Rừng Đông Nam bộ mùa khô, cây cối trụi lá, mặt đất toang hoác những hố sâu vì bom đạn quân thù mới đổ xuống trong một trận càn ác liệt. Đêm khuya thanh vắng, giữa rừng cao su thuộc xã Tân Bình (Tân Uyên), đồng chí bí thư chi bộ đang thì thầm với một cô gái trẻ chừng 17 tuổi…
Kỳ 4: Cô gái giữa rừng cao su
Đại tá Trần Thị Hường
“Người mặt lạnh”
Em ạ! Đồng chí bí thư chi bộ trạc tuổi 25 với khuôn mặt cương nghị và giọng nói ấm áp nhưng cũng rất quyết liệt: Hiệp định Giơnevơ vừa được ký kết, Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài. Chúng không ngần ngại thực hiện nhiều thủ đoạn hết sức dã man, thâm độc để đàn áp phong trào cách mạng… Em thấy đó - Lời đồng chí bí thư trở nên căm phẫn: Quê ta làng mạc xác xơ, bao đồng bào, chiến sĩ bị chúng giết hại không nương tay. Ngày xưa làng mình đâu đến nỗi như thế. Quê hương yên bình bên những hàng cao su lá xanh rợp bóng. Từ ngày Mỹ - ngụy đến, quê ta điêu tàn, không có ngày nào là không có cảnh đầu rơi máu chảy trước máy chém của chúng…
Em có yêu Tổ quốc, yêu đồng bào mình không? Giọng người cán bộ trở nên nghiêm hẳn. Nãy giờ ngồi nghe câu chuyện về sự tàn bạo của kẻ thù đối với quê hương, đôi mắt cô gái đỏ hoe vì căm thù và cảm động. Thưa chị! Em yêu quê mình, yêu người dân Việt Nam và căm thù bọn đế quốc, tay sai đang chà đạp lên mảnh đất yên bình này. Cô gái nói. Vậy em có sợ kẻ thù không? Chị bí thư hỏi. Không! Em không sợ. Nếu được tin tưởng, em sẽ nhận bất kỳ nhiệm vụ nào để trả thù cho đồng bào, cho quê hương… Cô gái tỏ vẻ cương quyết. Được! Người cán bộ vui mừng lên tiếng và giao nhiệm vụ: Từ giờ phút này, chị chính thức đưa em vào tổ chức hoạt động bí mật tại địa phương nhé. Công việc cực kỳ nguy hiểm, em sẵn sàng không? Sẵn sàng! Nhiệm vụ của em cụ thể thế nào?
Bà Trần Thị Hường (trái) cùng đồng đội thời hoạt động ở Chiến khu Đ
Tại sở cao su Phước Hòa (Phú Giáo), trong số hàng trăm công nhân cạo mủ, có nhiều cán bộ bí mật của ta. Gần đây, nhiều cán bộ “cạo mủ cao su” bị địch bắt thủ tiêu. Qua điều tra, tổ chức phát hiện có một kẻ lạ mặt đã trà trộn vào trong nội bộ ta giữa rừng cao su. Hành vi của tên này rất thâm độc. Hàng ngày nó cùng đi cạo mủ như bao công nhân khác, nhưng nhiệm vụ chính là dò la tung tích của cán bộ, sau đó chỉ điểm cho cảnh sát ngụy bắt chém đầu theo luật 10/59 của Ngô Đình Diệm. Tên này đã gây tội ác chồng chất. Hàng trăm cán bộ ta đã đổ máu vì nó. Dáng người nó to cao, khuôn mặt thì lạnh lùng… Nhiệm vụ của em là xin vào làm công nhân cao su nhằm theo dõi hành tung, họ tên, chức danh của tên này để cách mạng tiêu diệt trả thù cho đồng bào, chiến sĩ. Em làm được không? Lời đồng chí bí thư rắn rỏi, cương quyết. Dạ! Em làm được!
Cô thợ may
Đêm giữa rừng cao su tĩnh mịch, tiếng côn trùng kêu nghe rõ. Hai người chia tay nhau với một niềm tin sắt son vào cách mạng. Cô gái trẻ ra về mà lòng tự hào trỗi dậy, vui mừng thầm nghĩ - từ nay ta đã là người được cách mạng giao phó.
