LTS: Trong thời chiến, những chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa đã dùng tranh, ảnh, bài viết, âm nhạc của mình để chiến đấu, sát cánh bên chiến sĩ ngoài mặt trận. Tất cả cùng nhau đi đến thắng lợi cuối cùng. Và, thế hệ văn nghệ sĩ trẻ cũng tiếp bước cha anh trong tinh thần trách nhiệm sáng tác để ngợi ca, xây dựng quê hương. Kể từ số báo này, báo Bình Dương giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về những chiến sĩ - nghệ sĩ, những ca khúc cách mạng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Bài 1: Họa sĩ Lê Khánh Thông: “Tác phẩm phải “tiếp lửa” cho chiến trường”
Khi những chiến sĩ mang súng ra chiến trường đối mặt trực tiếp với quân thù để giành lại từng tấc đất cho quê hương thì họ cũng đấu tranh không mệt mỏi trên mặt trận văn hóa. Bằng cách này hay cách khác, họ đều xứng đáng là những người chiến sĩ cách mạng góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng…
Họa sĩ Lê Khánh Thông bên bức tranh “Hướng về biển đảo Việt Nam”.
Ảnh: Q.NHƯ
Khi tôi đến nhà, họa sĩ Lê Khánh Thông, sinh năm 1943, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đang hoàn tất phần việc cuối cùng cho bức tranh sơn dầu mới nhất của ông. Ông nói làm cho kịp để triển lãm do Hội VHNT tỉnh tổ chức vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Bức tranh có chủ đề “Hướng về biển đảo Việt Nam”. Bức tranh sơn dầu, khổ 1,2mx0,9m ông vẽ trong hơn 3 tháng qua. Nhìn tổng thể bức tranh như một lời kể về lịch sử dân tộc Việt Nam. Tranh miêu tả một bà mẹ Việt Nam anh hùng đang kể cho các thế hệ con cháu nghe về lịch sử đất nước qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Và, tiếp bước truyền thống cha ông, nơi mõm núi nhìn ra biển kia là những thế hệ chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời. Cuộc chiến giành nước và giữ nước như không bao giờ được phép quên, không bao giờ nguôi đau đáu trong tất cả những người dân Việt.
Ngược về quá khứ, họa sĩ Lê Khánh Thông, kể: “Cuối năm 1965, tôi cùng bạn bè ở cơ quan Bộ Văn hóa được chọn đi B chiến đấu bằng ngòi bút của mình. Kỷ niệm được gặp Bác Hồ trước khi vào chiến trường luôn là nguồn động viên tôi cũng như anh em, đồng đội. Tôi có tên vào chiến trường các tỉnh miền Nam nhưng trên đường đi, đồng chí Nguyễn Văn Núi hy sinh vì bị sốt rét ác tính. Thế là tôi được giữ lại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Học báo chí xong, tôi cùng đồng đội làm báo, viết bài gửi về Hà Nội. Những bài báo với thông tin nóng hổi từ chiến trận, những bài báo được in bí mật trở thành nguồn động viên tinh thần cho chiến sĩ, đồng bào”. Họa sĩ Lê Khánh Thông kể thêm, tuy là làm báo nhưng chỉ có 4 anh em gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Thanh Hải và ông chịu trách nhiệm từ hình ảnh, bài viết, tranh biếm họa và in ấn, phát hành. Điều đáng quý là đi đến đơn vị nào ông cùng các nhà văn, nhà thơ cũng được chiến sĩ, đồng bào cưu mang, che chở. Có khi chiến sự ác liệt, ông được các chiến sĩ đè lên người để che chở, để bảo vệ nguồn tin bởi “để cho địch bắt được văn nghệ sĩ thật nguy hiểm bởi rất nhiều tài liệu, hình ảnh từ vùng căn cứ sẽ bị lộ…”.
Có khi, họ là những chiến sĩ, nghệ sĩ tay súng tay bút. Ra chiến trường, họ là người lính được trang bị súng, đạn như bao anh bộ đội Cụ Hồ khác. Và, chiến sự tạm ngưng, họ mới vẽ tranh, viết bài thật nhanh cho kịp giờ phát sóng. Sự sống chết thật quá mong manh nên có những đơn vị bộ đội, vài tháng ông mới trở lại. Gặp ông các chiến sĩ mừng lắm, bởi họ tưởng ông đã hy sinh rồi.
Nói về tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, họa sĩ Lê Khánh Thông nói: “Chúng tôi không được phép nao núng tinh thần bởi như thế rất ảnh hưởng đến sức chiến đấu của chiến sĩ. Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng là rất quan trọng. Với tôi, đó còn là lời hứa với Bác nên tôi luôn giữ vững niềm tin, chiến đấu bằng ngòi bút, bằng tác phẩm của mình…”.
Ngày 30-4-1975, trong niềm hân hoan đến tột cùng của ngày chiến thắng, họa sĩ Lê Khánh Thông vẽ bức tranh “Cùng chung một nước” nói lên sự thống nhất, hòa bình và niềm vui của bà con các dân tộc, tình quân dân giữa các chiến sĩ cùng người dân đã cưu mang họ. Cho đến nay, cảm xúc của ngày 30-4 lịch sử vẫn nguyên vẹn trong ông để ông vẽ nên những bức tranh thật ý nghĩa, sinh động và đầy tự hào…
Bài 2: Sức mạnh từ những bức ký họa
QUỲNH NHƯ