Những cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 13-08-2012 | 00:00:00

Trong chiến đấu, từng vào sinh ra tử khi đối mặt với kẻ thù; trong cuộc sống, từng đối diện với cái nghèo khó nhưng với tinh thần bất khuất của người lính Cụ Hồ, những cựu chiến binh (CCB) đã biết vượt qua tất cả bằng trái tim và khối óc của mình với niềm tin: “Sống để giúp nước, sống để giúp người”...

CCB Nguyễn Văn Đông: Người luôn hướng đến người nghèo

Nguyễn Văn Đông là tên của người CCB mà bà con ở ấp Đồng Sặc, xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên ai cũng đều biết đến và gọi với cái tên thân mật - Chín Đông. Sinh năm 1952, năm 24 tuổi, ông tham gia quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia với vai trò là bộ đội thiết giáp và từng bị thương 2 lần khi nhiều lần gặp phải mìn chống tăng.

 Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Đông luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nhà với hai bàn tay trắng, cuộc sống mưu sinh thuở ban đầu của anh lính trẻ với muôn vàn khó khăn, tưởng chừng không vượt qua được. Hết làm mướn, trồng lúa lại trồng môn, tỉa đậu... nhưng với ý chí vươn lên, không chịu thua hoàn cảnh, người CCB này đã chuyển hóa cuộc sống khó khăn của mình trở nên thoải mái hơn.

Sau khi lấy vợ, cùng với người bạn tri kỷ của mình, năm 1989, ông mua được vài con bò và trồng thêm 500 cây cao su trên mảnh đất vườn có sẵn. Từ đó, ngày qua ngày, tích tiểu thành đại, bằng sự cần cù và siêng năng, số vốn ít ỏi của gia đình người CCB cũng dần dần sinh sôi nảy nở. Đến nay, gia đình ông đã có trong tay gần 5 ha cao su, trong đó 4 ha đang khai thác và 1 ha tràm bông vàng đã trồng được hơn 15 năm. Hiện tại, với việc khai thác mủ cao su, sau khi trừ chi phí, hàng tháng ông thu về hơn 30 triệu đồng, đủ điều kiện cho vợ chồng ông và hai người con sống sung túc. Thế nhưng không dừng lại ở đó, ông cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất mà trước mắt là đầu tư cho chăn nuôi.

Mặc dù bộn bề với công việc làm kinh tế nhưng ông luôn đồng cảm và hướng đến những người có số phận không may. Trước kia, khi còn là Chi hội trưởng Chi hội 1 ấp Đồng Sặc, ông đã cùng Ban chấp hành thường xuyên tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các thành viên khó khăn trong chi hội về tinh thần lẫn vật chất, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, dù không làm Chi hội trưởng nữa nhưng ông vẫn luôn hăng hái đi đầu trong các hoạt động ủng hộ cho người nghèo mỗi khi có dịp. Ông nói, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn là tâm nguyện của đời tôi... 

CCB Nguyễn  Hoàng Lung: Vượt khó, làm giàu

Năm 1985, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Hoàng Lung (SN 1968), xã Thường Tân, Tân Uyên quyết định xin nhập ngũ vào quân đội nhân dân Việt Nam. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều động sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế và năm 1989 ông phục viên trở về quê hương. Khi mới về địa phương, kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do các con còn nhỏ nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Không khuất phục trước số phận, ông ra sức học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi qua sách vở, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 CCB Nguyễn Hoàng Lung bên trại heo được đầu tư bài bản của mình

Những ngày đầu tìm hướng phát triển kinh tế, hai vợ chồng ông phải loay hoay làm nhiều nghề, từ trồng cây ăn trái đến nuôi bò. Sau nhiều lần thất bại, nhận thấy việc xây dựng trang trại là phù hợp với điều kiện của gia đình nên ông chọn nghề chăn nuôi heo để khởi nghiệp. Tuy sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn khăn gói tìm đến các trang trại nuôi heo cho giá trị kinh tế cao ở nhiều tỉnh lân cận để tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách thức xây dựng chuồng trại; đồng thời tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức và nghiên cứu thêm trên sách báo.

Năm 2005, ông dốc toàn bộ tài sản tích lũy và vay thêm tiền bạn bè đầu tư xây dựng trang trại nuôi 20 con heo nái để nhân đàn. Đến năm 2006, đàn heo của gia đình ông đã lên đến hơn 100 con. Lúc này, ông vừa nhân giống, vừa nuôi heo thương phẩm. Ngay lứa đầu tiên xuất chuồng, trừ mọi chi phí, ông thu lãi cả chục triệu đồng. Phấn khởi trước kết quả đó, ông tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, tăng số heo nuôi và luôn ổn định số lượng 100 con heo thịt và 10 con heo giống.

Tuy nhiên, trong làm ăn đôi lúc cũng gặp rủi ro do dịch bệnh hoành hành dẫn đến thua lỗ vào năm 2010 nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông quyết vượt qua những khó khăn, thử thách. Sau đó, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trang trại theo hướng hiện đại, khép kín, khoa học. Mùa hè có quạt mát, mùa đông có lò sưởi ấm, khu chuồng nuôi heo nái được làm riêng, tách biệt khu nuôi heo thương phẩm. Dưới mỗi khu chuồng nuôi heo đều có hệ thống hầm biogas để chứa chất thải nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hệ thống máng ăn và hệ thống nước tắm rửa cho heo được làm tự động. Hàng tháng, ông đều mời cán bộ thú y về trang trại làm công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn heo. Chỉ tính riêng năm 2011, ông xuất chuồng bán heo và thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Với những thành tích trên, từ năm 2007 đến 2012, ông đạt danh hiệu nông dân, CCB sản xuất giỏi và được Hội Nông dân tỉnh khen tặng Nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền. Không những làm kinh tế giỏi, ông Lung còn là một Phó Chủ tịch Hội CCB gương mẫu, nhiệt tình, luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống cho đồng đội và bà con có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

CCB Hà Công Tuy: Cần mẫn vươn lên trong cuộc sống

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 19 tuổi, Hà Công Tuy (sinh năm 1965) ở ấp 2, xã Lạc An, huyện Tân Uyên đã tình nguyện đi bộ đội và được điều động sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Sau 3 năm phục vụ, năm 1987, ông được xuất ngũ  trở về với gia đình, tài sản quý giá nhất của người lính là một chiếc ba lô, bộ quân phục. Hành trang người lính trở về với đời thường thật nhẹ nhàng bình dị, nhưng thử thách phía trước - đó là cuộc chiến chống đói nghèo lại lắm chông gai. Ông Tuy bộc bạch: “Chiến tranh ác liệt mình còn vượt qua, những khó khăn để phát triển kinh tế gia đình không thể làm mình nhụt chí. Trước sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, đồng chí để bảo vệ cho quê hương đất nước yên bình, mình may mắn sống sót phải sống sao cho xứng đáng là người lính Cụ Hồ”.

 CCB Hà Công Tuy bên ao cá của gia đình

Sau nhiều năm trăn trở, ông đã quyết định làm giàu trên chính mảnh đất của ông cha để lại. Từ 1 ha ruộng, ông đã mạnh dạn đầu tư công sức vào sản xuất theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, bằng cách cấy lúa trên những diện tích đất chủ động nước. Nơi đất khô ráo, ông chuyển sang trồng bắp, đậu. Sau thời gian làm lúa, ông nhận thấy loại cây này không giúp mình làm giàu, đồng thời, học tập được mô hình vườn - ao - chuồng trên sách, báo, tivi... ông bắt tay thử nghiệm. Hàng ngày, ông cùng vợ con đào ao thả cá; bên trên nuôi heo giống, heo thương phẩm và trồng cây ăn trái trên diện tích 1 ha.

Sau gần 3 năm chuyển đổi cách làm ăn, gia đình ông Tuy đã có một mô hình kinh tế tổng hợp khá bền vững và đã có điều kiện mua thêm được 2 ha đất trồng cao su. Hiện nay, hàng năm gia đình ông thu gần 30 triệu đồng từ ao cá thiên nhiên, 50 triệu đồng từ đàn heo, gà và khoảng 30 triệu đồng từ vườn trái cây. Ngoài ra, với diện tích 2 ha cao su đang cho thu hoạch, ước tính trừ mọi chi phí gia đình ông còn lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Có của ăn của để, ông đã sửa chữa nhà ở, mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình, con cái có điều kiện học tập.

Với sự cần mẫn, ông Hà Công Tuy đã trở thành một điển hình về gương CCB vượt khó làm giàu. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành CCB xã Lạc An, Chi hội trưởng Chi hội ấp 2, xã Lạc An. Giữ vai trò là chi hội trưởng, ông Tuy thường xuyên động viên các hội viên cố gắng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Từ những nỗ lực đó, ông được UBND huyện Tân Uyên khen tặng CCB sản xuất - kinh doanh giỏi, người cán bộ CCB gương mẫu.

HUY BÌNH - THIÊN LÝ - HẠNH CHIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên