Những băn khoăn của thanh niên trước “cánh cửa” vào đời

Cập nhật: 11-12-2010 | 00:00:00

Hầu hết các bạn học sinh sau khi kết thúc 12 năm đèn sách đều cho rằng, đại học (ĐH) chính là cánh cửa cuộc đời, là con đường duy nhất để họ lập thân lập nghiệp. Vì vậy mà ai cũng quyết tâm thi vào một trường ĐH hay cao đẳng (CĐ) nào đó! Ước mơ đổ vỡ làm không ít bạn chơi vơi, rơi vào bế tắc trước “cánh cửa” vào đời!

 Lập nghiệp có cần bằng ĐH?

Trong một buổi giao lưu trực tuyến gần đây, nhiều doanh nhân thành đạt đã thừa nhận, bằng cấp là yêu cầu không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng, là lợi thế của ứng viên để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, không phải bằng cấp quyết định năng lực làm việc của cá nhân. Trong quá trình tiếp cận tri thức dù ở bậc đào tạo ĐH, CĐ hay chứng chỉ nghề thì yếu tố quyết định vẫn phụ thuộc vào tinh thần chịu khó, ham học, vươn lên để tự trau dồi kiến thức và hoàn thiện mình.

 

Nhiều TNCN ngoài giờ làm vẫn tranh thủ học thêm để nâng cao trình độ

Thực tế ở các khu công nghiệp, một số lao động có bằng cấp nhưng mức lương lại thấp hơn lao động có tay nghề. Khả năng nhạy bén, xử lý tình huống và giải quyết công việc được đong đếm trên hiệu quả, năng suất làm việc chứ không phải vấn đề bạn học ở đâu và có những bằng cấp nào. Bạn Thanh Hằng, hiện là Tổ trưởng tổ giám sát kỹ thuật của công ty may mặc ở khu chế xuất Bình Chuẩn, cho biết: “Không may mắn bước vào giảng đường ĐH như một số bạn cùng trang lứa. Rớt ĐH tôi đã rất hoang mang nghĩ rằng cánh cửa cuộc đời đã khép lại với mình. Được sự định hướng của gia đình, tôi đăng ký đi học lớp chứng chỉ nghề để tạo cho mình một cái nghề. Bằng sự nhiệt tình cống hiến và không ngừng học tập lao động, tôi đi học thêm tiếng Hoa vào buổi tối rồi được Ban Giám đốc công ty tin tưởng giao trọng trách của một người giám sát kỹ thuật”.

Hiện nay, vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên được nhiều cấp, ngành và đoàn thể quan tâm. Các chương trình đào tạo trực tuyến, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp không ngừng xuất hiện, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo thanh niên với mục tiêu trang bị kiến thức cơ bản, kích thích sự sáng tạo, xây dựng “kỹ năng mềm” để thanh niên lập kế hoạch khởi sự bằng những dự án nhỏ nhất của gia đình. Trường hợp bạn Võ Minh Thành ở ấp An Phú, xã An Sơn, Thuận An là ví dụ điển hình. Tốt nghiệp lớp 12, gia đình khó khăn Thành không theo các bạn cùng lớp lên Sài Gòn vào các lò luyện thi ĐH mà ở nhà đầu tư nuôi thỏ, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi Thành đã gặp không ít khó khăn, thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm nên nhiều lần làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Với ý chí vượt khó, ham học Thành tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã tổ chức để nâng cao tay nghề, khắc phục điểm yếu. Vì vậy có những năm, thỏ được giá Thành thu về hàng chục triệu đồng. Ngoài việc nuôi thỏ, Thành còn tận dụng quỹ thời gian rỗi thuê đất bỏ hoang để cải tạo trồng hoa màu và cây ăn trái. Thành quan niệm: “Lập nghiệp không nhất thiết phải đi học ở các trường ĐH nổi tiếng, có các loại bằng để trình cho mọi người cùng biết. Nếu kiến thức là nền tảng để ta xây đắp thì khả năng, sự chăm chỉ ham học hỏi, tìm tòi của bản thân là yếu tố quyết định sự thành công”.

Và đối với công nhân, lao động phổ thông

Dù biết ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để bước vào đời, nhưng vẫn còn nhiều bạn trẻ, gia đình và cả thầy cô đặt kỳ vọng, tạo áp lực cho con em mình. Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận trình độ, tri thức đối với sự phát triển của xã hội. Câu nói vui “tùy sức mà lượng” của TNCN đang trở thành quan niệm khá phổ biến trong các công ty, xí nghiệp. Tốt nghiệp THPT, bạn Hồng Gấm quê Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp. Công việc hiện tại là một công nhân xí nghiệp giày ở KCN VSIP I đối với bạn Gấm là vừa sức. Thời gian làm việc cộng với tăng ca đã ngốn hết quỹ thời gian nên theo Hồng Gấm, dù bạn rất muốn học thêm để có bằng cấp, cũng đành “an phận” với trình độ và công việc hiện tại của mình. Đó là chưa kể đến những áp lực của những chi phí sinh hoạt, ăn ở hàng ngày của những công nhân xa quê.

Khác với Hồng Gấm, H.L ở thị trấn An Thạnh (Thuận An) là một thanh niên đã từng nghiện ma túy. Sau thời gian đi cai, L. trở về địa phương xây dựng kinh tế gia đình. Chỉ mới học xong lớp 11 lại có lý lịch “đen” nên hành trình xin việc của L. cũng lắm nỗi gian nan! Quyết tâm làm lại cuộc đời, L.vừa học nghề sửa xe máy vừa học bổ túc vào buổi tối để hoàn thiện chương trình học phổ thông. Vừa học vừa làm, L. hoàn toàn có quyền mơ đến cánh cửa ĐH như bao người vẫn thường đặt nặng. Bằng cấp ở một chừng mực nào đó sẽ giúp nhiều bạn trẻ có được sự khởi nghiệp tốt. Song “tùy sức mà lượng”, tùy vào hoàn cảnh mỗi người thì các bạn sẽ có những lựa chọn cho riêng mình.

KIM HÀ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=476
Quay lên trên