Những cặp đối hay trong các chùa ở Bình Dương

Cập nhật: 05-02-2016 | 18:05:32

Năm qua, ở tỉnh Bình Dương có một sự kiện văn hóa được giới khoa học và những bạn bè quan tâm đến tỉnh đánh giá cao và hết sức ngưỡng mộ. Đó là đề tài nghiên cứu khoa học “Tìm hiểu liễn đối Hán, Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương” được triển khai với nguồn kinh phí tài trợ của tỉnh. Đây là lần đầu tiên, một địa phương cấp tỉnh đã đầu tư để nghiên cứu bài bản, công phu và khoa học về liễn đối Hán, Nôm trong các đình, chùa, miếu địa phương.


Cặp đối số 46 ở chùa Hội Khánh.
Ảnh:
XUÂN THI

Kết quả nghiên cứu đề tài thật đáng ngạc nhiên: Các nhóm nghiên cứu đã khảo sát 99 cơ sở thờ tự, trong đó có 36 chùa Phật, 15 chùa Hoa, 9 đền Mẫu và 39 đình thần. Qua khảo sát đã ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa và thu hoạch được 949 hoành phi và chữ thờ, 1.225 cặp câu đối Hán, Nôm và 152 lạc khoản. Tổng cộng có hơn 20 vạn chữ Hán, Nôm đã được ghi chép khảo sát. Nhưng đáng ngạc nhiên và có giá trị cao hơn cả chính là những nội dung tư tưởng và các triết lý nhân sinh của nhiều thế hệ người dân đất Thủ Dầu Một - Bình Dương đã phát lộ rực rỡ sau lớp vỏ bọc ngôn ngữ Hán, Nôm phủ kín bụi thời gian.

Trong 1.225 cặp câu đối thu hoạch được, nhiều cặp câu đối hay đáng được mọi người chiêm ngưỡng, nhất là những cặp đối hay trong các chùa thờ Phật của người Việt. Một số cặp đối xứng đáng được đưa vào kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam.

Câu đối ở vị trí chánh điện chùa Trúc Lâm (TX.Dĩ An) viết:

Phiên âm:

Thiên chi đạo, nhân chi tình, thành, trụ, hoại, không, cổ kim như thị

Minh kỳ tâm, kiến kỳ tính, thường, lạc, ngã, tịnh, sinh diệt tùy duyên

Tạm dịch:

Đạo trời ấy, tình người ấy, thành, trụ, hoại, không, xưa nay là vậy

Minh tâm kia, kiến tính kia, thường, lạc, ngã, tịnh, sinh diệt tùy duyên

Đây là một câu đối hay và khó, nói về triết lý, tư tưởng của đạo Phật. Vế thứ nhất nói về 4 giai đoạn, 4 thời của thế giới, của vạn vật là thành (hình thành), trụ (tồn tại), hoại (hủy hoại) và không (trở về hư không). Đã là vạn vật trong vũ trụ này đều phải trải qua 4 giai đoạn trên, không có ngoại lệ. Vế thứ hai đề cập đến 4 đức của chân tâm: “Thường” là không thay đổi, không sinh diệt; “lạc” là không yêu ghét, là một niềm vui siêu thế; “ngã” là tự do tự tại và “tịnh” là trong sạch, không bị ô nhiễm, dù là sống giữa đời ô trọc. Triết lý thập nhị nhân duyên và Tứ diệu đế in khá đậm trong cặp đối hay này.

Trong một cảm khái thiền khác, quan niệm sắc, không đã được thể hiện sâu sắc trong cặp câu đối chữ Hán số 13, vị trí chánh điện, chùa Thiên Hưng (huyện Dầu Tiếng):

色即是空空即是色須信中性無罣碍

佛不離心心不離佛離云身外有菩提

Phiên âm:

Sắc tức thị không, không tức thị sắc, tu tín trung tính, vô quái ngại

Phật bất ly tâm, tâm bất ly phật, ly vân thân ngoại, hữu bồ đề

色即是空空即是色 - Sắc tức thị không, không tức thị sắc là một câu trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, còn sắc và không là hai phạm trù triết học sâu sắc của Phật giáo nhất là Thiền tông.

Tạm dịch:

Sắc tức là không, không tức là sắc, tin tưởng tu hành, tự do tự tại

Phật ở trong tâm, trong tâm có Phật, rời bỏ thân xác, giác ngộ chân tâm

Câu đối số 7, vị trí tam quan chùa Trúc Lâm tiếp tục quán định tinh thần vô quái ngại, triết lý sắc, không và chân như tính của Thiền:

Phiên âm:

Trúc thanh, tùng thanh, chung khánh thanh, thanh thanh vô ngại

Lâm sắc, thủy sắc, yên hà sắc, sắc sắc giai không

Trong vế trên tác giả đã khéo léo sử dụng 5 chữ thanh () để đối với 5 chữ sắc () của vế đối dưới. Âm và điệu của cặp đối gắn với luật bằng trắc của thể phú tạo sự thanh thoát không hề vướng bận của chân như.

Tạm dịch:

Tiếng trúc, tiếng tùng, tiếng khánh chuông, trăm tiếng chẳng lưu lại

Màu rừng, màu nước, màu mây khói, vạn màu đều là không

Về nguồn gốc, câu đối trên của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu chùa Từ Đàm (Huế) viết tặng chùa sư nữ Diệu Đức (Huế) nhưng Đại đức Thích Quảng Bình đã khéo léo thay chữ (sơn) bằng chữ (lâm) để quán thủ hai chữ đầu của câu đối thành Trúc Lâm là tên chùa.

Câu đối số12 vị trí mặt sau tường rào chùa Hưng Long cũng là một cặp đối hay thể hiện sâu sắc triết lý thiền tâm sắc không, vô thường, vô ngã:

穿

Phiên âm:

Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai, trần bất động

Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải để, thủy vô ngân

Dù thực dù hư, dù không dù sắc, như trúc ảnh tảo giai, như nguyệt xuyên hải để, tất cả chỉ là vô thường và vô ngã cho nên trần thì bất động, thủy chỉ vô ngân… Hình ảnh dùng trong cặp đối sống động và gần gũi, chữ nghĩa sâu sắc, thanh điệu chỉn chu.

Tạm dịch:

Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần vẫn tạnh

Là không là sắc, trăng xuyên đáy biển, sóng biển không nhồi


Cặp đối ở chùa Phổ Tịnh.
Ảnh:
XUÂN THI

Tương tự là cặp đối 58 ở chùa Hưng Long:

Phiên âm:

Nhạn đáo hàn đàm, nhạn át, đàm vô lưu ảnh

Phong lai sơ trúc, phong khứ, trúc bất di thanh

Tạm dịch:

Nhạn đến đầm nước lạnh, nhạn đi rồi đầm không lưu ảnh

Gió lùa khóm trúc thưa, gió cuốn xa trúc chẳng di thanh

Hình ảnh nhạn đáo hàn đàm và gió lùa sơ trúc gợi nhớ đến bài thơ “Phong lai sơ trúc” của Tô Đông Pha:

Phong lai sơ trúc,

Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.

Nhạn quá hàn đàm,

Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh...

Nhưng hình ảnh cánh nhạn lơ lửng trên trời cũng liên hệ với bài thơ Vô đề của một thiền sư nổi tiếng Việt Nam, người đã chấn hưng thiền phái Trúc Lâm sau thời Tam tổ, đó là thiền sư Minh Châu Hương Hải:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Cả hai bài thơ của Tô Đông Pha và thiền sư Hương Hải đều nói đến cảnh giới “tâm vô trú” của thiền môn. Cặp đối ở chùa Hưng Long nêu trên đã dựng lại hình ảnh của nhạn và phong, đàm và trúc trong thơ của người xưa thành một ý vị thiền lấp lánh giá trị sáng tạo văn học qua hình thức liễn đối.

Có lẽ sẽ thật vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi tiếp cận với cặp câu đối chùa Phước Hội (huyện Bàu Bàng) diễn tả nguyên lý vạn pháp như không của triết lý tính không bằng những hình tượng văn học sắc sảo:

Phiên âm:

Hương lô tuyết điểm tam thiên thao cự, bạch hào thế chủ mộng hồi, thố giác quy mao không vật ngã.

Bích lạc vân căn vạn tượng hàm dung, nguyệt tướng tâm hoa sơ phát, tằng nham tuyệt hác tịnh phong yên.

Dịch nghĩa:

Lò hương vừa bén xông cả tam thiên lên tới Đức Phật giúp ta giác ngộ vạn vật trên thế giới là không có thật.

Ngọn núi bị mây che vạn vật đều hiện lên cảnh đẹp hiển bày non nước sạch đẹp không khói mây (vạn vật thì đẹp nhưng bị mây che nên không thấy được).

Tạm dịch:

Lư hương tuyết điểm ba ngàn, xa lánh hào quang, thế chủ tỉnh cơn, sừng thỏ lông rùa người vật hão

Cõi biếc mây trườn vạn vẻ, bao dung trăng sóc, lòng xinh chớm nở, non cùng khe thẳm khói sương trong.

Đây là cặp đối rất hay, vừa chỉnh về luật đối vừa tài hoa về hình ảnh, ý tứ. Các khái niệm thố giác, quy mao trong kinh điển thượng thừa Phật giáo đã được sử dụng khéo léo và bình dị như câu nói ngày thường của dân chúng. Do nghĩa không cầu kỳ bí ẩn, phép đối lại chỉn chu nên cặp đối tạo được hiệu ứng cao.

Ở một cảm hứng khác, quan niệm vô thường, vô ngã được chuyển hóa vào đời người hình thành một quan niệm nhân sinh:

Phiên âm:

Vọng phi vọng, chân đa thùy chân, chuyển nhãn xuân thu tùy ư thệ thủy,

Lai bất lai, khứ tòng hà khứ, hồi đầu sinh tử đẳng chi không hoa.

Tạm dịch:

Dối hay thật, ai người chân thật, chớp mắt nhìn thời gian theo dòng nước chảy,

Đến hay không, đi theo về đâu, quay đầu thấy sống chết như loài hoa không.

Đây là một cặp đối khá hay cả về chữ, thanh và ý: vọng chân, lai khứ, vọng phi vọng lai bất lai, chớp mắt nhìn thời gian theo dòng nước chảy, quay đầu thấy sống chết như loài hoa không. Nội dung cặp đối là sự cảm thán giác ngộ ý tưởng thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã.

Trong những cặp đối hay thiền môn, nhiều người tỏ ra rất thích cặp câu đối số 17, vị trí gian thờ phật Di Lặc chùa Pháp An diễn tả phong thái ung dung tự tại của tâm thường, lạc, ngã, tịnh:

腹大能容容天下難容之物

口開常笑笑世間可笑的人

Phiên âm:

Phúc đại năng dung, dung thiên hạ nan dung chi vật

Khẩu khai thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu đích nhân.

Tạm dịch:

Bụng to biết chứa, chứa vật khó chứa của thiên hạ

Miệng mở luôn cười, cười người đáng cười ở thế gian.

Đây là một câu đối hay, thâm thúy và đa nghĩa. Chỉ hình dáng của phật Di Lặc: bụng to, miệng cười, cũng dùng để chỉ sự khoan dung, độ lượng của Phật. Nội dung cặp đối này được nhắc lại trong cặp đối khác ở chùa Phổ Tịnh (TP. Thủ Dầu Một):

口笑欣歡無腦無憂真福相

腹肥充滿可嶙可愛大悲心

Phiên âm:

Khẩu tiếu hân hoan, vô não vô ưu, chân phúc tướng

Phúc phì sung mãn, khả lân khả ái, đại bi tâm.

Tạm dịch:

Miệng cười vui vẻ, không buồn không muộn là chân tướng Phật

Bụng to no tròn, biết thương biết yêu là tâm đại từ bi.

Hai cặp đối miêu tả Phật Di Lặc nêu trên được nhiều người thích vì đã diễn tả rất đúng nét thiền của Phật trong đời thường của chúng sinh bình dân qua hai từ dung và tiếu. Phải có đủ cả dung và tiếu. Chỉ có dung không có tiếu hay ngược lại đều không phải là thiền theo nét của Di Lặc. Chỉ bằng hai chữ nêu lên cả một dáng thiền, nghệ thuật đối liễn Thủ Dầu Một xem ra còn sẽ phải tiếp tục chiêm ngưỡng dài lâu.

Phần cuối của bài viết này sẽ đề cập đến hai cặp đối sắc sảo của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người kể rằng trong những ngày lưu lạc sinh sống ở Nam bộ, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có quan hệ khá thân thiết với chư tăng Phật giáo Nam kỳ và có thời gian trú ngụ, hoạt động yêu nước ở chùa Hội Khánh. Trong nhiều cặp đối của Cụ Phó bảng, có hai cặp đối sau đây được nhiều người quan tâm. Câu đối số 46 ở chùa Hội Khánh thể hiện rõ tinh thần tam giáo đồng tâm:

恕念

勞君

Phiên âm:

Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng Nho Thích Đạo, tam giáo đồng tâm

Hiệu khuông sừ, cần mẫn lệ, động cù lao Quân Sư Phụ, nhất bang kiệt lực.

Tạm dịch:

Hết lòng với đạo trung thứ, nhớ mãi đức từ bi, lo toan Nho, Phật, Lão cảm ứng đồng tình

Ra sức giữ, mãi siêng năng, báo đáp công ơn Quân, Sư, Phụ một phen ra sức.