Sáng hôm ấy, mùa khô năm 1961, đồng bào tỉnh Sông Bé nức lòng khi tin chiến thắng Phước Thành bay về. Chỉ trong một đêm, bộ đội ta đã tập kích tỉnh lỵ Phước Thành và tiêu diệt tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn - con nuôi của Ngô Đình Diệm. Chiến công thật vang dội. Lòng cô gái rạo rực, trong trang phục cô công nhân đã có mặt từ sớm tại sở cao su Phước Hòa. Một tháng sau. Báo cáo: Em đã xâm nhập vào đội công nhân do tên “mặt lạnh” quản lý. Nó là phu cai cao su. Hàng ngày, sau giờ lao động nó thường lấy sổ ra ghi ghi, chép chép. Tối đến thì đi đâu biệt tăm. Em chưa tiếp cận được nó. Người cán bộ vui mừng. Vậy là tốt rồi. Em tìm thêm cách khác nữa thử xem. Đồng chí bí thư chỉ thị xong rồi vội mất hút vào cánh rừng. Cô gái ngoảnh nhìn phía sau, trông thấy tốp lính đi tuần đang tiến lại gần. Hèn chi… chị ấy “zọt” lẹ vậy. Cô gái mỉm cười với tụi lính rồi thong thả ra về.
Thưa cô, tôi cần may một bộ đồ mới. Sắp lấy chồng rồi phải không, vào đây tôi đo xem nào - Giọng cô thợ may đon đả. Nghe đến từ lấy chồng, cô gái mỉm cười nhưng ánh mắt thì đượm buồn suy tư: Không biết giờ này anh ấy chiến đấu ở đâu. Lời hẹn ước trăm năm khi Tổ quốc hòa bình vẫn còn thổn thức trong lòng cô gái đang tuổi xuân thì. Cô may cho tôi bộ đồ, nhà sắp có việc hỷ - cô gái vui vẻ. Cô làm thợ may chắc khá lắm, nhà cửa sang trọng quá - cô gợi chuyện. Mèn ơi, thợ may thì ăn thua gì, tài sản trong nhà là nhờ đồng lương của bố tôi đó, cô thợ may thật thà đáp lại. Bố cô làm gì mà tiền nhiều vậy? Bố tôi là… công nhân cao su. Giọng cô thợ may ấp úng và trở nên cảnh giác lạ thường. Có phải bố cô người cao to và khuôn mặt… Cô gái biết dừng đúng lúc để không nói từ “khuôn mặt lạnh”. Đúng rồi! Sao cô biết bố tôi? Tôi cùng công nhân cao su trong đội của ông ấy mà, nhà tôi cũng ở trong xã này thôi - cô gái nhanh nhảu trả lời.
Hai tháng trôi qua, một hôm tối trời, cô gái băng băng vượt qua cánh rừng, luồn sâu vào Chiến khu Đ tìm gặp đồng chí bí thư chi bộ. Báo cáo: Kẻ cao to, mặt lạnh trong sở cao su Phước Hòa tên Trần Văn Thôi, thường gọi Mười Thôi, là cảnh sát mật có chức vụ khá to trong ngụy quyền. Gia đình hắn có hai người con, con trai là công chức ngụy, con gái thợ may, nhà ở xã Tân Bình. Thường sau giờ tan ca, khoảng 5 giờ chiều nó không về nhà mà về trong bót ở xã Tân Bình ngủ lại, có lính canh giữ an toàn. Nhưng cuối tuần thì nó về nhà thăm gia đình và thường về lúc 7 - 8 giờ tối. Quy luật đi lại của nó thường xuyên như vậy. Báo cáo hết. Đồng chí bí thư chi bộ ôm chầm cô gái trẻ nói, em giỏi lắm, chị sẽ báo cấp trên về thành tích của em. Ngày tiêu diệt tên ác ôn sẽ đến, đồng bào, chiến sĩ của ta sẽ được trả thù… Hai người phụ nữ cảm động ôm nhau mà nước mắt chảy dài. Rừng Chiến khu Đ mùa trăng sáng vằng vặc!
Kết
Cô gái trong bài viết này hiện nay là đại tá Trần Thị Hường, bí danh Trần Thị Ngơi, quê xã Tân Bình (Tân Uyên), nguyên chiến sĩ an ninh hoạt động trong lòng địch. Trong kháng chiến, bà Hường là Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên; chức vụ sau cùng trước về hưu là Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Công an Sông Bé. Người phụ nữ này, sau giải phóng, trong đống hồ sơ của địch, công an ta đã tìm thấy hình ảnh của bà và bộ hồ sơ mà địch xác lập với tiêu đề: “Tên nữ Việt cộng cực kỳ nguy hiểm”. Còn đồng chí bí thư chi bộ trong bài viết này là ai, tên gì và sự hy sinh anh dũng của đồng chí như thế nào, xin mời quý độc giả đọc tiếp bài sau.
Kỳ 5: Tuyên án
KIẾN GIANG - KHÁNH VINH