Những con đường vươn tới tương lai

Cập nhật: 10-09-2011 | 00:00:00

Trong những năm qua, Bình Dương không ngừng đầu tư nâng cấp và xây dựng các công trình giao thông; nhờ vậy kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải của tỉnh khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là những con đường do Becamex IDC đã, đang và sẽ đầu tư; đây quả thật là những con đường tạo lực hướng đến sự phát triển bền vững, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.

Nền tảng đột phá

Đi trên quốc lộ 13 hôm nay, tuyến đường huyết mạch dài hơn 140km nối TP.Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây nguyên thì mới thấy được hiệu quả đích thực của con đường này mang lại. Chính nhờ con đường này đã góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng đem đến sự thành công cho các KCN VSIP, Mỹ Phước 1, 2, 3, Bàu Bàng với hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhiều tỷ USD. Cũng chính sự thông thoáng, thuận lợi trong giao thông của con đường này đã làm bừng sáng cho kinh tế phía bắc Bình Dương, phát triển nhanh đô thị theo hướng hiện đại.

 Một nút giao thông của quốc lộ 13 trên cao

Đến nay có thể nói quốc lộ 13 đã hoàn thành sứ mệnh, xứng đáng là con đường tiên phong khi lần đầu tiên trên cả nước mô hình quốc lộ được giao cho một doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, tạo nền tảng phát triển công nghiệp. Từ thành công này, nhiều địa phương khác đã học tập kinh nghiệm và xây dựng nhiều tuyến đường, góp phần nâng tầm chất lượng của hệ thống giao thông trên cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Bình Dương, để phục vụ cho sự phát triển trong giai đoạn tới, sau quốc lộ 13, Becamex IDC tiếp tục được giao thực hiện một công trình quan trọng khác là con đường tạo lực có tên Mỹ Phước - Tân Vạn với vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng được khởi công vào ngày 7-8-2009. Đây là tuyến đường kết nối vùng được đầu tư theo hình thức BOT nhằm giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có tổng chiều dài 30km đường chính và 12km đường gom, điểm đầu của tuyến đường từ KCN và đô thị Mỹ Phước đi qua các KCN lớn nằm trên 4 huyện, thị là Bến Cát, TX.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và đến cửa ngõ sân bay và cảng biển quốc tế. Trên toàn tuyến có 18 cầu vượt lớn và 4 nút giao cắt liên thông để kết nối với bên ngoài. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao cấp 6 làn xe với vận tốc trung bình đạt 100 km/h. Dự kiến thời gian thi công trong 4 năm, khi hoàn thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ kết nối với đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đường Mỹ Phước - Tân Vạn, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm kích cầu cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn, nhất là tại các KCN đã và đang hình thành của huyện Tân Uyên, năm 2010 Becamex IDC tiếp tục khởi công 3 tuyến đường huyện Tân Uyên. 3 tuyến đường này gồm tỉnh lộ ĐT746, ĐT747B và ĐT742, có tổng chiều dài 57km được xây dựng 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư xây dựng 3 tuyến đường này khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hạ tầng 1.700 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.300 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến khoảng 4 năm, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2010-2012 xây dựng tuyến ĐT746, giai đoạn 2 từ năm 2011-2013 xây dựng tuyến ĐT747 B và ĐT742. Theo kế hoạch, các tuyến đường sẽ đi vào hoạt động từ năm 2014.

Nâng tầm phát triển toàn diện

Nếu như các tuyến đường kể trên phục vụ phát triển kinh tế, góp phần thu hút đầu tư thì hiện nay Becamex IDC được tỉnh giao thực hiện quốc lộ 13 trên cao nhằm tạo động lực phát triển toàn diện theo hướng hiện đại hóa, đô thị hóa.

 Quốc lộ 13 trên cao được xây dựng ngay trên đường hiện hữu sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Bình Dương 

Theo báo cáo từ đơn vị tư vấn thiết kế được Becamex IDC ủy thác, dự án nâng tầng quốc lộ 13 theo hình thức quy hoạch đường cao tốc trên cao bằng công trình cầu vượt hiện đại có tổng chiều dài hơn 31km với khởi điểm phía bắc cầu Vĩnh Bình (TX.Thuận An) và kết thúc phía bắc đường vành đai 4 tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát. Dự án quốc lộ 13 trên cao được xây dựng trên quốc lộ 13 hiện hữu với 4 làn xe và chiều rộng mặt đường 18m. Toàn bộ dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ cầu Vĩnh Bình đến phía bắc ngã tư Sở Sao có chiều dài 22,41km với vốn đầu tư 616 triệu USD; giai đoạn 2 từ phía bắc ngã tư Sở Sao đến phía bắc đường vành đai 4, dài 8,64km với vốn đầu tư 216 triệu USD. Dự kiến dự án được khởi công vào năm 2012 và hoàn thành đưa vào sử dụng sau 2 năm xây dựng.

Đánh giá về con đường này trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, đây là con đường quan trọng tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Về phía chủ đầu tư, theo Becamex IDC, việc đầu tư xây dựng quốc lộ 13 trên cao sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và không ngừng của Bình Dương. Dự án này không những góp phần to lớn cho việc phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi diện mạo của tỉnh trong thời gian tới, điều này thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của tỉnh trong giai đoạn mới, đưa Bình Dương trở thành thành phố loại I theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=526
Quay lên trên