Những bữa cơm nặng nghĩa tình

Cập nhật: 07-09-2011 | 00:00:00

Người cho

Vào mỗi ngày mùng 6 hàng tháng, những người bất hạnh, khó khăn ở các điểm: Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở 1), Hội Người mù và Bệnh viện Đa khoa tỉnh được nhận những suất ăn “bồi dưỡng” rất ngon. Thức ăn chay nhưng nhìn bắt mắt, đủ chất với bún gạo xào thập cẩm, cơm, canh, đồ xào, đồ kho, bánh mì... Mỗi lần có gần 300 suất ăn, bánh mì miễn phí được phát cho trẻ mồ côi, người mù và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nghèo ở các khoa lây nhiễm, tâm thần và khu bệnh nhân nghèo. Chương trình này do Tịnh xá Ngọc Hiệp (TX.TDM) khởi xướng và được nhiều Mạnh Thường Quân ủng hộ.

Chân dung của những “người cho” chân chất, giản dị vô cùng. Họ có thể là một sinh viên, công nhân, lao động tự do, tiểu thương, công chức... Nghĩa là ai cũng có thể tham gia, “nhín” một chút phần ăn của mình để lo cho người nghèo. Bởi, cách làm của nhóm là không phải đóng góp tiền mà làm theo kiểu ai có gì cho nấy. Sư cô Liên Lan nói rằng, nhà chùa rất cảm kích khi hàng tháng đều có người đến hỗ trợ cho chương trình. Đáng quý là có những Mạnh Thường Quân đến từ TP.HCM. Như thế để thấy rằng, ý nghĩa của chương trình đã vươn xa và thu hút nhiều người quan tâm.

Người nhiệt tình nhất với chương trình này có thể kể đến là bà Huỳnh Thị Khái, một tiểu thương ở TP.HCM. Mỗi tháng, bà nhận tài trợ tất cả phần rau, củ, quả các loại cho nhà bếp của tịnh xá. Rau củ để nấu nướng phải có một nhóm “tình nguyện viên” đến gọt, xắt từ đêm hôm mùng 5 để sáng mùng 6 nấu nướng cho kịp. Trò chuyện với người viết, cô Khái cười hiền lành: “Tôi buôn bán nhỏ thôi nên lời lãi không bao nhiêu cả nhưng tôi có con cái trưởng thành, biết lo cho mẹ. Đó là một may mắn, hạnh phúc nên tôi cũng thường dành dụm tiền để làm từ thiện. Đó là việc nên làm, con người nên tương thân tương ái, biết nhường cơm sẻ áo cùng nhau”. Bà còn cười cho biết thêm, các bạn khi nào đó hãy thử... ăn ít đi một chút, nhường một chút phần thức ăn cho người đang khổ hơn mình. Làm được thế, chắc chắn mình sẽ thấy rất vui. Và, làm việc thiện thì thân tâm nhẹ nhàng, thấy vui tươi, yêu đời hơn.

Cùng tham gia với chương trình này đã nhiều năm nhưng nhiều người chỉ cười hiền khi được phỏng vấn. Với họ, cuộc sống là cho đi để nhận lại niềm vui... Họ không muốn nói đến danh tính của mình bởi họ cho rằng, việc mình làm cũng “bình thường thôi”. Có người đem đến ủng hộ một lúc vài chục kg bún gạo khô. Có người đóng góp chút thời gian trong ngày bởi đôi khi “chỉ đến lấy công phụ giúp thôi nhưng cũng thấy rất vui khi mình biết sống và nghĩ  đến người khác”...

 

Và người nhận 

Đó là những đứa trẻ bất hạnh sớm mất cha mất mẹ phải vào sống trong trại trẻ mồ côi. Đó là người khiếm thị sống bằng nghề massage, làm chổi. Đó là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và người nhà đi nuôi bệnh cũng đuối sức dần bởi những lo toan cho người thân. Tất cả họ có điểm chung là khó khăn, nhọc nhằn và rất cần sự đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng.

 

Bệnh nhân nghèo nhận cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Bé Nguyễn Thị Yến, 13 tuổi từ Dầu Tiếng đến sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở 1, TX.TDM). Em kể: “Nhà có 5 anh em. Năm 2008, ba em mất còn mẹ cũng bệnh riết nên lo không nổi cho đàn con. Em còn 2 em nhỏ nữa nên phải vào đây để mẹ bớt gánh nặng. Con đông, mẹ quá vất vả, với lại vào đây em được đi học. Ở nhà, thiếu thốn lắm nên sẽ phải nghỉ học nhường cho em”. Yến là cô bé có nét mặt dễ thương, cao ráo. Nhưng giọng nói cứ buồn buồn như tủi phận. Đã 13 tuổi nhưng em chỉ mới học lớp 3. Tuy nhiên, không vì thế mà em mặc cảm, tự ti. Em nói mình sẽ cố gắng hơn để biết chữ, để sau này đi làm giúp mẹ, nuôi em.

Ở trung tâm mồ côi còn nhiều em nhỏ có hoàn cảnh tội nghiệp khác. Có em bị tàn tật, đi đứng quá khó khăn. Tất cả các em quây quần học, chơi và coi tivi nơi góc học tập và cũng tất cả các em mừng vui khi có người đến để chuyện trò, mang thức ăn ngon đến cho và vui đùa, hỏi han các em như những người thân.

Căn phòng ăn của Tỉnh hội Người mù cũng chộn rộn, vui vẻ hơn lên khi đoàn từ thiện đem cơm, bánh mì đến tặng. Những nhân viên massage chưa vào ca tranh thủ đi nhận phần thức ăn của mình và lấy luôn cho bạn. Mấy anh chị bó chổi cũng ngừng tay cùng chung vui trong “bữa ăn tập thể” ấm áp tình người. Một người nói thỉnh thoảng cũng thích đi ăn chay vì nghe nói ăn chay có lợi cho sức khỏe nhưng... không thấy đường, đi lại quá khó. Tìm cho ra quán cơm chay cũng tốn bộn tiền xe ôm nên thôi. Thế nên, hàng tháng có một bữa ăn chay như thế này cô rất thích...

Có lẽ, sân Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi nhiều người chờ đợi bữa cơm từ thiện nhất. Ngay trong sân của khu vực bệnh lây nhiễm, nhiều người đang chăm sóc con bị bệnh chân - tay - miệng, người thân bị viêm phổi tranh thủ nhận phần thức ăn. Họ nói thời buổi giá cả tăng thế này, đi chợ... ngán lắm nên hay nhận cơm từ thiện từ nhiều tổ chức, cá nhân đến tặng. Có nhóm chuyên đi thứ bảy, có nhóm đi vào chủ nhật và có nhóm đi vào ngày định kỳ hàng tháng nên họ cũng đỡ lo phần nào về chuyện ăn uống của mình cũng như người nhà. Khoa bệnh nhân tâm thần tất nhiên bị cách ly bằng cánh cổng sắt. Và những bệnh nhân tâm thần có đôi mắt buồn mênh mang cứ đứng nhìn ra cánh cổng như thế. Nhưng khi  được đưa cho hộp cơm, cái bánh mì thì họ lại rất vui. Gương mặt dường như tươi hơn khi được sưởi ấm bởi tình người.

Chị Hà bồng đứa con nhỏ bị bỏng mà theo chị “chỉ vì một chút sơ suất của tôi để con té vào nồi canh mà ra nông nổi này đây”. Để nuôi con, chị đang làm công nhân phải xin nghỉ việc và trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Chị Phượng thì đang nuôi mẹ già bị bệnh lao. Rồi những người vợ lo lắng bên người chồng đang bị băng kín đầu, tay, chân bởi một vụ tai nạn giao thông bất ngờ ập đến. Trong cái sự không may của họ, đã có nhiều người cảm thông, chia sẻ những mong họ bớt vất vả khi phải lo chạy ăn với hy vọng, được bữa nào hay bữa đó...

Lần đầu cùng đi làm từ thiện với đoàn, tôi đã... hớ hênh khi cứ hỏi như “bệnh nghề nghiệp” rằng chi phí cho mỗi bữa phát cơm từ thiện như thế là bao nhiêu. Không tính được bằng tiền là câu trả lời mà tôi nhận được. Đúng là tấm lòng nhân ái không thể tính chi li ra bằng tiền như thế mà chỉ biết họ đến với nhau, yêu thương người bất hạnh bằng lòng trắc ẩn. Thế nên cũng trong buổi phát cơm này, có người đem theo mấy chục chai dầu gió tặng người nghèo. Có người đem theo bánh mì Kinh Đô, bánh bông lan tặng bệnh nhân nhỏ tuổi. Từng thùng mì gói cũng được xé ra để phân phát cho mỗi người vài gói thôi vì chia nguyên thùng sẽ không đủ.

Và lần nào, hình như cũng có “chương trình” riêng ngoài dự kiến là những người sẵn tấm lòng nhân ái này luôn tặng cho những người kém may mắn một ít tiền như một món quà nhỏ. Đó là giúp người mẹ nuôi con bị não úng thủy, một trẻ bị bỏng nhìn rất thương tâm, một bà mẹ già ngoài 80 tuổi ở miền Tây lên “sống nhờ hành lang bệnh viện” để chăm sóc con bị tai nạn giao thông... Của ít lòng nhiều, những người đi trong đoàn lại “vận động” nhau tiếp tục “nhường cơm sẻ áo” bằng những đồng tiền vừa mới gom góp được...

Đã là thông lệ nên cũng trở thành thân quen, người cho, người nhận bịn rịn chia tay nhau và hẹn gặp vào mùng 6 tháng sau nhé...

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên