Bài 3: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những bài ca cách mạng
Các nhạc sĩ (NS) cùng thời đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý… ngày nào giờ đã là những cán bộ lão thành. Thế nhưng, nói về những ca khúc cách mạng hừng hực khí thế, ai nấy như tươi trẻ lại.
NS. Nguyễn Văn Tý (bìa phải) trò chuyện cùng thầy thuốc Lê Hưng
NS Nguyễn Văn Tý “tạm quên” ca khúc “Dư âm” nổi tiếng để chuyện trò về các bài hát ông viết vào những năm 1960, 1970. Theo ông, đó là một thời đầy tự hào khi đi và viết về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. NS Nguyễn Quang Vinh, Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc TP.HCM cũng cho biết, ngôi nhà chung của hội là nơi gặp gỡ các thế hệ NS để cùng nói về âm nhạc một thời, về cuộc sống hiện nay của mỗi người.
NS Nguyễn Văn Tý cho biết, ông sinh năm 1924 tại Nghệ An, nguyên quán ở Vĩnh Phúc. Nay đã hơn 91 tuổi, nhưng trông ông còn rất minh mẫn và khi nhắc đến âm nhạc, ông lại nói say sưa. NS Nguyễn Văn Tý bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Liên khu IV. Năm 1948, ông ở Đoàn Văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn Cục. Từ đầu năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm Trưởng đoàn. Năm 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Thời kỳ này, ông viết bài tình ca Dư âm nổi tiếng. Đầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, ông đã viết một số ca khúc cách mạng như Chim hót trên đồng đay, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn… Năm 1967, ông về Hội NS Việt Nam. Và từ năm 1975, ông chuyển về Viện Nghiên cứu âm nhạc, Bộ Văn hóa, cơ sở II tại TP.Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Tý là một NS có bề dày đáng trân trọng trong sáng tác ca khúc. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn một thời.
Riêng giai đoạn chống Mỹ, các tác phẩm chính của ông có thể kể đến như: Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Em đi làm tín dụng (1971), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974)… Bài “Tiễn anh lên đường” có những câu nhắn nhủ của hậu phương cho người ra chiến trường: “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người em yêu/ Việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu/ Em sẽ làm tròn, anh cứ yên tâm, vững bước anh lên đường/Non nước nơi nơi lớp lớp đang lên đường/Mối thù tạc dạ, can trường anh nêu chí người trai/ Quyết không bao giờ lui/Căm thù giặc Mỹ sục sôi/ Anh ra nơi tiền tuyến, em vào dân quân/Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền/Thế quyết đánh tan giặc Mỹ, Nam Bắc nối liền, ta sẽ gần nhau…”. Nói thêm về nhạc phẩm này, NS Nguyễn Văn Tý cho biết, bài hát như một lời động viên, thúc giục thế hệ thanh niên lên đường làm nhiệm vụ với quê hương, đất nước. Tình yêu trong bài hát đã được nâng lên không còn là tình yêu trai gái mà là tình yêu non sông, dân tộc của những người con dân nước Việt khi anh “ra nơi tiền tuyến, em vào dân quân…”.
NS Nguyễn Văn Tý đã nhận được các giải thưởng nghệ thuật cho âm nhạc. Ông cũng được nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì (1984) và vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật do Nhà nước trao tặng năm 2001. Những ngày cuối đời ông cũng được nhiều người thăm hỏi, giúp đỡ. Ông từng về Bình Dương điều trị bệnh trong sự hỗ trợ kinh phí từ các Mạnh Thường Quân là người yêu mến dòng nhạc của ông.
Bài 4: NS Phan Huỳnh Điểu: Người làm nhạc cách mạng... trữ tình!
QUỲNH NHƯ