Những chiến sĩ văn hóa áo xanh...

Cập nhật: 02-07-2010 | 00:00:00

  Một cảnh trong phimCó dịp theo chân các anh trong đội chiếu phim lưu động thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, mới cảm nhận được nỗi vất vả của những con người thầm lặng ấy trên hành trình mang món ăn tinh thần đến với bộ đội và bà con vùng sâu, vùng xa. Ở mỗi nơi đến, các anh đều để lại những kỷ niệm đẹp trong lòng mọi người...

Đâu cần các anh có...

Đội chiếu phim lưu động của Bộ CHQS tỉnh có 3 người gồm: 1 đội trưởng là Trung tá Hoàng Văn Nụ, 1 tài xế kiêm kỹ thuật là Đại úy Nguyễn Thanh Lan và 1 nhân viên chiếu phim là Thiếu úy Võ Tiến Dương. Cứ mỗi lần có lịch đi chiếu phim lưu động phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và bà con vùng sâu, vùng xa là các anh lại hăm hở lên đường, dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn nhiều gập ghềnh và thời tiết không bao giờ chiều theo ý người.

Sáng, các anh vẫn đến đơn vị làm những công việc chuyên môn. Những hôm có lịch chiếu, các anh còn làm thêm nhiệm vụ của những người chiếu phim. 14 giờ chiều, các anh đã tất bật chuẩn bị triển khai máy móc, thiết bị cho một chuyến đi chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong tiết trời oi bức của những ngày cuối tháng tư, dù chỉ mặc chiếc áo mi dô và quần cộc nhưng anh nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Phải chịu thôi, 15 giờ đã lên đường nên phải chuẩn bị đồ nghề đâu ra đó mới yên tâm chứ. Rồi còn phải kiểm tra máy móc trước xem có bị trục trặc gì không. Đồ nghề phục vụ một buổi chiếu phim, gồm: bộ máy chiếu, đầu máy phóng, ampli, loa, bánh phim nhựa, bộ khung của màn ảnh rộng 3x4m... Nhìn 9 thùng sắt nặng trịch dùng để đựng đồ nghề chiếu phim mà các anh khệ nệ bưng lên xe, mới hiểu được chiếu phim phục vụ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên đã tin tưởng giao cho các anh.

Sau khi các thiết bị máy móc đã được kiểm tra và chất lên xe, đúng 15 giờ, đội chiếu phim lưu động trong trang phục áo xanh màu lính thẳng tiến về hướng Trung đoàn 271 (thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7) tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo. Trời kéo mây chuyển giông, không một cơn gió, không khí trở nên oi bức hơn. Ngồi chung trong chiếc xe bít bùng cùng với các anh, mới thấy hết sự vất vả trong công việc mà các anh đang làm. Tôi cứ tưởng mình đang ở trong phòng xông hơi. Nhìn ai cũng mồ hôi tuôn ra như tắm. Vậy mà các anh vẫn cười rất tươi: “Em mới đi nên không quen chứ các anh quen rồi nên thấy cũng bình thường”.

 Chặng đường từ Bộ CHQS tỉnh lên địa điểm chiếu phim dài hơn 50km. Nhiều đoạn đường mới vừa làm xong phẳng lì, nhưng cũng có nhiều  đoạn đang thi công nên bụi mù mịt và gập gềnh ổ gà, ổ voi. Chiếc xe chở đội chiếc phim cũng lạ, đường đẹp hay xấu cũng đều lắc lư rất khó chịu. Tôi thấy nơi cổ họng mình cứ dờn dợn. Mỗi lần xe gặp ổ gà xốc lên là tất cả đồ ăn mà lúc trưa tôi mới nạp vào như chực trào ra hết. Thấy thế, mấy anh trong đội nói vui, có lắc lư như thế mới gọi là xe của chiến sĩ chứ. Trung tá Hoàng Văn Nụ, cho biết: “Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cứ nghĩ tới cảm giác vui thích của khán giả khi xem phim thì dù có vất vả hơn anh em trong đội cũng luôn vui vẻ vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Đường sá gập ghềnh là thế nhưng theo các anh điều đó không có gì đáng ngại. Chỉ lo là lo về mặt thời tiết mưa gió thất thường. Nắng có đổ lửa thì anh em cũng chỉ đổ mồ hôi ướt áo thôi. Còn mưa gió mới đúng là đáng lo. Bởi người có thể ướt, chứ máy móc ướt một cái là thua luôn.

Mệt mà vui

Cuối cùng, chiếc xe chở đội chiếu phim cũng đến tận địa điểm xác định ban đầu. Chưa kịp nghỉ ngơi, các anh em đã vội vàng bắt tay ngay vào công việc. Những thùng sắt đựng đồ nghề lần lượt được chuyển xuống. Người ráp máy, người dựng màn hình... làm riết rồi nên ai lo việc nấy, không phải hỏi han gì. Đúng là con nhà lính, động tác của các anh rất nhanh nhẹn, nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp. “Trong đội chỉ có 3 người nên phải tranh thủ mới kịp giờ chiếu phim phục vụ chiến sĩ”, vừa làm anh Nụ vừa nói với chúng tôi.

Đã được thông báo trước nên khán giả đến xem phim khá đúng giờ. Đúng 19 giờ, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 đã tập trung đông đủ trước sân khấu trung tâm của trung đoàn để chuẩn bị xem phim. Ở buổi chiếu phim nào cũng vậy, chương trình phục vụ đều có 2 phần: phim tài liệu và phim truyện. Phim tài liệu thường là những bộ phim có nội dung về lịch sử, về truyền thống quân đội... Còn phim truyện là những bộ phim nhựa đang được công chiếu tại các rạp trên cả nước. Hôm nay, đội chiếu phim sẽ chiếu phục vụ các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 một bộ phim tư liệu về chiến tranh Khe Sanh ở tỉnh Quảng Trị và một bộ phim nhựa ăn khách đang được công chiếu tại các rạp lớn là “Cú và chim se sẻ”. “Cú và chim se sẻ” là phim nhựa đầu tay của đạo diễn Stephane. Không khắc họa Việt Nam ở góc độ lịch sử, chiến tranh và cũng không nhìn qua lăng kính lãng mạn như nhiều đạo diễn Việt kiều khác, Stephane ghi lại hình ảnh Sài Gòn ở góc nhìn đương đại, ồn ào, hối hả với những con người rất thực. Ba nhân vật trong phim đều là những người mà đạo diễn đã gặp và ấn tượng khi đến Việt Nam. Đó là một cô bé mồ côi trạc 10 tuổi mặc đồng phục học sinh bán hoa hồng trên đường phố, một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp và một anh chăm sóc sở thú thất tình nhưng chân chất, thật thà. Và rồi họ đã gặp nhau, để rồi sau đó cuộc đời mỗi người đều có sự thay đổi mới...

Hình như lâu lâu mới có đoàn phim về phục vụ như thế này nên không khí thật náo nức, thỉnh thoảng các chiến sĩ lại hò reo, cười ồ lên... trước những tình tiết dí dỏm trong phim. Anh Dương Công Lực, Chính ủy Trung đoàn 271, nói rằng, những bộ phim mà đội chiếu phim mang đến phục vụ tối nay rất ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu giải trí của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Chăm chú theo dõi xong bộ phim “Cú và chim se sẻ”, chiến sĩ Lê Duy Trường (tiểu đội 7), cho biết: “Đây là một bộ phim kết thúc có hậu với nhiều tình tiết gần gũi với đời thực. Qua đó, tôi cảm nhận được sự sẻ chia và bù đắp tình yêu cho nhau của những người xa lạ giữa một Sài Gòn hối hả, ồn ào có đến 8 triệu dân. Ở trong môi trường quân ngũ mà được các anh đến chiếu phim phục vụ như thế này thì vui còn gì bằng...”. Được các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 đón nhận như thế là đội chiếu phim đã thành công rồi. “Những lúc ấy, sự mệt nhọc suốt chặng đường dài mà anh em mới trải qua dường như cũng tan biến hết. Đó chính là niềm vui trong nhiệm vụ, giúp chúng tôi gắn bó với công việc, với những chuyến đi ý nghĩa như thế này nhiều hơn nữa...”, anh Nụ tâm sự. Được làm cái công việc mang thông tin, niềm vui đến với người khác thông qua những bộ phim tài liệu, phim truyện nên các anh xem đây là một nhiệm vụ đặc biệt riêng có của mình. Đó là nhiệm vụ cao cả của những người chiến sĩ áo xanh trên mặt trận văn hóa. Thế nên, điều đọng lại sau mỗi chuyến đi không phải là nỗi vất vả, khó nhọc mà là tình cảm khán giả dành cho anh em trong đội, thể hiện qua việc họ đến xem phim lúc nào cũng đông đảo và vui vẻ khi ra về.

Bình quân mỗi tháng các anh phục vụ khoảng 27 điểm chiếu tại 18 đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 7.000 lượt người xem. Khán giả ngoài cán bộ, chiến sĩ bộ đội, còn có bà con nhân dân địa phương. Đêm nào cũng thế, chiếu xong phim, các anh còn phải thu dọn đồ nghề nên về tận nhà có sớm lắm cũng phải 23 giờ khuya. Vậy mà các anh vẫn đi đi, về về như con thoi. Sáng mai thức dậy, các anh vẫn có mặt đúng giờ tại đơn vị như bao người khác. Họ lại quay về với những công việc của người chiến sĩ quân đội và chuẩn bị cho những chuyến đi lần sau - mang niềm vui đến với cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh.

M.HIẾU - H.THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=558
Quay lên trên