Những “bông hoa” trong lòng địch: Anh Ba Sê quả cảm

Cập nhật: 22-08-2014 | 09:33:23

Kỳ 3: Anh Ba Sê quả cảm

>> Xem kỳ trước

Những hàng cao su thẳng tắp hai bên đường như đón đợi chúng tôi về thăm ông Phạm Văn Sê (Ba Sê), một chiến sĩ trinh sát quả cảm năm xưa ở xã Định An, Dầu Tiếng. Ông chính là đội trưởng Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng, nổi tiếng với những chiến công liên tiếp trong công tác diệt ác, phá kìm...

Ông Ba Sê (trái) đang kể chuyện chiến đấu khi xưa cho một chiến sĩ công an trẻ xã Định An

Dũng cảm đứng đầu

Chúng tôi ngỡ ngàng khi lần đầu gặp ông Ba Sê dưới mái nhà đơn sơ, giản dị của vợ chồng ông. Người bao lần khiến địch kinh hồn, bạt vía lại có dáng hơi gầy gò, nhỏ bé, trái ngược hẳn với sự mường tượng ban đầu của chúng tôi. Ông Ba Sê cười tươi nói: “Nhỏ nhưng có võ à nghen!”.

16 tuổi, ông Ba Sê đã giác ngộ cách mạng, chia tay Sài Gòn để về làng 22 Dầu Tiếng (nay thuộc xã Định Hiệp, Dầu Tiếng) hoạt động. Ông nhanh chóng tham gia các phong trào chiến đấu của địa phương, kêu gọi nhân dân đào hầm chống tăng, trừ gian, diệt ác, chống càn… Năm 1966, khi Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng được thành lập, ông Ba Sê lúc này tròn 18 tuổi, được cử làm đội phó. Hai năm sau, khi đồng chí Ba Tiếp anh dũng hy sinh, ông trở thành đội trưởng, trực tiếp chỉ huy và thực hiện hàng chục trận đánh oanh liệt cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Nói về người đội trưởng của mình, đồng chí Dương Quyết Thắng xúc động: “Chưa bao giờ anh Ba Sê đi sau anh em mỗi khi thực hiện nhiệm vụ. Lần nào anh cũng yêu cầu anh em đi theo làm nhiệm vụ cảnh giới, còn anh luôn trực tiếp hành động…”. Khi thực hiện chỉ thị của cấp trên về tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt ác ôn. Lần đó, tổ trinh sát do ông Ba Sê chỉ huy đã tấn công đánh sập chi cảnh sát, nhà chiêu hồi… Riêng ông đã dũng cảm cắt rào, ôm trái mìn Beta 20kg đặt và bấm kíp điện, đánh sập một góc chi cảnh sát, gây sát thương rất nhiều địch…

Ông Ba Sê thăm lại địa điểm diễn ra trận đánh đầy mưu lược, tiêu diệt ổ biệt kích tại lô 13, làng 4, Dầu Tiếng

Bây giờ nhớ lại những ngày tháng chiến đấu năm xưa, ông Ba Sê vẫn cười khà khà sảng khoái. Địch treo thưởng: Bắn được Ba Sê ngay trong lô cao su thưởng 2 triệu đồng (tương đương hàng chục cây vàng), bắt sống mang về quận Trị Tâm sẽ thưởng đến 3 triệu đồng. Vậy nhưng ông vẫn hàng chục lần đột nhập tận nhà bọn ác ôn, rồi rút lui trong làn đạn mà vẫn không hề hấn gì. Ông Ba Sê quả cảm là thế! Tháng 12-1970, ông cùng đồng đội diệt tên Nguyễn Văn To (Gạt-To) là tình báo quân đội tại nhà ở ấp 5, xã Định Thành. Đêm 28, rạng ngày 29- 12-1970, Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng dưới sự chỉ huy của ông Ba Sê giả lính ngụy đi xét giấy tờ rồi tháo 2 thùng phuy có gài trái phá ở đầu cổng nhà tên này. Đến tận đầu giường Gạt- To, ông tuyên bố: “Thay mặt cách mạng, tôi đến giáo dục, cải huấn, ai la lên bắn tại chỗ!”. Dù sau đó Gạt-To bày mưu lên gác rồi nhảy xuống chuồng bò định chạy trốn, nhưng ông vẫn lao theo khóa tay rồi xử lý gọn, không quên ghim bản án răn đe để cảnh báo những tên còn lại…

Mưu trí sáng tạo

Có gặp và trò chuyện mới hiểu vì sao với vóc người nhỏ bé, ông Ba Sê lại thực hiện thành công hàng loạt nhiệm vụ trên giao, thậm chí có lần lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ, ông vẫn diệt gọn và bảo vệ thành công cán bộ của ta. Ấy là vào một ngày cuối năm 1969, ông Ba Sê được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trương Văn Tươi (Tư Cao) và đồng chí Hai Đức - Ban Chỉ huy quân sự huyện cùng đồng chí Nguyễn Văn Đâu, cán bộ phong trào làng 14, Dầu Tiếng xuống cơ sở vận động, tuyên truyền.

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, ông Ba Sê mang súng đi xe đạp dẫn đầu. Đến đoạn bụi rậm ở lô 13, làng 4, ông bất giác rùng mình khi thấy họng súng đen ngòm chĩa ra từ bụi cây. Nhanh như cắt, ông giả vờ ngã xe đạp, vừa lăn xuống hố vừa lia súng về phía địch. Bất ngờ bị tấn công, bọn Mỹ vội vàng vãi đạn như mưa. Hết băng đạn đầu tiên, ông Ba Sê nằm im trong vòng vài giây để lừa địch tưởng ông đã trúng đạn, rồi ông thay tiếp băng đạn thứ 2, diệt gọn ổ phục kích. Nhớ lại cuộc đụng độ năm nào, ông Tư Cao gật gù: “Nếu hôm đó không phải là Ba Sê thì có lẽ tụi này đã không còn sống. Chỉ có Ba Sê mới xử lý tình huống nhanh và hiệu quả như vậy. Mưu trí lắm!”.

Không chỉ mưu trí trong đánh địch trực tiếp, ông Ba Sê còn rất sáng tạo trong việc chế tạo vũ khí, khiến địch nhiều lần mắc bẫy. Ông bảo: “Nhiều cái mình dùng của địch đánh địch mà chúng không biết, đến lúc chết cũng không hiểu vì sao…”. Có lần, ông lấy thuốc mìn Rimô bỏ vào lon thịt hộp, nhét bi đầy lon rồi lén treo lên đầu võng tên Tiếp, là một ác ôn khét tiếng của giặc. Lần đầu tiên, ông cho xịt, để tên này chủ quan không phòng bị, vậy là lần thứ hai, mìn nổ, không chỉ giết được tên Tiếp mà còn sát thương rất nhiều địch.

Cho đến bây giờ, ông Ba Sê vẫn còn nhớ việc công binh xưởng vắt óc suy nghĩ với đề xuất khác người của mình: Tạo mìn lắc, một loại mìn chưa bao giờ có trong danh sách khí tài quân sự của địch. Vậy rồi các ông hì hục chế tạo, chẳng bao lâu đã cho ra quả mìn lắc thật! Đây là một sự sáng tạo tuyệt vời bởi quả mìn lắc gồm một ngòi nổ chính nằm ngoài và một ngòi nổ phụ, kíp điện được giấu kín bên trong ống trúc có hai mạch điện hở và một viên bi sắt di động làm công tắc mìn. Sau đó, ông móc nối cơ sở, gài mìn tại cầu Tàu, ấp 2 thị trấn Dầu Tiếng, cốt sao cho địch dễ phát hiện. Tháo được mìn của cách mạng, địch hí hửng bỏ lên xe Jeep, vội vã phóng về căn cứ của chúng để báo công. Nhưng niềm vui ngắn chỉ tày gang, xe chạy cũng là lúc ống trúc rung lắc, tạo điều kiện cho viên bi công tắc mìn di chuyển, mạch điện đóng lại và một tiếng nổ rung chuyển vang lên, xe Jeep bốc cháy phừng phừng, xung quang xác địch nằm la liệt…

“Anh Ba Sê dũng cảm” giờ đã ở tuổi thất thập, có cháu nội, ngoại đề huề nhưng vẫn nhớ như in những trận đánh oai hùng của Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng trong quá khứ. Chia tay ông, chia tay người đội trưởng kiên trung, giàu lòng yêu nước, chúng tôi không thể nào quên nụ cười và câu nói đầy khí khái: “Ngày ấy, tuổi đôi mươi nào có mong gì ngoài hòa bình cho hôm nay. Diệt ác, phá kìm những mong đồng bào ta bớt khổ, chứ không mong công trạng…”

 Kỳ 4: Cô gái giữa rừng cao su

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1186
Quay lên trên