Cùng nhau sáng tạo một tác phẩm từ rau, củ, quả trong ngày 20-11
Quá biết nỗi khó khăn vất vả của nghề nuôi giữ trẻ, bận rộn túi bụi từ 6 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều; luôn lo lắng cho an toàn của bé từ ăn, học, ngủ, vui chơi… nên các cô rất thông cảm cùng nhau. Các cô trong Ban giám hiệu luôn quan tâm đến đời sống, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của từng giáo viên, nhân viên trường mình. Những cô dạy cùng nhóm, cùng lớp lại càng gần gũi, biết chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đó là những lần “choàng việc” cho nhau khi một trong các cô bệnh, mệt hay trong thời kỳ thai sản. Tôi đã từng nghe nhiều cô “giành việc” với đồng nghiệp của mình: “Em về trước đi, lớp còn có vài em ba mẹ đón trễ, để chị chờ cho”. Nhiều lần khác lại thấy cô giáo ngồi cùng một em bé nơi ghế đá sân trường. Tưởng hai mẹ con chờ ba đến rước nào ngờ: “Không có, học trò của em đó chị. Em đang chờ phụ huynh. Sao hôm nay ba mẹ bé đón trễ quá!”. Hình như nỗi lo lắng hiện lên cả trong mắt cô. Đó là lúc trường đã vắng hoe. Đó là lúc cô giáo ấy ở lại với học sinh để đồng nghiệp của mình về trước vì đồng nghiệp cũng có con nhỏ đang chờ ở nhà.
Một cô giáo của trường không may bị tai biến sản khoa và ra đi đột ngột để lại đứa con thơ mới mấy ngày tuổi. Lại là cảnh cảm động của tình chị em giữa các cô ở trường này. Từng nhóm một từ lãnh đạo đến giáo viên phân công nhau phụ lo tang lễ từ đầu đến cuối thật vẹn toàn, chu đáo. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi thương người đồng nghiệp, người chị em của mình…
Mới đây, trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lại thấy các cô gắn bó, đoàn kết qua từng trò chơi, cuộc thi. Chị em áo dài tung tăng, giúp nhau chuẩn bị nguyên liệu cho cuộc thi tạo hình từ rau, củ, quả. Tinh thần đồng đội, đồng nghiệp thật dễ thương thể hiện qua từng nét mặt, từng lời nói cùng nhau.
Như những thân thương dưới một ngôi nhà chung, các cô đã gắn bó keo sơn để đi cùng nhau những khi vui buồn. Đó cũng là điều hạnh phúc biết bao giữa cuộc đời này…
HƯƠNG CẦN