Nhộn nhịp đầu tư vào Bình Dương

Cập nhật: 20-03-2013 | 00:00:00

Hôm qua 19-3, UBND tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư đợt 1 năm 2013 cho 29 doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 547 triệu USD. Trong đó có 16 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với vốn đăng ký gần 376 triệu USD và 13 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư hơn 171 triệu USD. Với kết quả khả quan này cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục hấp dẫn DN FDI.

Thêm nhiều dự án mới

Mặc dù mới bước sang năm 2013 chưa đầy 3 tháng, tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình thu hút đầu tư của tỉnh vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án mới đã được cấp phép. Cụ thể, tại KCN Mỹ Phước 3, dự án của Công ty TNHH Staz Việt Nam (Hàn Quốc) chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại; thiết kế, sản xuất, gia công cấu kiện thép trong xây dựng đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký là 4 triệu USD. Tại KCN này còn có Công ty TNHH Toin Việt Nam (Nhật Bản) cũng đã được trao chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất, gia công bao bì giấy và bao bì nhựa các loại với số vốn 12 triệu USD.  

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư

Với đợt trao chứng nhận đầu tư nói trên, tính đến nay, toàn tỉnh có 2.156 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 17.834 triệu USD. Con số này cho thấy, Bình Dương đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thương hiệu Bình Dương trong lĩnh vực này đang ngày càng lớn mạnh.

Tương tự, tại KCN Đồng An 2, Công ty TNHH Rheem Việt Nam (Singapore) được cấp phép dự án sản xuất đồ điện gia dụng, máy thông dụng khác, sản xuất các cấu kiện kim loại với số vốn đầu tư 10 triệu USD. Tại KCN Đại Đăng, dự án của Công ty TNHH Kwang Yang Việt Nam (Đài Loan) với số vốn đầu tư 14,3 triệu USD được cấp phép dự án sản xuất xe gắn máy, xe đạp và linh kiện phụ tùng của các loại xe máy, xe đạp. Tại KCN VSIP, Công ty TNHH NTPM Việt Nam (Singapore) được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công giấy vệ sinh và các sản phẩm liên quan với số vốn đầu tư 19,7 triệu USD. Một dự án nằm ngoài KCN của Công ty TNHH Dinh Dưỡng Otusuka Thăng (Nhật Bản) cũng được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng với số vốn đầu tư 10 triệu USD. Ông Cheolhyung Park, đại diện Công ty TNHH Staz Việt Nam cho rằng, đầu tư vào Bình Dương là quyết định đúng đắn và tin tưởng dự án sẽ thành công.

Có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong đợt trao chứng nhận đầu tư lần này là dự án Khu phức hợp VSIP Bình Hòa - Bình Dương (Singapore và đối tác) với tổng vốn đầu tư 199,6 triệu USD. Kế tiếp là dự án chuyên sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn của Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Việt Nam (Hà Lan) đầu tư vào KCN Sóng Thần 3 với tổng vốn 40 triệu USD. Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử và các linh kiện của Công ty TNHH Panasonic Ecosolutions Việt Nam (Nhật Bản), đầu tư vào KCN VSIP, có số vốn đăng ký đứng thứ 3 với 38 triệu USD. Đại diện các nhà đầu tư mới, ông Takahashi Ogasawara, Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Ecosolutions Việt Nam, cho biết: “Bình Dương có cơ sở hạ tầng phát triển, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, vì vậy chúng tôi chọn Bình Dương”.

Tăng vốn mở rộng sản xuất

Bên cạnh các dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư nói trên, nhiều DN nước ngoài hoạt động ổn định trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục tăng vốn, nhằm mở rộng sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (Bỉ) tại KCN VSIP tăng vốn 11,5 triệu USD để mở rộng sản xuất các loại linh kiện kim loại chính xác dùng trong các ngành công nghiệp. Công ty TNHH Srithai Việt Nam (Thái Lan) tại KCN Sóng Thần tăng vốn 14 triệu USD để tăng năng lực sản xuất các sản phẩm bằng nhựa. Công ty TNHH Rohto Mentholatum Việt Nam (Singapore) tăng vốn 15 triệu USD để mở rộng sản xuất, đóng gói các dung dịch về mắt, thuốc bao tử và đường ruột. Công ty TNHH BIC Japan tại KCN VSIP (Singapore) tăng vốn 5 triệu USD nhằm sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng chính xác dùng trong ô tô, trong các máy móc thuộc ngành bán dẫn và máy tự động CNC. Công ty TNHH Grand-Place Việt Nam (Singapore) tại KCN VSIP tăng vốn 5,5 triệu USD; Công ty TNHH gỗ Starwood Việt Nam (Nhật Bản) tăng vốn 5 triệu USD...

