Hạnh phúc luôn chứa đựng những cung bậc cảm xúc đầy màu sắc, còn nỗi đau lại mang những gam màu ảm đạm hơn. Trong ký sự này tôi muốn kể về câu chuyện gia đình chị Ngô Ngọc Nữ, công nhân Công ty TNHH Poong In Vina. Trước những biến cố cuộc sống hay tận cùng của nỗi đau, chị Nữ như ngọn đèn lay lắt trước gió nhưng ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Câu chuyện về nỗi đau của gia đình chị được nhiều công nhân xa quê ở TP.Dĩ An kể lại như một động lực giúp họvượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm, tặng quà, động viên chị Ngô Ngọc Nữ vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống
Nỗi đau người ở lại
Được sự giới thiệu của anh Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Poong In Vina, chúng tôi ghé thăm chị Ngô Ngọc Nữ vào một đêm mưa rả rích. Căn phòng trọ 15m2 của 3 mẹ con chị Nữ ở khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An vắng lạnh, không khí tang thương gần như bao trùm cả không gian xóm trọnày. 4 người, 3 thế hệ vật vã, nghẹn ngào trong nước mắt và nỗi đau bởi anh Nguyễn Văn Hùng, chồng chị Nữ đã chết vì tai nạn giao thông.
Chị Nữ ngồi thu mình bên góc tường gần chiếc quan tài của chồng, đôi mắt vô hồn. Dường như chị không còn cảm xúc để đối mặt với biến cố quá lớn của cuộc sống. Chiếc quan tài bằng gỗ nằm giữa phòng, rất nhiều người đã đến chia buồn, thương tiếc anh Hùng và cảm thương hoàn cảnh chị Nữ. Rồi đây chị sẽ trở thành quá phụ ở tuổi 22 với 2 con nhỏ và một mẹ già đau bệnh.
Không gian căn phòng trọvắng lặng, bỗng cửa phòng vang lên tiếng cót két, em Nguyễn Văn Đạt chậm rãi bước vào, cảm nhận có điều gì đó bất ổn đang lan tỏa và hiện hữu trong gia đình nhỏ của mình. Đạt nhìn quanh không thấy bố đâu cả, mẹ và bà thì đang ngồi khóc bên chiếc quan tài phủ khăn tang. Em đưa mắt tìm kiếm bố của mình và gọi: “Bố ơi, bố đâu rồi” thì nhận được câu trả lời của chị Nữ: “Bố bị tai nạn xe, đi rồi, không về nữa”. Đạt gục xuống đất, ôm chiếc quan tài, nức nở khóc. Khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được nỗi đau ấy - nỗi đau của một đứa bé chưa đủ ấm nồng tình cha-con mà đã chia lìa. Đạt vừa khóc vừa chạm vào chiếc quan tài, em gào lên, không thành tiếng. Một cảm giác giá lạnh lan khắp cơ thể và tỏa ra quanh căn phòng trọ. Đạt luôn cố gắng kìm nén dòng cảm xúc đang trào dâng. Em chạy lòng vòng tiến lại chỗ mẹ rồi chỗ bà như khẩn khoản cầu xin một phép màu nhiệm. Nước mắt Đạt nhạt nhòa, tôi cố rướn người lên, chạm vào vai em, đôi vai nhỏ bé, yếu ớt mà tôi muốn cùng em chia sẻ nỗi đau này.
Cũng vào cái ngày trời đất như sụp đổ xuống gia đình chị Nữ, cả khu phố tìm đến chia buồn, đứng chật kín cả lối đi. Tấm di ảnh của anh Hùng được đặt trên bàn thờ đơn sơ đầy hoa huệ trắng. Đôi mắt của anh mới ngày nào còn dõi theo chị Nữ và 2 con trong căn phòng nhỏ, thế mà giờ đây, chỉ là những khoảng lặng vô hình. Bà Trần Thị Xinh, 74 tuổi dường như đã không còn nước mắt để khóc thương cho số phận lận đận của con gái và cuộc sống ngắn ngủi của con rể. Bà cũng không thể quên những giây phút nhói lòng, tức tốc từ quê vào Bình Dương ngay trong đêm khi nhận được hung tin. Đối với bà đây là nỗi đau quá lớn khi chứng kiến cảnh mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh, để rồi mỗi ngày trôi đi là sự trầm buồn của lòng tiếc thương vô hạn.
Bà lặng lẽ thắp nén nhang rồi nhạt nhòa trong nước mắt: “Sau cái chết của thằng Hùng, con Nữ suy sụp, thằng Đạt thì ngẩn ngơ. Đêm nào 2 mẹ con nó cũng thao thức, đầu óc lẫn lộn nhớ nhớ, quên quên, lúc lại thẫn thờ như người mất hồn, đau lòng lắm”. Tôi nhìn quanh gian phòng chật hẹp, phía trước bàn thờ, có để một manh chiếu. Từ khi anh Hùng mất, chị Nữ không ở trên gác nữa, đêm đêm sau khi cho con ngủ, chị Nữ trải chiếu nằm dưới sàn ngay trước bàn thờ, thao thức tưởng nhớ đến chồng. Chị Nữ lục trong ngăn tủ vải của gia đình, lấy ra cho tôi xem tập ảnh và những vật kỷ niệm của chồng. Chị Nữ kể: “Anh Hùng được bà con, anh chị em công nhân trong công ty yêu mến bởi tính tình hiền lành. Anh chết vì tai nạn giao thông, cái chết xót xa, đau đớn đến tận tâm can và ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ”. Còn đối với Đạt, cái chết của anh Hùng khiến em sa sút trong học tập, ít khi tập trung vào bài vở. Có lần tôi đến thăm, Đạt nói với tôi rằng: “Em tin sẽ gặp được bố vào một ngày nào đó. Bố luôn dõi theo em và không bao giờ để em đơn độc”.
Như ngọn đèn trước gió
Nỗi đau chồng chết vì tai nạn giao thông còn chưa nguôi ngoai thì nỗi bất hạnh lại ập đến, chị Nữ được bác sĩ thông báo bị ung thư tuyến giáp vú và u gan. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, trời đất như sụp đổ dưới chân. Chị khóc nức nở giữa hành lang bệnh viện, hòa trong tiếng bước chân người qua lại.
Trên con đường về nhà quen thuộc nhưng hôm nay chị cảm nhận đó là quãng đường dài nhất trong cuộc đời. Còn gì đau đớn hơn khi chị Nữ biết rằng mình chỉ còn sống vài tháng với 2 con của mình. Những đứa trẻ với nỗi đau mất cha chưa nguôi, sẽ bất hạnh hơn khi thiếu vắng bàn tay mẹ chăm sóc, vỗ về. Chị Nữ nhớ đến cái đêm anh Hùng còn sống, cả gia đình đi chơi, Đạt đòi mua bộ đồ siêu nhân mà em thích nhưng anh Hùng không cho vì trong túi chỉ còn vài ngàn tiền lẻ. Nghĩ vậy nên lúc nào chị Nữ cũng vội vã tiến về phía trước, trong đầu chẳng có gì ngoài việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống và “giành dụm cho con được đồng nào hay đồng ấy”. Chị Nữ chia sẻ: “Tôi thấy mình bận rộn đến mức gần như quên cả việc mỉm cười. Cái chết không đáng sợ, đáng sợ nhất là sống không bằng chết. Nếu phải nằm chịu đựng nỗi đau mà căn bệnh gây ra, nhìn con cái nheo nhóc, cha mẹ hao gầy, chạy vạy khắp nơi mượn tiền chữa bệnh, bạn sẽ hiểu cái chết không đáng sợ”.
Những ngày đầu khi biết mình bị căn bệnh quái ác, chị Nữ quyết định không điều trị bởi muốn tiết kiệm tiền cho 2 con khi không còn sống. Ước mơ của chị là được sống và được chăm sóc 2 con của mình. Một ước mơ rất đỗi bình thường với người khỏe mạnh nhưng giờ đây với chị Nữlà ước mơ cao sang. Trong thời gian điều trị, những lần vô thuốc rồi lên cơn sốt mê sảng, Nữ luôn gọi tên con và khẩn khoản cầu xin một sức mạnh vô hình: “Xin đừng mang con đi, con còn 2 con thơ dại”. Giờ đây, khi sức khỏe dần ổn định hơn chị Nữlại tất bật đạp xe đến công ty làm tăng ca. Nhìn chị hạnh phúc với 2 con của mình, tôi ước rằng chị Nữ là nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích “Hoa cúc trắng” để ông tiên hiện ra ban cho phép màu nhiệm, giúp chị vượt qua căn bệnh này. Chị Nữtrải lòng: “Em không mong mình được như đóa hướng dương nhưng em tin mình có thể là ngọn đèn trước gió, tuy lay lắt nhưng những tia sáng yếu ớt là niềm vui cho 2 con của mình”.
Chị Ngô Ngọc Nữ, công nhân Công ty TNHH Poong In Vina Trên con đường về nhà quen thuộc, nhưng hôm nay chị cảm nhận đó là quãng đường dài nhất trong cuộc đời. Còn gì đau đớn hơn khi chị Nữ biết rằng mình chỉ còn sống vài tháng với 2 con của mình. Những đứa trẻ với nỗi đau mất cha chưa nguôi, sẽ bất hạnh hơn khi thiếu vắng bàn tay mẹ chăm sóc, vỗ về! |
KIM HÀ