Để hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, có hiệu lực thi hành từ 15-7-2020.
Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tổng cộng 16 điều, khoản của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Cụ thể, có 2 điểm nổi bật để xác định đúng đối tượng hưởng BHTN và đối tượng chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là các quy định liên quan trực tiếp đến người lao động và quyền lợi hưởng BHTN, nên người lao động cần tìm hiểu kỹ các quy định này.
Tính đến 31-7-2020, Bình Dương có 935.976 người tham gia BHTN, tăng 0,8% so với tháng trước, số tiền thu BHTN là 809.222 triệu đồng, tăng 6,98% so cùng kỳ, số người giải quyết trợ cấp hơn 53.000 người trong 7 tháng đầu năm. |
Đối với các trường hợp xác định người lao động đang đóng BHTN đã được nêu tại Điều 49 Luật Việc làm, nghị định mới quy định các trường hợp cụ thể sau: Người lao động đã đóng BHTN của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận trên sổ BHXH; người lao động đã đóng BHTN của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH; người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH; người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH; người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
Như vậy, Nghị định 61/NĐ-CP lần này xác định có 5 trường hợp xác nhận sổ BHXH được xem là đang đóng BHTN để đủ điều kiện hưởng BHTN. Vì vậy, người lao động khi nghỉ việc cần kiểm tra giữa quyết định nghỉ việc và thời gian xác nhận trên sổ, trường hợp xác nhận chưa đúng theo một trong những nội dung trên cần thông báo với chủ sử dụng lao động để kiểm tra và xác nhận lại sổ.
Đối với chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nghị định mới quy định khi người lao động có việc làm mới và có ký hợp đồng từ đủ 1 tháng là thuộc đối tượng chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (trước đây là hợp đồng từ đủ 3 tháng). Cụ thể, tại khoản 9 Điều 1 NĐ 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP thì người lao động được xác định là có việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Theo quy định trên, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm (hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên) phải thực hiện thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) để làm thủ tục chấm dứt hưởng theo quy định. Trường hợp người lao động không thông báo về việc có việc làm thì sẽ bị thu hồi tiền đã hưởng sai quy định và không được bảo lưu thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp.
Chính sách BHTN bắt đầu thực hiện là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động, quy định lần này là một bước tiếp tục hoàn thiện chính sách BHTN.
T.V