Tư tưởng đồng tâm hiệp lực cả Nho, Phật, Lão vì nước vì dân ra sức sáng danh là một tư tưởng lớn đương thời trong xã hội thuộc địa đã làm cho giá trị nội dung của cặp đối đạt đến trình độ minh triết. Nhưng nét xinh đẹp của nghệ thuật sử dụng chữ nghĩa trong cặp đối đã làm nhiều bậc thâm nho cúi đầu thán phục khi tác giả đã khéo léo xếp đặt 10 chữ có bộ tâm và một chữ tâmnằm cuối câu ở vế đối trên đã đối rất chỉnh với 10 chữ có bộ lực và một chữ lựcnằm cuối câu ở vế đối dưới. Những cặp đối có tư tưởng và chữ nghĩa trác tuyệt như vậy không có nhiều trong văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc.

Một cặp đối khác của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng treo ở chùa Hội Khánh đã từng làm rúng động giới chữ nghĩa đương thời, cả Phật gia và thức giả:

Phiên âm:

Đại đạo quảng khai, thố giác khiêu đàm để nguyệt

Thiền môn giáo dưỡng, quy mao thằng thụ đầu phong.

Tạm dịch:

Phát triển đạo lớn như dùng sừng thỏ mò trăng nơi đáy nước

Giáo dưỡng cửa thiền như lấy lông con rùa cột gió ở ngọn cây.

Đây là cặp đối do Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sáng tác vào những năm 20 của thế kỷ trước, khi mà phong trào chấn hưng Phật giáo đang diễn ra mạnh mẽ nhằm cố gắng chấn chỉnh những tiêu cực và suy thoái trong một bộ phận tín đồ và tăng ni Phật giáo Việt Nam. Trong cặp đối này, niêm luật của phép đối được tuân thủ nghiêm túc, 9 chữ của vế trên đối khá chuẩn cả về thanh và từ với vế đối dưới. Các mặc định tượng trưng cho Phật giáo như đại đạo quảng khai hay thiền môn giáo dưỡng đều là những từ ngữ thường dùng. Tuy nhiên, hình ảnh thố giác khiêu đàm để nguyệt quy mao thằng thụ đầu phong gây rúng động về hiệu ứng đối với người đọc. Thỏ làm sao có sừng cũng như rùa sao lại có lông? Vì sao tác giả lại đem hình ảnh này vào đây trong ngữ cảnh của thiền môn, đại đạo? Cơn địa chấn cảm ngộ tiếp tục gây rúng động với cường độ mạnh hơn: cho dù sừng thỏ có thật thì làm sao có thể dùng sừng thỏ mò trăng đáy nước; cho dù rùa có mọc lông thật thì làm sao có thể lấy lông rùa cột gió ở ngọn cây? Đây rõ ràng chỉ là thủ pháp huyễn ngữ, tạo ra những hình ảnh và sự việc phi lý, không có thật của tác giả. Nhưng nhằm mục đích gì? Nếu suy gẫm thêm, gắn với tình hình Phật giáo đương thời thì người đọc sẽ nghiêng mình bái phục trí tuệ minh triết của tác giả cặp đối. Trong tình hình Phật giáo suy đồi, mọi cố gắng dựng thêm nhiều chùa to, tập hợp thêm tăng chúng chỉ là không thể, vô ích và phi lý. Phải trở về với chân thiện mỹ của đạo Phật, lấy kiến tánh, minh tâm, thực hành bát chánh đạo, thành tâm hướng về bát nhã mà dẫn dắt tâm mình đến với thường, lạc, ngã, tịnh… Tư tưởng này không có gì cao xa, ngược lại rất giản dị và hiện thực. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã dùng ngay chính các khái niệm của kinh điển Phật giáo thượng thừa như thố giác, quy mao và các biểu tượng phi thực như khêu đàm để nguyệt (mò trăng đáy nước), thằng thụ đầu phong (cột gió ngọn cây) để nhắc nhở, chấn chỉnh mọi người theo đúng chính đạo của Phật.

Công việc tìm hiểu, học hỏi và chiêm ngưỡng, thưởng thức nội dung và giá trị văn hóa của đối liễn Hán, Nôm ở Bình Dương vẫn còn tiếp tục. Giới thiệu một số cặp đối hay trong các chùa ở Bình Dương là một khâu trong chuỗi công việc đó. Hy vọng bài viết này đem đến cho người đọc niềm vui thanh nhã trong ngày xuân.

TS. HUỲNH NGỌC ĐÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2590
Quay lên trên