Những chính sách mới hiệu lực từ tháng 9-2013
Cập nhật: 04-09-2013 | 00:00:00
Từ ngày 1-9-2013, một số chính sách, quy định
quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau: + Sẽ tăng thêm 9,6% mức lương
hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng quy định
tại Điều 1 Nghị định 73/2013/NĐ-CP. Một số đối tượng được quy định, gồm: Cán bộ,
công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân
và người làm công tác cơ yếu; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định
số 92/2009/NĐ-CP, 121/2003/NĐ-CP và 09/1998/NĐ- CP đang hưởng lương hưu và trợ
cấp hàng tháng; Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định
số 53/2010/QĐ-TTg. + Lĩnh vực giáo dục: Miễn học phí
cho HSSV dân tộc thiểu số rất ít nguời; hỗ trợ hơn 500.000 đồng/tháng cho học
sinh nghèo. Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, HS-SV người dân tộc thiểu số rất ít
người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn sẽ được
miễn học phí khi học tại các cơ sở giáo dục trong nước. Riêng đối với học sinh
tốt nghiệp THCS, sẽ được hỗ trợ 50% học phí khi học trung cấp chuyên nghiệp. Theo thông tư liên tịch
27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC, mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng và mức hỗ trợ tiền nhà ở
hàng tháng (đối với mỗi học sinh phải tự lo chỗ ở) lần lượt là 40% và 10% mức
lương tối thiểu chung. Như vậy, tổng mức hỗ trợ này hiện nay là 575.000 đồng/tháng.
Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ trên là học sinh THPT người dân tộc thiểu số hoặc
người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn. Theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg, học
sinh vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và không quá 9
tháng/năm học cho mỗi học sinh. Các đối tượng được hưởng chính sách này bao gồm:
Học sinh tiểu học và THCS đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học
sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập ở khu vực có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Học sinh là người dân tộc thiểu số có
bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, không hưởng
chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc không thể đi về trong ngày tại các trường
THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học công lập. + Lĩnh vực doanh nghiệp: DN có vốn
Nhà nước không được mua cổ phần ngân hàng. Theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP các DN
có vốn Nhà nước sẽ không được góp vốn mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm,
công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu
tư chứng khoán. Các DN đó cũng không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất
động sản, trừ những DN có ngành nghề kinh doanh chính bất động sản. + Lĩnh vực thương mại: Chỉ được
phép kinh doanh than khi đã đăng ký ngành nghề. Theo Thông tư 14/2013/TT-BCT,
chỉ DN có giấy chứng nhận đăng ký DN về ngành nghề kinh doanh than mới được
phép kinh doanh than; ngoài ra, DN còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại
điều 4 thông tư này. Theo Thông tư 15/2013/TT-BCT,
than được phép xuất khẩu (XK) khi đáp ứng được các điều kiện: đã qua chế biến,
đạt tiêu chuẩn chất lượng và có nguồn gốc hợp pháp. Ngoài các chứng từ khi làm
thủ tục XK than, DN cần xuất trình thêm phiếu phân tích mẫu và hồ sơ chứng minh
nguồn gốc hợp pháp của than XK. Hợp đồng XK than hợp lệ đã ký trước ngày Thông
tư 15 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn trong hợp đồng. + Một số nội dung khác: Theo
Thông tư liên tịch 02/2013/ TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT, người tham gia Hội Chữ thập
đỏ sẽ được hỗ trợ chi phí y tế cho việc chữa trị, phục hồi sức khỏe và chức
năng nếu bị tai nạn khi tham gia hoạt động Chữ thập đỏ tại Việt Nam ngay cả khi
không tham gia BHYT. Ngoài ra, các đối tượng trên còn được hỗ trợ thu nhập thực
tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian chữa trị tai nạn. Theo quy định của Nghị định
72/2013/NĐ-CP, các phòng máy internet ở các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại
I, loại II, loại III phải có diện tích tối thiểu 50m2; diện tích tối thiểu ở
các đô thị loại IV, loại V là 40m2; ở các khu vực khác là 30m2. N.CAO