Những cảnh đời chạy thận nhân tạo
Bà Dương Thị Tòng (trái) cùng chồngThận có chức năng lọc máu, thải nước, thải chất thải và những độc chất tích tụ trong cơ thể. Khi thận mất đi một phần hoặc toàn bộ chức năng bình thường của chúng là suy thận. Khác với suy thận cấp, suy thận mãn là gần như suốt đời, người bệnh phải sống chung với căn bệnh quái ác này. Và khi thận suy kiệt - chỉ còn hoạt động từ 15% công suất của chúng (giai đoạn 4) trở xuống - thì người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận mới mong duy trì sự sống, mà ghép thận lại vô cùng tốn kém (tốn từ khoảng năm, bảy trăm triệu đồng trở lên); tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có nguồn thận để ghép nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm. Vậy nên, đa số bệnh nhân (BN) suy thận mãn giai đoạn 4 đều chọn phương pháp chạy thận nhân tạo để điều trị và tình cảnh của những BN này thật vô cùng thống khổ, nhất là đối với những người “tay trắng”...
...“Ngôi nhà” của chị Phạm Thị Thu, sinh năm 1956 rất đặc biệt so với khu vực chung quanh bởi nó có đến hai số (theo lời chỉ dẫn của nhiều người): 124 và 125. Sở dĩ như vậy vì nó “tọa lạc” ngay nhịp nghỉ của cầu thang lên tầng một thuộc lô O, chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM) và nằm giữa 2 căn hộ mang 2 số nêu trên. Vâng, nói là ngôi nhà vì đó là nơi cư ngụ của gia đình chị từ mấy chục năm nay nhưng thực chất diện tích toàn bộ ngôi nhà chỉ khoảng 5m2 (rộng khoảng 3,5m, dài khoảng 1,5m). Đây là diện tích mà đáng ra không ai được chiếm dụng để làm chỗ ở riêng vì nó thuộc lối đi chung, song do nhận thấy tình cảnh gia đình chị quá khó khăn nên chính quyền địa phương cũng như bà con lối xóm đều đồng tình cho chị tạm ngụ nơi ấy (một phần nhịp nghỉ cầu thang), lâu dần trở thành... nhà.
Chị Phạm Thị Thu trước hành lang chung cưChị ngồi đó, thu mình bên góc giường, đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt tuôn trào trong thinh lặng... Gần chục năm nay, đều đặn 3 lần/mỗi tuần, chị Thu phải đến bệnh viện (BV) để chạy thận nhân tạo và chị cũng chẳng có nguồn thu nhập nào ổn định. Cuộc sống của chị nương nhờ vào người em và lòng hảo tâm của bà con lối xóm. Thấy chị túng bấn, lại lâm cảnh ngặt nghèo, bà con lối xóm thương cảm cho khi thì mươi ký gạo, lúc thì vài chục, vài trăm ngàn đồng... Nhưng của cho không thể nào đều đặn nên cảnh thiếu hụt mãi tái diễn như điệp khúc buồn... Chồng chị, trước kia đạp xích lô nhưng nay sức yếu, lại ế ẩm nên anh chuyển qua làm thuê cho một cơ sở nhựa, mỗi ngày chỉ được 40.000 đồng! Chị cho biết thêm, trước kia chị được miễn hoàn toàn viện phí nhờ có mua bảo hiểm, nhưng thời gian gần đây chị phải đóng 20% trên tổng tiền viện phí theo Luật Bảo hiểm mới nên số tiền ấy xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng mà “người bệnh như tôi làm gì ra tiền!!.. Sống được ngày nào hay ngày nấy... Tôi cũng đã xin gia nhập Hội Bảo trợ người già - tàn tật ở địa phương để nếu có chết cũng còn có được cái hòm...”. Nói đến đây đôi mắt chị bỗng tròn xoe với gương mặt thất thần, u uẩn... Vâng, dẫu biết rằng cái chết rồi cũng sẽ đến song nhìn thấy tử thần đang rình rập quanh mình, chị Thu cũng không khỏi bàng hoàng, kinh sợ... Và chỉ mới đây thôi, do không tiền nên chị phải ngưng chạy thận hai lần cách khoảng. Và mỗi lần như vậy chị thấy người mệt lã, khó thở, sức khỏe kiệt quệ phải nằm một chỗ. Thấy vậy, bà con lối xóm bèn gom góp kẻ ít người nhiều đưa chị nhập viện... Nhờ vậy mà chị mới gắng gượng được đến ngày hôm nay... “Tôi đã được nhiều người cứu giúp. Ơn này tôi luôn ghi lòng tạc dạ cho đến khi về bên kia thế giới... Cầu mong cho mọi người luôn sức khỏe, bình yên...”, chị Thu thành tâm nói.
Và cũng tại chung cư Ngô Gia Tự này, số nhà 119, lô L, có đôi vợ chồng già cũng thật đáng thương, đó là ông Nguyễn Văn Mong, 71 tuổi và bà Dương Thị Tòng, 60 tuổi. Trước kia, bà Dương Thị Tòng bị tiểu đường kéo dài chục năm, rồi 6 năm trở lại đây, bà lại còn phải chạy thận nhân tạo thường xuyên mà cả hai vợ chồng đều tay trắng, sống nhờ lòng thương của các cháu. Trước kia, ông Mong làm đồng xe hơi, tạm nuôi sống vợ con qua ngày nhưng hơn 10 năm nay ông chẳng được ai thuê mướn nữa vì tuổi cao sức yếu, hơn nữa ông phải ở nhà chăm vợ bệnh... Lúc chúng tôi vào nhà, thấy ông vừa lui cui dưới bếp nấu cơm, vừa tranh thủ chạy lên nhà đút cháo cho đứa cháu nhỏ đang ốm phải nghỉ học nằm nhà. Còn vợ ông - bà Tòng - đang nằm thiêm thiếp trên nền gạch. Thấy khách đến, ông Mong lật đật tìm ghế nhưng “tìm” mãi cũng chỉ có một chiếc ghế nhựa thấp. Chúng tôi bèn ngồi cùng ông xuống nền gạch trò chuyện. Lâu sau, bà Tòng mới trở mình, ngồi dậy. Tuy nhiên, bà Tòng vẫn không nhận ra có khách đến nhà cho đến khi ông Mong kề tai bà nói lớn. Lúc ấy bà mới lên tiếng chào. Thì ra, không những bà bị tiểu đường, suy thận mà bà còn lãng tai nặng và đôi mắt chỉ còn thấy lờ mờ... Nuôi vợ bệnh gần 20 năm trời trong điều kiện kinh tế gia đình túng bấn, trông ông Mong chỉ còn da bọc xương... Cách đây 2 hôm, gặp ông trong BV 115 Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trong lúc chờ vợ chạy thận, thấy ông tất tả đi ra phía trước cổng, ngỡ có chuyện gì, chúng tôi liền bám theo... Hóa ra, ông tranh thủ đi xin 2 bịch canh từ thiện để dành cho vợ... Và cứ một tuần 6 bận, ông Mong chở vợ đi BV bằng chiếc xe gắn máy cũ nhưng trước khi đi ông phải lấy dây nịt buộc vợ lại chung với mình. “Sợ bả ngã ra đằng sau thì chết...”.
Em Thái Thị M.T và cha trong khuôn viên BV115Còn em Thái Thị M.T, 25 tuổi, vào tháng 10-2007, đang học tại trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM thì em phải chạy thận nhân tạo sau một thời gian bị nhức đầu do huyết áp tăng cao. Thế là bao dự định về tương lai em đành phải gác lại sau lưng... Hôm gặp em, từ phòng chạy thận ra trông em có vẻ mệt nhọc nhưng em cũng cố ngồi lại cùng cha để tiếp chuyện với chúng tôi. Được biết thêm, quê M.T ở Cai Lậy, Tiền Giang có cha vừa làm ruộng vừa làm thợ mộc. Để có thể đeo đuổi ước mơ của mình, em phải lên TP.HCM ở trọ, vừa làm vừa học. Nhưng nay thì sự học đã dở dang song em vẫn phải đi làm cho một siêu thị ở Bình Chánh để lấy tiền phụ cha mẹ lo thuốc thang cho mình. Từ khi con bệnh, cứ đến lịch là cha của M.T phải từ quê lên thành phố để đưa con vào BV chạy thận, xong, lại rước về nhà trọ... Gia đình thường khuyên M.T nên về quê nghỉ dưỡng nhưng em bảo: “Cảm thấy còn làm được thì cháu vẫn cố để phụ mẹ cha. Ơn sinh thành dưỡng dục chưa đền đáp được nay lại thêm gánh nặng cho nhiều người... Hơn nữa ở đây (ý nói là tại TP.HCM - NV) ngoài công ăn việc làm, còn thêm điều thuận lợi là gần BV chuyên khoa...”.
Đến giai đoạn phải chạy thận nhân tạo như M.T thì sức khỏe đã yếu đi rất nhiều song em vẫn cố bươn chải, cố đem hết sức lực còn lại của mình để chiến đấu với cuộc sống, chiến đấu với căn bệnh trầm kha này và mãi nhen nhúm tia hy vọng tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, dẫu rất mong manh...
Vâng, ở đời ai cũng muốn mình làm được ra tiền để có cuộc sống sung túc, không phải làm phiền đến người khác, nhưng số phận không may đã vận vào họ căn bệnh hiểm nghèo nên họ đang rất cần đến sự giúp đỡ của mọi người... Xin hãy thương những tình cảnh thống khổ này mà dang rộng vòng tay để sẻ chia, để cứu vớt mạng sống của họ thoát lưỡi hái tử thần oan nghiệt...
DẠ TRẦM