Từ hình ảnh chiếc xe tăng cháy nằm phơi mình trong cát bụi, rỉ sét theo thời gian đến đường băng sân bay gồng mình chịu trận để làm nơi phơi cao lanh làm phân bón là những cảnh chúng tôi được chứng kiến và không khỏi xót xa. Có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa những địa danh như: Ngã ba xe tăng cháy hay Sân bay dã chiến Phú Lợi sẽ bị lãng quên một cách nhanh chóng bởi chúng không còn hiện diện trên đời vì sự vô cảm của con người.
Xe tăng cháy bị rút ruột
Chiếc xe tăng của địch bị bộ đội ta bắn cháy vào giữa tháng 5-1974 hiện nằm bên lề đường ĐT744 thuộc ấp An Thịnh, xã Phú An, huyện Bến Cát là niềm tự hào của quân và dân Bình Dương trong kháng chiến chống Mỹ. Cùng với những địa danh lịch sử như Tam giác sắt, Bàu Bàng, Bông Trang, Nhà Đỏ... hình ảnh chiếc xe tăng cháy là sự khẳng định sức mạnh và ý chí kiên cường của quân và dân Bình Dương. Thế nhưng, đến nay đã 36 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2011), chiếc xe này không được bảo tồn như một di tích lịch sử chiến tranh mà đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lưu ý ở chỗ, từ khi tỉnh có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường ĐT744, vị trí chiếc xe tăng cháy bị ảnh hưởng, buộc phải di dời. Một người dân cho biết, chiếc xe thường xuyên bị những người lấy sắt vụn dòm ngó vì chiếc xe đã rỉ sét, chỉ cần đập mấy cái là lấy được rất nhiều sắt vụn.
Nhiều bộ phận của xe tăng đã bị trộm bán sắt vụn
Qua quan sát của chúng tôi, xác chiếc xe tăng đã bị mất nhiều bộ phận bên trong. Một bên bánh xích bị văng ra khỏi thân xe và bị đất lấp gần hết. Thậm chí, dưới gầm chiếc xe là nơi để một số người vứt các loại vỏ thủy tinh và rác. Thấy chúng tôi có vẻ quan tâm, ông Nguyễn Ngọc Lánh, 57 tuổi, người dân xã Phú An tâm sự: “Người dân Phú An chúng tôi đã quen với chiếc xe này rồi, bây giờ làm đường không biết di chuyển nó đi đâu?”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Khắc Điệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ khi nâng cấp mở rộng đường ĐT744, Sở Giao thông - Vận tải đã có phương án di dời chiếc xe tăng để thi công làm đường. Do đó, sở đề xuất với UBND tỉnh di dời chiếc xe về khu di tích Tam giác sắt để tiện cho việc bảo quản. Tuy nhiên, cho đến nay “số phận” của chiếc xe vẫn chưa được định đoạt, trong khi công trình thi công làm đường ĐT744 đã cận kề, chiếc xe ngày càng hư hỏng theo thời gian.
Nát một đường băng
Chúng tôi đến sân bay duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh, đó là sân bay Phú Lợi (thuộc khu vực của Sư đoàn 7) ở phường Phú Lợi, TX.TDM. Đường băng của sân bay rộng lớn kéo dài khoảng hơn 1km. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì suốt một đoạn dài của sân bay được dùng làm nơi nghiền đất cao lanh và phơi khô để sản xuất phân bón. Nhìn chiếc lều rách nát cũ của những người công nhân làm việc thường trú mưa, trú nắng cũng như hình ảnh tan nát của đường băng làm cho chúng tôi nao lòng. Trong chiến tranh, sân bay Phú Lợi là sân bay dã chiến, quân địch thường sử dụng làm nơi tập kết, phân phối vũ khí đạn dược, quân lính cho các chiến trường Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long (Bình Phước) và Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng (Bình Dương).
Một phần sân bay Phú Lợi hiện nay dùng cho việc phơi đất cao lanh
Ông Trần Hùng, nguyên cán bộ Cục Kỹ thuật Quân khu 7 cho biết, ông có mặt ở đây vào năm 1975. Lúc đó, khu vực này còn những nhà xưởng để sửa chữa máy bay nằm gần những đường băng. Một số nhân chứng là những cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu tại Bình Dương và Sông Bé cũ kể, trong chiến tranh, Bình Dương có rất nhiều sân bay dã chiến của địch như sân bay ở thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo), sân bay ở Lai Khê (Bến Cát). Đặc biệt, sân bay Phú Lợi lúc bấy giờ còn có cả những đường ray bằng thép kéo dài đến gần khu vực Tỉnh đội hiện nay. Vậy mà cho đến giờ, theo những cựu chiến binh hiện đang sinh sống ở địa phương, những đường ray bằng sắt cũng đã bị lấy trộm bán sắt vụn và hiện nay chỉ còn duy nhất đường băng được trải bằng bê tông nhựa nằm trong khu vực.
Một cán bộ lãnh đạo của Sư đoàn 7 còn cho biết, đường băng của sân bay Phú Lợi hiện nay thỉnh thoảng được sử dụng để huấn luyện bay của một Sư đoàn không quân. Tuy nhiên, người cán bộ lãnh đạo này cũng thừa nhận là nó đang xuống cấp và có đoạn được cho thuê để phơi đất cao lanh!
Giữ gìn cho đời sau
Qua tiếp xúc, trao đổi với một số thanh niên ở Bình Dương, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi hiện nay nhiều bạn thanh niên chỉ nghe có từ sân bay Phú Lợi chứ không hề hình dung ra sân bay nằm ở đâu và nó như thế nào. Khi chúng tôi đem câu chuyện về xe tăng cháy, sân bay Phú Lợi ra bàn với nhiều người, đa số ý kiến đồng tình là phải giữ gìn, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Nhiều ý kiến còn mạnh dạn đề xuất, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp phát triển, trong tương lai chúng ta phấn đấu trở thành đô thị loại I, một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước ta tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương đều có sân bay, vậy tại sao Bình Dương không nghĩ đến việc quy hoạch xây dựng một sân bay cho riêng mình?
Thiết nghĩ, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội làm cho dân giàu, nước mạnh là điều cần thiết, nhưng cũng cần phải phát triển đời sống tinh thần cho người dân, trong đó có việc giữ gìn tôn tạo những giá trị lịch sử vừa để giáo dục truyền thống, vừa để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của người dân là vấn đề cũng rất quan trọng không kém.
ĐỖ TRƯỜNG