Nhức nhối vì tiếng còi xe

Cập nhật: 19-04-2014 | 00:00:00

Bấm còi mọi lúc, mọi nơi

“Mỗi lần đi qua các Khu công nghiệp Sóng Thần là tôi lại giật mình bởi tiếng CX tải, xe container quá lớn. Không chỉ thế, nhiều người đi xe máy cũng bấm CX loạn xạ, đặc biệt là mấy chỗ đèn xanh, đèn đỏ. Thật sự là tôi rất bức xúc trước tình trạng này”. Đó là chia sẻ của chị Phan Thị Trúc Lan (ở phường Dĩ An, TX.Dĩ An).    Nhấn còi xe đúng lúc để thể hiện văn hóa giao thông

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng từng gặp các trường hợp như: Khi đèn đỏ chuẩn bị chuyển sang xanh, rất nhiều người phía sau bấm còi như một lời “cảnh cáo” với những người đứng trước đi nhanh lên; các xe tải, xe bus bấm còi liên tục để “xin” vượt qua xe khác, khiến không ít người giật mình bởi những âm thanh chát chúa có âm lượng quá lớn ấy; hay có những người dùng CX thay vì bước xuống bấm chuông cửa... Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới, chuyện bấm còi được “phổ thông hóa” như ở Việt Nam.

Những hệ lụy không hề nhỏ

Bản chất của CX là phương tiện hỗ trợ cho mọi người lưu thông trên đường tránh những nguy hiểm, nhưng rất nhiều người lại sử dụng nó không đúng nơi, đúng chỗ, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra chỉ vì giật mình bởi tiếng CX quá lớn, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ em. Tưởng chừng như, sau mỗi vụ tai nạn thương tâm ấy, người dân sẽ ý thức được tác hại của việc lạm dụng CX hay sử dụng còi quá âm lượng, thế nhưng vấn đề này vẫn trong tình trạng báo động.

CX cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng “ô nhiễm tiếng ồn”, ảnh hưởng đến thính giác, cơ quan thần kinh, dẫn đến các bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, khiến con người trở nên đau đầu, cáu gắt, khó chịu. Đồng thời, nó còn có thể tác động đến não trẻ trong giai đoạn phát triển, gây căng thẳng, khó ngủ hay giảm khả năng tập trung.

Tiếng CX không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh nước Việt Nam trong mắt của khách du lịch. Khi nhắc tới giao thông ở nước ta, người nước ngoài không khỏi rùng mình trước các tình trạng như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ... mà còn là nạn nhấn CX vô tội vạ.

Chưa đủ sức răn đe

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP cùa Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2014:

- Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô:

+ Theo quy định tại điểm d khoản 4 và điểm a, b khoản 6 và điểm c khoản 7 điều 16 thì điều khiển xe ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, buộc tháo còi vượt âm chuẩn và lắp còi đúng tiêu chuẩn.

+ Quy định tại điểm i, khoản 1, điều 5 thì bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

+ Quy định tại điểm b, khoản 3, điều 5 thì việc bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.

- Đối với xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự:

+ Quy định tại điểm e, khoản 2, điều 6 thì bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng.

+ Quy định tại điểm e, khoản 3 điều 6 thì việc bấm còi liên tục trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra những hình thức xử phạt đối với hành vi sử dụng CX không đúng quy định, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các phương tiện giao thông, hy vọng rằng cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa việc xử phạt vi phạm về sử dụng CX, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra âm lượng CX ô tô, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân.

Những năm gần đây, nước ta đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền người dân đội mũ bảo hiểm, chắc hẳn, nếu áp dụng đối với việc sử dụng CX đúng cách cũng có thể đạt hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết đó là ý thức của người tham gia giao thông, hãy bổ sung cho mình “văn hóa ngón tay cái” bằng cách dùng CX hợp lý để cảnh báo nguy hiểm, chứ không phải gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

 NGUYỄN HUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên