Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16-11-2016), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020. Nghị định có những điểm mới bổ sung, điều chỉnh liên quan đến đối tượng chịu phí, mức thu phí cũng như trách nhiệm của người nộp phí và tổ chức thu phí.
Trong đó, đối với quy định về phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp có một số điểm mới, cụ thể: Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày (nộp phí cố định hàng năm, không nộp phí biến đổi). Cơ sở thuộc đối tượng này phải thực hiện nộp phí một lần cho cả năm theo thông báo của tổ chức thu phí vào tài khoản của cơ quan thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước, thời hạn nộp chậm nhất là ngày 31-3 hàng năm. Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20m3/ngày trở lên, ngoài việc nộp phí cố định 4.000.000 đồng/năm, còn phải nộp phí biến đổi định kỳ hàng quý (điểm b, c, d khoản 2 Điều 6 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP).
Tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường thu được vào ngân sách Nhà nước, ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động; trừ tổ chức thuộc diện khoán chi quy định tại Điều 4, Điều 5 của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn cho các tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh để biết và thực hiện.
PHƯƠNG LÊ