Nói về lý do tăng vốn, nhiều DN cho biết họ tin tưởng vào môi trường đầu tư của Bình Dương. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trước sự quan tâm hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua, thì đây là thời điểm thích hợp để họ tăng vốn mở rộng đầu tư, gắn bó lâu dài với Bình Dương. Nói lên suy nghĩ của mình, ông Santi SakGumJorn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Srithai Việt Nam, cho biết: “Môi trường đầu tư ở Bình Dương rất tốt, từ thủ tục hành chính đến cơ sở hạ tầng, nhất là các KCN bài bản. Tất cả những điều đó đã tạo thuận lợi và sự dễ dàng cho DN hoạt động. Mặt khác, Bình Dương nằm liền kề TP.Hồ Chí Minh, nên có nhiều thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu hàng hóa. Chính vì vậy mà chúng tôi quyết định tăng vốn đầu tư”.

Hàng loạt các dự án được cấp phép mới và tăng vốn đầu tư vào tỉnh trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay là dấu hiệu tích cực và cho thấy môi trường đầu tư của Bình Dương là rất hấp dẫn. Nhắn gửi với DN, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, cho rằng Bình Dương luôn đồng hành với DN và xem thành công của DN là thành công của tỉnh nhà. Do vậy, tỉnh luôn chú trọng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước nâng tầm dịch vụ… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung hứa sẽ luôn quan tâm, theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào Bình Dương triển khai, đưa dự án sớm đi vào hoạt động.

 Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: “Cách làm của tỉnh là coi trọng công tác tiếp thị, mời gọi đầu tư…”

Để thu hút đầu tư hiệu quả, góp phần bảo đảm mức tăng trưởng của tỉnh, có thể nói cách làm của tỉnh trong nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2011-2012 và tiếp tục trong năm 2013 là coi trọng công tác tiếp thị, mời gọi đầu tư. Hướng Bình Dương nhắm tới là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nước châu Âu. Cách làm của tỉnh là không tổ chức những showroom lớn mà phát huy tính năng động của lực lượng tiếp thị. Lực lượng này được đào tạo, huấn luyện nhiều kinh nghiệm, trong đó có cả người từ chính quốc. Cụ thể, tỉnh chọn tiếp thị ở thị trường Nhật Bản là lực lượng tiếp thị người Nhật, tiếp thị ở thị trường Hàn Quốc là người Hàn Quốc, tiếp thị ở thị trường châu Âu là những người châu Âu như Hà Lan, Đức... Chính nhờ cách làm này mà Bình Dương hiểu được đâu là các nhà đầu tư tiềm năng và thông qua các nhà đầu tư tiềm năng này lãnh đạo tỉnh cùng với các nhà đầu tư kinh doanh phát triển cơ sở hạ tầng và những nhà đầu tư phát triển KCN từng bước tiếp cận, mời gọi họ đến với Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Đây là cách làm được Bình Dương đúc kết từ nhiều năm qua và rất có hiệu quả.

Cách làm thứ 2 là thông qua các nhà đầu tư đã đầu tư vào Bình Dương, họ đã có quá trình gần gũi với lãnh đạo tỉnh, am hiểu tình hình của tỉnh, từ đó góp tiếng nói cùng với lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư các KCN mời gọi những nhà đầu tư tiềm năng ở nước họ đến đầu tư.

Cách thứ 3 là thông qua những sự kiện như trao chứng nhận đầu tư, Bình Dương tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh với bạn bè quốc tế. Những sự kiện này thường có các lãnh sự, lãnh sự quán, tổng lãnh sự, các thương vụ, đại diện hiệp hội đến dự. Một khi họ hiểu về Bình Dương, hiểu tình cảm con người Bình Dương thì tiếng nói của họ đối với nhà đầu tư là rất hiệu quả....

Có thể nói ba cách làm nói trên được lãnh đạo tỉnh quan tâm và khai thác tốt theo định hướng mời gọi đầu tư. Nhờ vậy, kết quả năm 2011, 2012 và 2 tháng đầu năm 2013 tình hình thu hút đầu tư của tỉnh rất tốt, vượt  mức kế hoạch mà tỉnh đặt ra.

 T.MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên