Những chiếc cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào
Lễ ký kết thỏa thuận cổ đông và Điều lệ Công ty TNHH Điện Xekaman 3 giữa Tổng Công ty Điện lực Lào (EDL) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt – Lào (VLPID) (ảnh do ông Vũ Thanh Danh cung cấp)
Trong những ngày lưu trú tại Lào, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, ấm áp tình cảm của những Việt kiều. Việt - Lào, 2 quốc gia không chỉ gần gũi về địa lý mà còn ở mối quan hệ lịch sử đoàn kết, gắn bó lâu đời. Như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngợi ca: “Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.Những thế hệ người Việt sinh sống trên đất bạn Lào
Trong buổi trò chuyện với một số Việt kiều cư trú ở thị trấn Pakxane - thủ phủ tỉnh Borikhamxay, ông bà Cao Văn Tuyền (người gốc tỉnh Quảng Bình) cho biết: Bà con Việt kiều ở Lào đa số là những người đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thật thú vị khi trò chuyện cảm nhận thấy ông bà Tuyền đều nói giọng Quảng Bình.
Ở tỉnh Borikhamxay có khoảng hơn 300 Việt kiều đang sinh sống, thuộc diện ít nhất so với cộng đồng người Việt ở thủ đô Vientiane và các tỉnh Savannakhet, Pakse, Champasak... tất cả họ đều vẫn đang sử dụng tiếng mẹ đẻ khi sinh hoạt trong gia đình, chỉ nói tiếng Lào khi ra ngoài xã hội và đều một lòng nhớ về quê hương xứ sở, đất mẹ Việt Nam.
Doanh nghiệp (DN) Việt kiều
Ông Vũ Thanh Danh, SN 1952, người gốc Quảng Bình, từng là lính Trung đoàn 176 (Quân khu IV), hiện đang sinh sống, kinh doanh khá thành đạt ở tỉnh Borikhamxay. Ông là Ủy viên Hội Người Việt kiều tại Lào: Bà con Việt kiều ở Lào hiện có hơn 20.000 người, chủ yếu sống bằng nghề buôn bán, kinh doanh, thợ thủ công và nông nghiệp, cư trú rải rác nhiều địa phương ở Lào; ở thủ đô Vientiane có khoảng hơn 5.000 người, tỉnh Savannakhet miền Trung Lào khoảng 6.000 người, đông cộng đồng người Việt nhất thuộc khu vực Nam Lào như tỉnh Champasak (khoảng 7.000 - 8.000 người)... Theo ông Danh, bà con Việt kiều qua Lào sinh sống vốn cần cù, chịu thương chịu khó, nên dù nền kinh tế Lào chưa phát triển mạnh, còn nhiều khó khăn, nhưng đa phần bà con vẫn có một cuộc sống tương đối khá giả.
Một góc thủ đô Vientiane2 quốc gia Việt - Lào vốn có truyền thống quan hệ anh em, bạn bè, đồng chí, nên trong chính sách đãi ngộ, Nhà nước Lào rất quan tâm, tạo điều kiện để Việt kiều được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Lào. Trong kháng chiến trước đây, bà con Việt kiều đã góp một phần máu xương chống ngoại xâm giành độc lập cho cả 2 dân tộc, nay trong hòa bình hợp tác họ lại trực tiếp góp công sức, của cải và trí tuệ của mình để xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt 2 nước. Tất cả các hội của Việt kiều ở các địa phương trên lãnh thổ Lào đều là thành viên của Mặt trận Lào xây dựng đất nước.
Bản thân ông Vũ Thanh Danh hiện là chủ một DN chuyên kinh doanh đúc, cán các loại thép xây dựng, xi măng... ở ngay thị trấn Pakxane.
Khi nói về hoạt động của các doanh nhân Việt kiều tại Lào, ông Danh cho biết, các DN Việt Nam sang tìm hiểu thị trường làm ăn tại Lào có thể đầu tư vào những lĩnh vực: khai khoáng, thủy điện, trồng cao su, khai thác chế biến gỗ... Hiện, các DN của người Việt tại Lào chủ yếu là DN nhỏ và vừa, cần sự chia sẻ, trợ giúp liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn từ các DN và tập đoàn kinh tế lớn từ quê nhà. Đây cũng là điều chúng tôi được anh Khăn Hùng Vi Lay Oong (tên Việt Nam là Nguyễn Doãn Hồng), gốc quê tỉnh Hà Tây cũ, sinh ra tại Savannakhet, hiện gia đình đang kinh doanh tại khu chợ lớn ở trung tâm Thủ đô Vientiane, tâm sự: “Phải biết tập hợp, đoàn kết lại và cần sự quan tâm, trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hội Người Việt Nam và từ chính các DN và tập đoàn kinh tế lớn Việt Nam. Có như vậy, mới tạo được thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam tại Lào, xây dựng mối quan hệ hợp tác Việt - Lào, Lào - Việt ngày càng hiệu quả và vững chắc hơn...”.
THANH TÂN - BÁ PHÚ