Ghi nhận của Văn phòng thường trực phòng chống ma túy, Bộ Công an: hiện tại bắt đầu xuất hiện một số hóa chất được dùng thay cho ma túy.
“Nước biển” hay GHB, “Vitamine G”... chính là cách gọi của dân “chơi” dùng cho chất Gamma hydroxy axit butyrat. “Nước biển” là một hợp chất dùng để lau sạch các mạch điện tử. Nó có dạng dung dịch lỏng không mùi, có vị hơi mặn hoặc được cố kết thành dạng bột trắng, viên nén (dạng này ít)... “Nước biển” mà một bộ phận dân chơi sử dụng ở Việt Nam thời gian qua thường được đựng trong các chai nhựa có dung tích dao động từ 50 - 100ml. Song bên cạnh đó, có một số “đầu nậu” còn nhập nguyên các chai loại to (500 - 750ml) từ nước ngoài về sang nhỏ ra để phân phối cho khách hàng. Mỗi chai “nước biển” loại 50ml có giá dao động từ 800.000 - 1.400.000 đồng.
Để không bị phát hiện tại các quán bar, vũ trường... dân “chơi” thường chắt “nước biển” ra các lọ thuốc nhỏ mắt đem theo người. Khi sử dụng, số dân “chơi” này chỉ việc lấy ra thao tác như nhỏ thuốc vào mũi, vào mắt... là xong. Hoạt chất này có tác dụng nhanh chóng đối với người sử dụng sau khoảng thời gian từ 10 - 15 phút. “Nước biển” sau khi xâm nhập vào trong cơ thể thường khiến con người ta cảm thấy hưng phấn, xuất hiện ảo giác, kích thích hoạt động (nhất là ở nơi có âm thanh mạnh như: vũ trường, quán bar, karaoke...). Đặc biệt, khi sử dụng nhiều “nước biển”, sức khỏe của dân “chơi” sẽ bị suy nhược. Hệ thần kinh bị rối loạn, làm giảm nhịp đập của tim, buồn nôn, chóng mặt, trí nhớ giảm... Thậm chí còn bị co giật, tử vong nếu như khi bị sốc “nước biển” mà không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
“Bùa lưỡi” - đó chỉ là tên gọi mà dân “chơi” đặt cho một loại ma túy có tên khoa học là Lysergic Acid Diethylamide (LSD), thường được sử dụng bằng cách dính vào lưỡi. Chính cái tên gọi này đã kéo theo việc dân sử dụng “bùa lưỡi” thường được gọi là “đoàn phù thủy”, các thành viên tham gia là “phù thủy” hay “phù thủy gia” thay vì cách gọi “phi hành đoàn” (dùng cho dân sử dụng thuốc lắc), “đoàn leo núi” (dùng cho dân sử dụng ma túy “đá”) như trước đây. Mặt khác, ngoài tên gọi trên, một số dân chơi còn gọi “bùa lưỡi” - LSD là “tem thư”, “phai”, “kẹo dán”, “trip”...
Mỗi miếng “bùa lưỡi” thông thường có kích thước khoảng 1,5x1,5cm. Giá bán lẻ của nó hiện nay dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/miếng. Nếu dân “chơi” muốn giảm giá 10% thì phải nhập với số lượng từ 20 miếng trở lên. “Bùa lưỡi” được gắn một lớp nilông mỏng có khả năng tan trong nước trên bề mặt. Đồng thời, nó có tác dụng trực tiếp vào cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác. Thời gian mà “bùa lưỡi” tan hết trong miệng các “phù thủy” thường là 2 - 3 tiếng. Song, “thuốc” phát huy tác dụng thì chỉ cần cách thời điểm đính “bùa lưỡi” chưa đầy 5 phút là đủ (thậm chí còn sớm hơn khi có rượu, bia kích thích). Các “phù thủy” sau khi chơi “bùa lưỡi” sẽ “phê” trong vòng 6 giờ. Mặt khác, để tăng thêm độ phê, ảo giác, các “phù thủy” thường nạp thêm rượu, bia hoặc nước suối - đối với dân không có thể lực. Mọi ảo giác như nhìn một tivi thành hai, cảm nhận như đang bay trên mây, cưỡi trên chổi... cũng xuất hiện.
Đặc điểm để phân biệt với các loại ma túy tổng hợp thông thường khác đó chính là việc các “phù thủy” sau khi đính “bùa lưỡi” chỉ thích tiếng nhạc được mở nhẹ (không chát chúa, đinh tai như dân “lắc”, “nước biển” vẫn thường thích), khoảng không gian xung quanh thì vắng lặng, đèn mờ ảo, không có ánh sáng trắng (như nhà nghỉ, quán karaoke phòng riêng). Bên cạnh đó, “bùa lưỡi” thường làm bạn với nhóm “đập đá” vì tác dụng của “bùa lưỡi” hiện được nhiều dân chơi ví như chất xúc tác kích hoạt thêm độ phê sau khi đã sử dụng ma túy “đá” vậy.
Một loại ma túy khác ẩn chứa dưới dạng chiếc bánh ngọt được dân “chơi” đặt tên là “bánh pin”, với nguyên liệu chính là cần sa, cộng thêm bột, sữa và trứng. Kiểu như người ta vẫn thường làm các loại bánh ngọt, chỉ khác ở chỗ, thay vì thêm vào các hợp chất phụ gia để bánh ngon hơn, thì các tay chơi lại cho vào bánh hỗn hợp cần sa để khi ăn thì... phê hơn cả hút. Nếu chế biến khéo, bánh “pin” sẽ thơm ngon y như bánh ngọt thông thường khác. Còn mức độ phê thì kéo dài khoảng 5 - 6 giờ. Bánh “pin” được ra đời để dân “chơi” có thể dễ dàng ngụỵ trang trong việc sử dụng ma túy tại các nơi không thích hợp, thể hiện sự sành điệu của dân “chơi”. Đây là loại bánh không thể thiếu trong các bữa tiệc sinh nhật hoặc liên hoan của các nhóm, bang hội ăn chơi!
NGUYỄN HỒNG PHÚC