Như một lời nhắc nhở

Cập nhật: 04-11-2012 | 00:00:00

(BDO) Bức ảnh chụp một anh công an đang lo lắng dắt tay giúp đỡ bà cụ băng qua đường được đưa lên mạng xã hội ngày 27-10 đang gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự cảm động trước hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân “vì dân phục vụ” và xem đây là “một hành động đẹp” giữa nhịp sống thường ngày còn có nhiều bình luận cho rằng đây là một hành động rất đỗi bình thường mà trong cuộc sống đã có rất nhiều người từng làm thế nên “hiện tượng” này không có gì phải “ầm ỉ”.

 Vậy sự việc anh công an đang lo lắng dắt tay giúp đỡ bà cụ băng qua đường gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng mạng là vì lý do gì?

Đạo lý dân tộc người Việt xưa nay luôn kính trọng người cao tuổi. Người cao tuổi được ví như “cây cao bóng cả”, là vốn quý của xã hội. Các thế hệ con cháu trong xóm làng, trong cùng địa phương luôn kính trọng, thương yêu chăm sóc và nghe lời người già, nhất là những người già có uy tín, có học thức cao, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Trong dân gian, câu tục ngữ “kính già, già để tuổi cho” vừa là một lời khuyên răn dạy dỗ con cháu, cũng vừa là một phương châm xử thế trong gia đình và ngoài xã hội. Hành động giúp đỡ, dẫn dắt người già qua đường thật sự là 1 việc làm bình thường, bất cứ ai cũng có thể hành động như anh công an trong bức ảnh nhưng hôm nay, khi sự việc này được đưa lên các trang mạng xã hội bỗng dưng trở thành “sự kiện” là bởi khá lâu rồi các phương tiện truyền thông chính thống dường như “bỏ quên” việc đưa tin những việc làm tốt tưởng nhỏ mà không nhỏ như thế này (tính đến sáng 2-11 đã có hơn 87.000 lượt thành viên Facebook nhấn “Like” (yêu thích) và gần 4.000 lời bình cùng gần 400 lượt người “share” (đăng tải lại). 

“Đây là việc làm rất cao quý trong đời sống xã hội hiện nay. Tôi thiết nghĩ các báo cần đăng tải thật nhiều những hành động như trên, còn hơn là đăng những hình ảnh mấy cô ca sĩ ăn mặc phản cảm và hát nhép”. “Đẹp, ý nghĩa, cần phát huy... Các báo càng nên đăng nhiều hình ảnh như thế này còn hơn là đăng những tin bài giật gân kiểu chém giết”. “Tôi mở trang báo và cho mẹ tôi xem hình ảnh này, mẹ bảo mẹ gặp nhiều rồi. Thậm chí một số công nhân vệ sinh cũng đã từng làm việc này với mẹ. Tôi nghĩ hình ảnh đẹp này không hiếm gặp trong cuộc sống đâu. Đề nghị báo tiếp tục đăng tải những hình ảnh "bình thường" nhưng đẹp như thế”.

Những ý kiến trên đây cho thấy đúng là thời gian qua, một số báo, đài đưa thông tin chạy theo thị hiếu một bộ phận độc giả ưa thích những loại tin “giật gân” thành thử những việc tốt như nhặt của rơi trả lại người mất, giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em gặp cảnh khó khăn thì xem như bình thường. Còn những cái dị hợm, kỳ quặc kiểu khỏa thân bảo vệ môi trường, lộ hàng, sống thử,…  thì lại xem như trên mức “bình thường” nên đua nhau liên tục thông tin.

Đặc biệt là việc khai thác tin tức các vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo hình ảnh xã hội u ám, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí, đạo đức báo chí gây bất an trong lòng bạn đọc.

Hy vọng bức ảnh anh công an giúp đỡ bà cụ băng qua đường được cộng đồng mạng đồng tình hưởng ứng sẽ được giới truyền thông quan tâm và xem như đây là một lời nhắc nhở trong việc cung cấp thông tin đến công chúng hiện nay, kiên quyết nói “không” với những thông tin trái với thuần phong mỹ tục, dành nhiều tin, bài hơn về gương người tốt, việc tốt.

CÔNG LUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=432
Quay lên trên