Cứ mỗi độ thu về, chúng tôi lại có dịp gặp họ - những chứng nhân của lịch sử, đã đi trọn cuộc trường chinh giữ nước, rồi chứng kiến hòa bình lập lại, đất nước ngày càng đổi mới, phát triển...
Người làm đám giỗ Bác Hồ
Một người mà chúng tôi thường nhớ đến đầu tiên mỗi độ thu về là ông Nguyễn Hậu Tài, một cán bộ lão thành cách mạng. Mùa thu năm nay, chúng tôi không còn gặp ông được nữa, vì ông đã về với thế giới bên kia gần tròn 2 năm. Ngôi nhà nhỏ của ông ở số 6B, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một vẫn như xưa. Những hình ảnh về ông được giữ nguyên. Tủ sách của ông về Bác Hồ được xếp gọn gàng, chỉ khác là vắng bước chân người. Vắng ông, thế hệ trẻ hôm nay cũng mất đi một nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử với bao thăng trầm. Với ông và những người cùng thế hệ, vinh quang có, mất mất hy sinh cũng quá nhiều, không sao kể hết, để giành lại độc lập như ngày hôm nay. Những người như ông đã đi trọn chiều dài cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, rồi chứng kiến hòa bình lập lại, đất nước ngày càng đổi mới, trên đà phát triển. Và ngôi nhà thân quen im ắng khi không có ông, hàng năm vẫn đều tổ chức đám giỗ Bác Hồ như trước.
Ông Nguyễn Hảo Đức năm nay đã hơn 90 tuổi và luôn mãn nguyện vì được tham gia cách mạng, cùng toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập, thống nhất non sông
Qua nhiều lần trò chuyện cùng ông, tôi biết ông may mắn và vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ. Dù Bác đã đi xa, nhưng trong lòng ông, Bác luôn là một vị cha già kính yêu, với tất cả lòng tôn kính. Hình ảnh Bác mãi mãi ở trong tim ông. Và với tất cả lòng ngưỡng mộ, sau khi Bác Hồ mất, ông đã lập bàn thờ và đều đặn làm đám giỗ Bác Hồ trong suốt mấy mươi năm. Một hình ảnh đẹp để thế hệ trẻ ghi nhớ. Trở lại ngôi nhà nhỏ của ông mùa thu năm nay, một nén hương thơm chúng tôi thắp cho ông để tưởng nhớ đến chân dung một con người đã có nhiều cống hiến cho đất nước, đi trọn cuộc trường chinh giữ nước cùng bao thế hệ cha ông để xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”...
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng
Còn đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), hiện ở phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) nay cũng đã bước qua tuổi 93. Ông luôn cảm thấy mãn nguyện với những gì ông đã trải qua và có được. Ông bảo, nay ông vẫn còn khỏe, không đau bệnh gì nặng, không tốn đồng tiền thuốc nào, thỉnh thoảng tốn vài ba ngàn mua thuốc cảm vặt. Đại tá Hồ Văn Nam tự hào, nói: “Cả cuộc đời tôi cống hiến cho cách mạng. Sau giải phóng nhiều người khuyên tôi chuyển ngành, nhưng tôi vẫn muốn là một anh lính Cụ Hồ. Và đến hôm nay, tôi có thể tự hào rằng trải qua gần 73 năm từ ngày tôi tham gia cách mạng, qua biết bao lần bị bom rơi đạn lạc, qua biết bao trận chiến sinh tử… nhưng tôi vẫn lành lặn. Tôi tự hào rằng mình không giỏi hơn ai, nhưng với lý tưởng trung thành với Đảng, tôi đã cống hiến hết mình, luôn biết học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng đã giao”.
Đại tá Hồ Văn Nam sinh ra và lớn lên ở xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ông trưởng thành trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống của người dân lầm than, đói khổ. Tuy không học cao nhưng với trình độ lớp 5 trường làng cũng đủ cho ông biết chút ít về thời sự, về tình hình đất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong ở TX.Thủ Dầu Một. Ngày 25-8-1945, ông cũng tham gia lực lượng xuống đường cướp chính quyền, giải phóng Thủ Dầu Một. Ký ức của ông về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là vũ khí chúng ta chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa còn rất thô sơ, nhận thức về lối đánh, cách đánh còn hạn chế… nhưng lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng các lực lượng khác luôn hừng hực khí thế cách mạng, sẵn sàng chiến đấu với địch. Ông bảo, đó chính là một trong những yếu tố giúp Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ.
Nhớ mãi bài học cách mạng đầu đời
Ông Nguyễn Hảo Đức, một cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) tiếp chúng tôi bằng một nụ cười mãn nguyện. Ở cái tuổi quá 90 như ông mà vẫn còn minh mẫn và ông thật hạnh phúc khi luôn có người bạn đời hết lòng, hết sức chăm lo từng miếng cơm, giấc ngủ. Trò chuyện với chúng tôi, vợ ông nói như khoe: “Ông hiền lắm! Mấy mươi năm chung sống, ông chưa từng nói một câu nặng lời với tôi”. Ông Nguyễn Hảo Đức sinh ra trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đã chứng kiến biết bao thăng trầm, từ khi đất nước còn lầm than rồi tiến lên giành lại nền độc lập dân tộc. Hôm nay đây, ông vui mừng khi theo dòng lịch sử, được thấy Thủ Dầu Một - Bình Dương đã sang trang mới, đang trên con đường xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Hảo Đức là một trong số ít cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống ở Thủ Dầu Một. Trong tâm trí ông, Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 vẫn luôn hừng hực khí thế. Đó là ký ức về một thời hào hùng, một mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam. Ông Đức cho biết ông sinh ra trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống người dân ngày càng lầm than, đói khổ. Đến tháng 1-1945, ông tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời mỗi con người, thấy ông nhanh nhẹn, gan dạ nên bác sĩ Nguyễn Văn Đối, Tỉnh ủy viên, phụ trách Việt Minh kết nạp ông vào Mặt trận Việt Minh, ở Đội Xích vệ đỏ, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một.
Ông kể, đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ như in bài học đầu tiên về con đường cách mạng mà ông đã được bác sĩ Nguyễn Văn Đối dạy. Nó gồm 5 bước: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, giáo dục và hướng dẫn đấu tranh. Riêng cá nhân ông Nguyễn Hảo Đức được giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng. Thời kỳ đó, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Kết quả có hàng chục hạ sĩ quan và chỉ huy địch theo ta. Trong số đó nhiều người đã trở thành nòng cốt điều hành binh sĩ làm theo lời kêu gọi của Việt Minh ủng hộ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền; đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, cổ động toàn dân khởi nghĩa trên nhiều khu vực, trong đó trọng điểm là Phú Cường. Vì vậy, bên cạnh số cán bộ, đảng viên, còn có đông đảo những cán bộ Cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, TNTP làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là: Nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh”... và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật... Hình thức hoạt động bao gồm cả tuyên truyền miệng, tổ chức phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, đội múa lân người Việt... Những hoạt động tích cực sôi nổi này được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành sức mạnh áp đảo sự truyền bá tư tưởng tiêu cực của địch.
Sau khi Pháp tái chiếm Thủ Dầu Một lần thứ 2, ông Nguyễn Hảo Đức tham gia Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một. Đây là một tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Ông tham gia cách mạng đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Sau ngày đất nước giải phóng, ông Nguyễn Hảo Đức mới được điều trở về Nam kiến thiết, xây dựng quê hương.
Không chỉ có công lớn trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông Đức còn được người dân phường Phú Thọ tin yêu khi hết lòng chung sức xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Hảo Đức, kể: “65 tuổi tôi mới được về hưu. Chưa được nghỉ ngơi thì địa phương vận động tôi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã để củng cố lại phong trào. Tôi thấy mình vẫn còn có sức khỏe nên tích cực tham gia”. Ông bảo, 75 tuổi ông mới chính thức được nghỉ ngơi. Thời kỳ đó, dân trí cũng còn thấp nên hễ gặp chuyện gì người dân cũng tìm đến ông nhờ giúp đỡ. Với truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, từ chuyện lớn, chuyện nhỏ, những vấn đề khó khăn phải gặp ai, giải quyết ra sao...
Chia tay ông, một con người của lịch sử, chúng tôi lại thấy xốn xang, trong lòng như có thêm động lực để viết tiếp những ước mơ và khát vọng tương lai...
THU THẢO