Những câu chuyện kể về Bác Hồ

Cập nhật: 22-06-2012 | 00:00:00
37. Bác Hồ với các nhà báo >>Kỳ trướcTrước năm 1954, tại Chiến khu Việt Bắc, mấy anh em nhà báo có tăng gia được mấy cây cải lớn sang biếu Bác. Ở rừng thiếu rau lắm, Bác hỏi: Tại sao cây rau to? Sau khi nghe anh em trình bày, Bác nói: “Các chú làm báo cũng như trồng rau, phải chọn chỗ đất nào tốt nhất trồng rau cho cây rau mau to. Các chú làm báo cũng phải chọn đề tài, chọn vấn đề tức là chọn chỗ, chọn việc, làm sao cho phát triển như cây rau, mới thành công”. Nhà báo Trần Quang Huy qua nhiều năm làm báo, rất thấm thía những lời dạy của Bác. Năm 1960, nhà báo Trần Kiên, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Mát-xcơ-va kể: “Một buổi sáng tháng 11-1960, đọc báo Văn học Liên Xô tôi rất vui mừng thấy có đăng bài của Bác Hồ viết về nhà văn nổi tiếng Lép Tôn-xtôi. Bài của Bác ngắn gọn, đọc rất hay và xúc động. Tôi bàn với đồng chí phiên dịch người Nga dịch bài đó sang tiếng Pháp, rồi tôi vội vàng dịch bài báo sang tiếng Việt và điện về nhà... Bài báo được đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 21-11-1960. Vài hôm sau, Bác đến thăm Đại sứ quán ta. Tôi vội cầm máy ảnh sang đón Bác. Thấy tôi, Bác hỏi:- Chú là phóng viên thường trú phải không?- Dạ, thưa Bác vâng ạ!- Bác vừa nhận được Báo Nhân Dân... Sao bài của Bác thiếu một câu...?Tôi giật thót mình. Trời lạnh mà người toát mồ hôi. Tôi nhận lỗi và Bác dịu dàng dặn:- Làm việc gì cũng phải chu đáo, cẩn thận!Cũng tại Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Quang Đạm kể, một hôm Bác gọi tới hỏi: - Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?Nhà báo Quang Đạm thưa:- Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo; thời kỳ ở Cục Thông tin Bộ Tổng Tham mưu, cháu chuyên làm mật mã...Bác cười: - Trước chú làm mật mã, tức là chú viết một cái gì mà không ai nắm được luật, thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm báo thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được.Năm 1951, bắt đầu có thuế nông nghiệp, sau đó giảm tô, giảm tức. Đồng chí Hà Xuân Trường có viết một truyện ký với đầu đề “Thửa ruộng vỡ hoang” nói về sự nghèo khó của người nông dân, không có ruộng phải đi làm thuê, sau đó cách mạng chia ruộng đất đăng suốt nhiều kỳ trên Báo Nhân Dân. Bác đọc suốt cả 4 số báo, rồi viết thư sang cơ quan báo  hỏi: “Còn dài nữa không? Viết gòn gọn chứ!...”.Mọi người hiểu ý Bác nhắc như vậy là rất đúng, Báo Nhân Dân lúc đó khổ hẹp, chưa ra hàng ngày, mà cho đăng bài dài như vậy, làm hạn chế bao nhiêu bài, tin tức cập nhật cần thiết hơn. Nhà báo Thanh Phong, nguyên phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nghệ An kể lại. Năm 1961, Bác về thăm quê. Lúc Bác đang tần ngần, nước mắt rơm rớm bước vào ngôi nhà lá đơn sơ mà Bác đã từng sống trong những ngày thơ ấu, đoàn người đi theo im lặng, không ai muốn phá vỡ những phút thiêng liêng đó, thì bỗng có tiếng “roạt”... Thì ra một nữ phóng viên nhiếp ảnh muốn chụp được hình ảnh của Bác trước ngôi nhà cũ, đã trèo lên đống rạ giữa vườn để chụp, chẳng may đống rạ bị đổ. Cô phóng viên hốt hoảng lắm, song Bác bước ngay lại, đỡ cô lên và trìu mến hỏi: - Cháu có đau không? Lần sau cẩn thận nhé!Rồi Bác bảo tiếp:- Cháu chưa chụp được ảnh phải không? Bây giờ cháu chụp nhé!Nói xong, Bác trở lại chậm rãi bước trước cửa nhà để cô phóng viên chụp bức ảnh theo ý muốn.Qua các mẩu chuyện trên, Bác đã chỉ bảo rất cụ thể những chi tiết về nghiệp vụ làm báo cả tình yêu thương của Bác dành cho các nhà báo nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung... Bởi chính Bác là nhà báo lớn, người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.H.D (tổng hợp)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên