Những “bài hịch” bất hủ - Bài cuối

Cập nhật: 02-09-2016 | 07:30:03

Bài cuối: Đem sức ta mà giải phóng cho ta…

 “Hỡi đồng bào yêu quý! Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”. Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một bài hịch hiệu triệu hơn 20 triệu đồng bào cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đập tan xiềng xích nô lệ, giành lại chính quyền về tay nhân dân.

 Mít-tinh giành chính quyền tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh: T.L

 Cách đây gần 800 năm, vào năm 1285, đội quân xâm lược Nguyên - Mông do Thoát Hoan cầm đầu mang 50 vạn quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2, vua tôi nhà Trần đã mở Hội nghị Diên Hồng ở kinh thành Thăng Long để bàn cách đánh giặc. Sau đó, để kêu gọi tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã viết “Hịch tướng sĩ”, một áng thiên cổ hùng văn, truyền đến ba quân khí thế, tinh thần quyết chiến quyết thắng, biến thành sức mạnh “Sát Thát” vô song: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”. Đó là ý chí, khí phách của một dân tộc anh hùng. Ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì nước là yếu tố rất quan trọng và khi ý chí của muôn người như một sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, có thể đập tan xiềng xích nô lệ, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chúng tôi nhắc lại Hội nghị Diên Hồng và “Hịch tướng sĩ” trong bài viết này để thấy rằng, truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng luôn chảy trong huyết quản của mọi người dân Việt Nam, dù ở bất cứ thời đại nào. Trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, cha ông ta đã có Hội nghị Diên Hồng, có “Hịch tướng sĩ”…; trong Cách mạng Tháng Tám 1945, dưới thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta lại có Quốc dân Đại hội, có thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa…

Cũng như “Hịch tướng sĩ”, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời hịch có sức lan tỏa và làm lay động lòng người, thôi thúc hơn 20 triệu đồng bào cả nước vùng lên giành chính quyền, làm một cuộc đổi đời trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Như đã biết, đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật cũng đầu hàng, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Ở trong nước, ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp.

Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang chỉ đạo cách mạng và chuẩn bị Đại hội Quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân (còn được coi là Hội nghị Diên Hồng) họp tại Tân Trào thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới toàn thể đồng bào.

Trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do”. Bác nêu rõ: “Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước. Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) có hàng chục triệu đội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán.

Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo. Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam Quốc dân đại biểu đại hội”, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập”. Người khẳng định với nhân dân rằng, việc tổ chức Quốc dân Đại hội và cử ra Ủy ban giải phóng “là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.

Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước từ ngàn đời, có phí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Điều này đã được minh chứng qua lịch sử các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tuy vậy, để tinh thần yêu nước, ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh biến thành sức mạnh tổng hợp thì phải hiệu triệu, đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, để muôn người có chung một ý chí, cùng đứng vào Mặt trận Việt Minh, trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến nghị: “Nhưng chúng ta chưa thể cho thế là đủ. Cuộc tranh đấu của chúng ta đương còn gay go, dằng dai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập. Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn mạnh mẽ”.

Đồng thời, Người kêu gọi: “Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ Lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước. Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do. Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

 Hưởng ứng Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8-1945 hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc cách mạng chói sáng nhất trong lịch sử dân tộc. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 10 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội tưng bừng khí thế đấu tranh xuống đường vũ trang thị uy, tổ chức mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Cuộc mít-tinh khổng lồ của nhân dân trở thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm phủ khâm sai, tòa thị chính thành phố, trại bảo an binh và các công sở quan trọng khác. Trong ngày 19-8, khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở thủ đô. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ thắng lợi... Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị gần 100 năm bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thật sự thuộc về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công trên phạm vi cả nước.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2306
Quay lên trên