Nhớ về một thời hào hùng

Cập nhật: 09-07-2011 | 00:00:00

Trong thời chiến, theo chân Đoàn Văn công  tỉnh, tiếng đàn mandolin của bà Nguyễn Thị Bùi, xã Thạnh Phước, Tân Uyên là niềm động viên tinh thần cho các chiến sĩ, người dân tích cực đứng lên đấu tranh giành độc lập, bảo vệ đất nước.

   Bà Nguyễn Thị Bùi (bìa trái) cùng những người bạn chí cốt năm xưa trong một lần biểu diễn

Theo chân cán bộ văn hóa xã Thạnh Phước (Tân Uyên), chúng tôi tìm đến nhà bà Bùi, cựu thanh niên xung phong, thành viên Đoàn Văn công trong thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Hành trình đến nhà bà là một con đường nhỏ, quanh co với hàng rào cây xanh ngát. Vừa vào sân, tiếng đàn mandolin thoang thoảng khiến chúng tôi ngây người. Với bàn tay trái bó bột, tựa mình trên chiếc ghế dựa bà vẫn cầm chiếc đàn mandolin đánh từng đoạn nhạc để mọi người cùng hát theo. Tiếng đàn đôi lúc bị ngắt quãng do bà phải chuyển tư thế và cố dùng cánh tay còn lại điều khiển chiếc đàn, tuy nhiên sau mỗi lần ngắt quãng mọi người lại vui vẻ hát theo nhạc. Anh Huỳnh Ngọc Bình, cán bộ văn hóa xã Thạnh Phước trăn trở: “Loại nhạc cụ này cả huyện không ai chơi được, ngoài bà. Nghệ sĩ già muốn truyền lại cho con nhưng con cái lại không thích chơi, nên tiếng đàn mandolin nơi miền quê yên ả chỉ dành cho mình bà với kỷ niệm”.

“Tuy tay trái bị gãy nhưng những ngón tay vẫn hoạt động được, bởi vậy tôi vẫn chơi tốt. Những nốt nhạc, ca khúc tôi gảy đều là bài tủ, “những đứa con” nằm lòng một thời. Những bài nhạc ấy đã đi theo suốt chặng đường tôi và cả đồng đội mình tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, bà Bùi nói. Quay ngược thời gian, bà Bùi kể, trong kháng chiến chống Pháp, một lần xem đoàn văn công của xã Tân Phước Khánh biểu diễn, bà đâm say mê tiếng đàn mandolin của một nhạc công. Sau đó, bà xin gia đình tham gia đoàn văn công để được theo học. Lúc đầu, gia đình không cho bởi còn quá nhỏ (12 tuổi), thời chiến hỗn loạn, thế nhưng bất chấp tất cả bà vẫn quyết tâm theo học nhạc và phục vụ chiến đấu. Đoàn văn công lúc đó có gần 20 người chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Vừa học vừa mày mò nghiên cứu, các ngón tay bà mất nhiều năm mới nhuần nhuyễn được các nốt nhạc. Vào những đợt giao quân, phục vụ văn nghệ, bà lại có dịp thể hiện tài năng chơi đàn mandolin của mình.

Hòa bình lặp lại, bà rời xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) theo chồng về xã Thạnh Phước (Tân Uyên) làm kinh tế. Tiếng đàn cũng dần trở vào quên lãng khi cuộc sống mưu sinh quá khó khăn. Thế nhưng, năm 2003 trong một lần gặp gỡ các cựu thành viên trong Đoàn Văn công xã Tân Phước Khánh. Tiếng đàn mandolin của bà lại có cơ hội hòa nhịp cùng mọi người. Cũng từ đó, đội đàn mandolin gồm 10 thành viên đã được hình thành. “Già rồi, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nên khi muốn nhớ lại những kỷ niệm xưa thì tôi gảy đàn. Tiếng đàn réo rắt ngân lên những bài hát cũ, ký ức thời gian như tràn về, tôi lại thấy những dấu chân của mình và đồng đội trên các vùng chiến sự ác liệt đã đi qua, những kỷ niệm trong những lần phục vụ văn nghệ năm xưa lại hiện về nguyên vẹn...”, bà Bùi nói.

T.LÝ - B.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=472
Quay lên trên