Nhóm điều phát triển bền vững xã Tiến Hưng, TX Đồng Xoài (Bình Phước): Niềm vui mới của người nông dân

Thứ bảy, ngày 20/03/2010

Trong thời gian qua, một mô hình liên kết phát triển điều đã bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực. Đó là nhóm điều phát triển bền vững của nông dân xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Trong những ngày này, những nông dân của nhóm cũng đang rất tất bật trong việc chuẩn bị cho lễ hội và họ mong muốn sẽ có nhiều thay đổi tích cực hơn cho người trồng điều sau lễ hội “Quả điều vàng”.

Ông Thọ đang kiểm tra sản phẩm tại vườn điềuCũng như nhiều người trồng điều khác, ông Đàm Xuân Thọ, Trưởng nhóm phát triển điều bền vững xã Tiến Hưng đang tất bật chuẩn bị gian hàng của nhóm tham gia triển lãm tại lễ hội. Ông cũng là người có thâm niên gắn bó với cây điều và cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng cây điều. Nhóm điều phát triển bền vững xã Tiến Hưng được thành lập ngày 27-8-2008, gồm 48 thành viên, tổng diện tích điều nhóm quản lý hơn 250 ha. Hoạt động của nhóm tuân thủ theo 4 tiêu chuẩn của tổ chức FLO về phát triển xã hội, phát triển kinh tế, yêu cầu môi trường và điều kiện lao động. Năm 2009, Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế đã mua của nhóm 25 tấn điều để làm sản phẩm giám định hàng loạt tiêu chí về đất, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật... Ngày 17-7 vừa qua, nhóm điều phát triển bền vững xã Tiến Hưng đã chính thức được tổ chức FLO công nhận dán nhãn “thương mại công bằng quốc tế”. Ông Thọ cho biết, từ sự giới thiệu của Sở Công Thương Bình Phước, ông đã tổ chức liên kết những người trồng điều trong xã thành lập nên nhóm phát triển điều bền vững. Hiện hợp đồng xuất khẩu điều sạch mà nhóm của ông sắp ký trong thời gian tới có giá trị gần 500 triệu đồng là một niềm động viên rất lớn cho nhóm. Đây là thành quả được tưởng thưởng xứng đáng cho nhóm vì đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhiều người đã không thể trụ lại nhóm của ông từ con số hội viên 300 đến nay chỉ còn 48. Lúc đầu các thành viên khi mới tham gia vào nhóm tỏ ra chán nản vì đây là một mô hình mới với những tiêu chuẩn mới về trồng, chế biến và sản xuất. Tuy nhiên cho đến nay, các thành viên trong nhóm đều cho rằng đây là một hướng đi đúng và phù hợp cho người trồng điều trong giai đoạn tới. Hiện nay nhóm điều phát triển của xã Tiến Hưng tham gia sản xuất các sản phẩm từ cây điều và trực tiếp ký hợp đồng với đối tác. Các sản phẩm của nhóm bao gồm: nhân hạt điều, bánh kẹo từ điều, rượu chiết xuất từ trái điều, nước màu điều... Những thành viên của nhóm có diện tích trồng điều lớn nhất là 4 ha và ít nhất là một sào. Riêng ông Thọ hiện nay cũng đã có 4 ha điều cho thu hoạch. Ông ước tính với giá bán như hiện nay (hơn 16.000 đồng/kg) và với cách thức hoạt động của nhóm thì cuối mùa vụ này ông sẽ thu về gần 100 triệu đồng từ 4 ha này. Ông cho rằng cái khó lớn nhất đối với người trồng điều trong thời gian qua chính là giá cả bấp bênh, thời tiết không ổn định, sâu bệnh hoành hành. Chính điều này đã làm cho nhiều người chán nản với cây điều và quay lưng lại với nó. Ông tâm sự: “Cây điều trong một giai đoạn đã là cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều người nhưng hiện nay họ lại quay lưng lại với nó. Thông qua lễ hội lần này tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu hơn về giá trị cây điều mang lại và sẽ giảm bớt tình trạng chặt phá điều tràn lan như hiện nay. Tôi mong muốn Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu, có các cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng điều về giống, vốn, kỹ thuật thì mới có thể nâng cao được giá trị của cây điều”.

Nhóm PVTS (thực hiện)