Nhớ Trung đoàn 16 anh hùng

Cập nhật: 06-09-2024 | 09:29:52

Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, các cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn 16 - đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Bắc vào miền Nam chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên và miền Đông Nam bộ đã về thăm lại chiến trường xưa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Họ trở về nơi mình từng vào sinh ra tử, thắp cho đồng chí, đồng đội nén hương. Những hình ảnh thật ý nghĩa và xúc động.

Thăm chốn xưa, bạn cũ

Những cái bắt tay hồ hởi, những câu chuyện xúc động về tình quân - dân như “cá với nước” của người dân Bình Dương dành cho bộ đội; hồi tưởng về những trận đánh ác liệt... làm sống lại không khí một thời gian khổ, hy sinh nhưng hào hùng. Đó là ấn tượng trong hành trình thăm lại chiến trường xưa của các CCB Trung đoàn 16 ở các tỉnh phía Bắc khi về thăm lại chiến trường xưa ở tỉnh Bình Dương.


Các CCB Trung đoàn 16 chụp ảnh lưu niệm tại đền tưởng niệm liệt sĩ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng

Trong chương trình, đoàn đã đến dâng hương đền thờ liệt sĩ xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng); viếng Nghĩa trang liệt sĩ TP.Bến Cát; gặp gỡ, giao lưu với cấp ủy, chính quyền, Hội CCB và cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Dầu Tiếng, TP.Bến Cát và Bộ CHQS tỉnh. Thắp nén nhang cho đồng đội tại đền thờ liệt sĩ Trung đoàn 16 tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, các CCB không khỏi ngậm ngùi, bởi mảnh đất này từng chở che, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ đơn vị, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khu nhà tưởng niệm các liệt sĩ tại xã Thanh An được khánh thành tháng 7-2016, những bức tường ốp đá khắc tên gần 4.000 liệt sĩ của Trung đoàn 16 hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam bộ, cho thấy sự đóng góp, hy sinh rất lớn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Để có được danh sách gồm tên, ngày sinh, ngày mất, quê quán… của từng liệt sĩ, các CCB của trung đoàn đã không ngại khó khăn, gian khổ đi tìm thông tin về đồng đội từ năm 2 007 đến nay.

Lần dò từng dòng chữ thông tin liệt sĩ trên tấm bia, các CCB đều không giấu được xúc động. Mỗi lần trở lại nơi đây, tìm thấy tên của những đồng đội mình từng kề vai sát cánh trong chiến hào, vào sinh ra tử ở những trận đánh ác liệt, họ lại càng thấy quý hơn khi bản thân được sống trong hòa bình, ấm no. Họ cùng nguyện làm hết sức mình để tìm lại mộ chí đồng đội và giúp đỡ những đồng đội và thân nhân hoàn cảnh khó khăn...

Thượng tá Trần Quốc Bá, Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn 16 các tỉnh phía Bắc, cho biết chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa tại tỉnh Bình Dương mang lại nhiều ý nghĩa, giúp CCB Trung đoàn 16 ôn lại quá khứ hào hùng, oanh liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thấy được sự thay đổi của vùng đất chiến trường xưa mà họ đã từng đổ xương máu để chiến đấu và sự lớn mạnh, trưởng thành của LLVT tỉnh Bình Dương. Năm tháng đã trôi qua nhưng lịch sử chiến đấu của Trung đoàn 16 trên chiến trường xưa mãi mãi là dấu son chói lọi.

Trong không khí ấm áp của buổi đón tiếp đoàn, Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các CCB Trung đoàn 16 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc; trong đó có những đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển. “Để có một Trung đoàn 16 anh hùng, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, thân thể họ đã biến thành đất đai Tổ quốc, hồn bay lên hòa vào linh khí quốc gia”, Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn khẳng định.

Trải qua nhiều gian khổ hy sinh, Trung đoàn 16 không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và làm nên nhiều chiến công hiển hách. Cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn luôn đoàn kết, vượt khó, tô thắm truyền thống “Đoàn kết, kiên cường, dũng cảm, quyết thắng” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội

Tại chiến trường xưa với biết bao kỷ niệm, các CCB đã cùng ôn lại quá trình chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Trung đoàn 16. Thượng tá Trần Quốc Bá, Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn 16 các tỉnh phía Bắc, cho biết cách đây 79 năm, ngày 5-9-1945, Chi đội Trần Cao Vân - tiền thân của Trung đoàn 16 được thành lập. Chi đội cùng các Chi đội Thiện Thuận, Lê Trực là lực lượng nòng cốt trong phong trào cách mạng ở Bình - Trị - Thiên lúc bấy giờ.

Từ chi đội mang tên Trần Cao Vân trong kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Trị Thiên năm xưa, trải qua những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, trung đoàn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và lập nên nhiều chiến công, góp phần cùng quân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào năm 1954.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, trung đoàn được chọn là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Bắc vào miền Nam chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Khi vào Nam, đơn vị đóng quân tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Đơn vị trực tiếp tác chiến ở 3 huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh).

Trải qua nhiều gian khổ hy sinh, Trung đoàn 16 không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và làm nên nhiều chiến công hiển hách. Cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn luôn đoàn kết, vượt khó, tô thắm truyền thống “Đoàn kết, kiên cường, dũng cảm, quyết thắng” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Trở về đời thường, các CCB Trung đoàn 16 tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tự nguyện, tự giác, tự chủ, nghĩa tình, dân chủ và đoàn kết vì mục tiêu là động viên, tương trợ giúp đỡ nhau lúc khó khăn, đau ốm, tang chế, hiếu hỷ… Đặc biệt, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 16 quan hệ với các địa phương, các đơn vị để tìm kiếm, xác nhận những thông tin có liên quan đến các liệt sĩ của trung đoàn đã hy sinh qua các thời kỳ, nhằm hỗ trợ cho thân nhân tìm hiểu thông tin về liệt sĩ và làm tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” …

Thượng tá Trần Quốc Bá tâm sự: “Phiên hiệu Trung đoàn 16 đã không còn. Một thế hệ đã đi hết Điện Biên, Cửu Long Giang, đi qua những năm kháng chiến chống Mỹ, đường 9 - Nam Lào, chiến trường Campuchia. Nhiều đồng chí, đồng đội gửi lại tuổi thanh xuân nơi rừng già, hang đá. Hiện nay, số lượng CCB trực tiếp tham gia chiến đấu không còn nhiều. Chúng tôi vui vì có địa chỉ để anh em về đây họp mặt, tri ân đồng đội. Tuy vậy, điều tôi và đồng đội vẫn đau đáu là trong danh sách liệt sĩ này, vẫn còn gần 3.000 liệt sĩ chưa tìm được mộ chí. Dù thời gian không còn nhiều, khó khăn ngày càng chồng chất nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới…”.

Ngày 5-9-1945, sau 3 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại Huế, một tổ chức thanh niên yêu nước đã cùng nhau thành lập Chi đội Trần Cao Vân. Ngày 1-1-1946, Trung đoàn Trần Cao Vân được thành lập, cuối năm 1947, Trung đoàn Trần Cao Vân đổi tên thành Trung đoàn 101 do đồng chí Hà Văn Lâu làm Trung đoàn trưởng. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, trung đoàn được biên chế trong đội hình của Sư đoàn 5, đội quân tình nguyện Quân khu 7 giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1989, trung đoàn được lệnh rút quân về nước, sau đó đổi tên thành Trung đoàn Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai…

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1172
Quay lên trên