dân.

Điểm độc đáo của nghệ thuật vẽ tranh trên kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kiếng vì khi vẽ xong tấm kiếng phải lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ phải vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính đặc điểm này mà nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi sự khéo léo và tài năng của người nghệ nhân. Anh Đào Duy Thắng (TX.Dĩ An), một nhà sưu tầm tranh cho chúng tôi xem những bức tranh kiếng Lái Thiêu xưa vẽ các đề tài như: Bát tiên, tứ quý, ghe thuyền, hoa lan… “Mình sưu tầm lưu giữ tranh kiếng vì thấy đây là một hình thức nghệ thuật độc đáo một thời với chất liệu lạ là kiếng nhưng có lẽ kiếng là chất liệu dễ vỡ nên số lượng tranh kiếng ngày nay còn lại rất ít”, anh chia sẻ.

Sau ông Trương Cung Thơ, nghệ nhân vẽ tranh kiếng cuối cùng ở Bình Dương có lẽ nghề vẽ tranh kiếng cũng sẽ không còn tồn tại.

Bình Dương là vùng đất có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống độc đáo nhưng đáng tiếc hiện nay nhiều nghề đã bị mai một, trong đó có nghề vẽ tranh kiếng. Thiết nghĩ nếu được bảo tồn, lưu giữ thì những nghề thủ công truyền thống độc đáo này chính là những sản phẩm văn hóa tiếp tục có những đóng góp vào đời sống văn hóa, du lịch của địa phương.

Đ.LÊ - H.MAI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên