Những chuyện góp nhặt qua mùa tuyển sinh
Một mùa tuyển sinh nữa đã qua, giờ đây các thí sinh đang đón kết quả thi để chọn lối rẽ vào đời. Và ở mùa tuyển sinh nào cũng vậy, bên cạnh những thí sinh vui mừng khi kết quả đúng với ý nguyện, thì cũng không ít thí sinh ngậm ngùi vì trượt do năng lực và không lượng sức mình dẫn đến sai lầm khi chọn nguyện vọng.
Bước ra khỏi phòng thi, mỗi thí sinh một tâm trạng khác nhau
Sai lầm trong chọn nguyện vọng
Để phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, năm nay Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Qua các mùa thi tuyển, chúng tôi nhận thấy, chất lượng đầu vào lớp 10 có tăng mỗi năm, nhất là những trường ở khu vực thị xã, nhưng một số em do không lượng sức mình nên đã thi trượt, dù trước đó các em đã được thầy cô tư vấn nên cân nhắc khi chọn nguyện vọng. Thi tuyển vào lớp 10, quan trọng nhất là chọn nguyện vọng, nếu thí sinh chọn nguyện vọng 1 là một trường vừa với sức học của mình thì cơ hội thi đậu bao giờ cũng cao hơn so với chọn trường đó là nguyện vọng 2. Cụ thể năm nay với 27 điểm, các em đã đậu nguyện vọng 1 trường An Mỹ, nhưng do “kén cá chọn canh”, có em chọn trường này là nguyện vọng 2, trong khi nguyện vọng 2 của trường đến 28 điểm. Mỗi thí sinh được chọn 3 nguyện vọng, nhưng một số em do chủ quan chỉ chọn 2 nguyện vọng, đến khi cả 2 đều trượt, thế là đành ngậm ngùi vào học trường tư, học hệ bổ túc hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ mới đây cũng vậy, không ít thí sinh cũng chọn trường, chọn ngành không phù hợp với sức học, năng lực, sở trường. Dù các trường chưa công bố điểm thi, nhưng chắc hẳn thí sinh đã dự đoán được kết quả của mình. Theo chân các sĩ tử trong các đợt thi qua, nhiều em đã nói với chúng tôi đầy vẻ nuối tiếc: Phải chi trước đây các em không chọn khối A, khối B; hoặc nếu em chọn nguyện vọng 1 là trường địa phương thì cơ hội vào ĐH có thể sẽ cao hơn...
Phụ huynh vẫn còn can thiệp sâu vào hướng đi của con em
Một nghịch lý ai cũng biết đó là, một bộ phận cha mẹ đã can thiệp có tính quyết định trong việc học tập của con em. Qua thăm dò chúng tôi nhận thấy, một số phụ huynh đã áp đặt con trong việc chọn trường thi, nhất là ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Có phụ huynh dù biết con có sức học chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn ép buộc con chọn trường có điểm đầu vào cao! Sau khi biết con không vào được trường như ý (trường chuyên Hùng Vương hoặc Võ Minh Đức) đã “chê” trường này, trường nọ dạy dở nên quyết định đưa con em về trường tư thục Nguyễn Khuyến ở TP.HCM học, vì cho rằng đây là ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt. Nhưng suy đi xét lại thì chất lượng đào tạo chưa chắc nơi nào hơn, bởi trường này siết chặt đầu vào, chỉ chọn những học sinh khá giỏi, những em học học lực trung bình thì chắc chắn sẽ được mời ra. Vậy thì, tỷ lệ tốt nghiệp, đậu đại học ở những ngôi trường như thế căn bản vẫn là do các em có sẵn sức học tốt trước đó. Còn nếu thử so sánh tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp giữa trường này với trường kia trong tỉnh thì cũng không thể chính xác, do một số trường số HS khá cao, có trường gần 500 HS lớp 12. Vậy thì lẽ ra chúng ta nên động viên thầy trò, bởi đó là sự cố gắng lớn của cả tập thể sư phạm nhà trường.
Theo thời gian, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã từng bước đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên bằng nhiều biện pháp. Phụ huynh, HS nên tin tưởng vào chất lượng đào tạo ở tỉnh nhà, đừng nên vì phong trào mà đưa con em tìm học ở một số trường được cho là có chất lượng ở tỉnh, thành khác. Cũng nhân việc này, thiết nghĩ, ngành GD-ĐT tỉnh nhà cần tạo thêm lòng tin đối với xã hội, đừng để nguồn nhân lực cứ bị rò rỉ qua mỗi năm học.
Quy chế thi quá ngặt nghèo!
Có một quy luật mà ai cũng biết, đó là, đã thi thì có đậu, rớt. Nhưng cá biệt, có những trường hợp vì lý do bất khả kháng, gần đến ngày thi đã bị tai nạn, bệnh tật đột xuất nên các em đã không tham dự kỳ thi nên đã vuột mất cơ hội, mà nếu như được dự thi thì chắc chắn các em sẽ thi đậu. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến ít nhất 3 trường hợp như thế. Một trường hợp thí sinh ở huyện Dầu Tiếng bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Vừa tỉnh dậy sau cuộc đại phẫu, em này một mực đòi gia đình đưa về, vì gần đến ngày thi vào lớp 10. Cuối cùng, sau khi gia đình viết cam kết, em này cũng được dự thi, sau đó xuống điều trị tiếp. Không biết liệu rằng em có đủ sức dự thi, khi sức khỏe không thể bảo đảm. Một trường hợp khác, thí sinh ở TX.TDM còn không đầy 10 ngày nữa đến kỳ thi nhưng chẳng may em này bị sốt viêm não. Những ngày điều trị tích cực ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, cơ thể vật vã vì thuốc, vì bị chọc tủy sống, nhưng em vẫn gắng gượng lấy bài ra xem lại mỗi khi có được chút sức lực. Nhưng do đây là căn bệnh nguy hiểm, bác sĩ không chấp nhận cho em xuất viện về thi. Thế là em mất cơ hội được vào trường công, dù học lực của em xếp loại khá. Thêm một trường hợp nữa, thí sinh bị gãy tay không thể tham gia thi, gia đình xin cho con được miễn, nhưng theo quy chế tuyển sinh không có trường hợp ngoại lệ được xét đặc cách, dù bất cứ trường hợp nào.
Qua đây, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên có những điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, vì không chỉ có năm này, mà những năm trước đó hoặc các năm sau nữa chắc hẳn còn có những trường hợp tương tự xảy ra. Với những em không vào được trường công thì chắc chắn phải học trường tư, nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện cho con em theo học, nhất là giới công chức lương bổng hạn hẹp, cuộc sống hiện tại đa phần còn quá khó khăn.
H.THÁI