Những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 29-07-2023 | 08:48:52

Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch. Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần nắm rõ các dấu hiệu SXH để phòng tránh và điều trị kịp thời.

Ba giai đoạn bệnh

Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt. Muỗi vằn hoạt động ban ngày, chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và truyền bệnh. Nếu bị muỗi vằn chích thì vi rút Dengue sẽ lây truyền sang. Người bệnh diễn tiến qua 3 giai đoạn bao gồm: sốt, nguy hiểm và phục hồi” .


Người dân phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An vệ sinh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Phân tích các giai đoạn người bệnh bị SXH, bác sĩ Trần Văn Chung nhấn mạnh đến giai đoạn sốt, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài từ 2 - 7 ngày, khó hạ. Lúc này, toàn thân người bệnh mệt mỏi, đau nhức các khớp, đau đầu, đau hốc mắt, có thể có viêm long đường hô hấp trên. Bệnh nhân chán ăn, cảm giác buồn nôn, nôn, da xung huyết, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da.

Giai đoạn nguy hiểm hay gọi là giai đoạn xuất huyết thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Bệnh nhân có thể giảm sốt nhưng không phải đang hồi phục mà ngược lại cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Bởi các dấu hiệu xuất huyết này có biểu hiện rất đa dạng, người bệnh giảm tiểu cầu trong máu nên xảy ra rất nhiều biến chứng. Người bệnh xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc tập trung, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; chảy máu mũi, chân răng, chảy máu cam.

Bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng hơn, như: Chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Nếu không kịp thời bù đủ dịch, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp do hiện tượng cô đặc máu. Người bệnh cần được xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên để theo dõi sát sao bệnh. Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, thể trạng tốt lên, thèm ăn, xét nghiệm cho thấy chỉ số tiểu cầu tăng.

Không nên chủ quan

Bệnh SXH là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do biểu hiện của bệnh rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng và hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh, điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bệnh SXH, người dân không nên chủ quan, cần đi khám và theo dõi kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng. Hàng tuần, mỗi gia đình tiến hành diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Đặc biệt, người dân cần dành thời gian loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, như: Chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Các cá nhân, gia đình tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=977
Quay lên trên