Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tay chân miệng chuyển nặng

Cập nhật: 26-07-2023 | 08:59:17

Bệnh tay chân miệng (TCM) hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Đa phần trẻ mắc TCM có diễn biến nhẹ nhưng bệnh có thể biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần theo dõi trẻ để nhận biết các dấu hiệu và kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế.


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh TCM cho trẻ

Những dấu hiệu thông thường

Bệnh TCM lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Bệnh TCM xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển và tạo thành dịch lớn. Đa phần trẻ bị bệnh có diễn biến nhẹ, một số trường hợp có biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Những diễn biến này nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần theo dõi trẻ để nhận biết các dấu hiệu và kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

Các dấu hiệu bệnh TCM dễ nhận thấy là trẻ có biểu hiện sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Cha mẹ, người trông trẻ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời. Ở mỗi giai đoạn bệnh có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh 3 - 6 ngày. Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng: Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc sốt cao (38 - 39 độ C), đau họng, tổn thương, đau rát ở miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát bắt đầu sau 1 - 2 ngày khởi phát bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa. Trẻ bị loét miệng ở niêm mạc má, lợi và lưỡi xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét, trẻ bị đau khi ăn, quấy khóc. Gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức khi thấy trẻ có các dấu hiệu: Trẻ mê sảng, rối loạn tri giác, co giật, nôn, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, tím tái...

Những dấu hiệu chuyển nặng

Thông thường các biến chứng bệnh TCM thường xuất hiện vào ngày thứ 3 và ngày thứ 5 của bệnh, sau khi nổi vết loét chỗ bóng nước. Dấu hiệu chính là trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khi trẻ có 1 trong 3 triệu chứng sau đây, gia đình, người chăm trẻ cần đưa trẻ đi khám để xử trí kịp thời.

Đầu tiên là trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Mỗi khi ngủ khoảng 15 - 20 phút trẻ lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Đây là do tình trạng trẻ bị nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Triệu chứng tiếp theo là trẻ sốt cao không hạ, trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Nguyên nhân là quá trình đáp ứng viêm đang diễn ra rất mạnh trong cơ thể của trẻ gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, trẻ cần dùng thuốc hạ sốt đặc biệt hơn.

Giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không.

H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1000
Quay lên trên