Dù đang là địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển khiêm tốn, nhưng từ nhiều năm nay các thế hệ lãnh đạo huyện Dầu Tiếng luôn cố gắng phấn đấu để hiện thực hóa giấc mơ hiện đại hóa quê hương anh hùng. Trong đó, chương trình quy hoạch phát triển đô thị với nhiều điểm nhấn đang được người dân quan tâm, ủng hộ.
Tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết tất cả đều hướng tới mục tiêu sau cùng, mục tiêu tối thượng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, chương trình quy hoạch phát triển đô thị được hoạch định với mong muốn thay da, đổi thịt cho nền kinh tế - xã hội địa phương gắn liền với mục tiêu xây dựng con người đô thị, nếp sống văn hóa và văn minh đô thị.
Song song đó, thời gian qua huyện cũng chú trọng mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng để từng bước nâng cao tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại phù hợp với tình hình điều kiện của địa phương; phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị, dịch vụ. Huyện ưu tiên đầu tư kho bãi hàng hóa, kho chuyên dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại thu hút, dự trữ, trung chuyển các nguồn hàng; mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, nâng cấp, chỉnh trang lại hệ thống chợ truyền thống.
Đối với vấn đề vốn hóa phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển đô thị giai đoạn này, Dầu Tiếng dự kiến chi hơn 3.414 tỷ đồng. Cụ thể, huyện dự kiến sẽ chi khoảng 1.451,7 tỷ đồng cho đô thị thị trấn Dầu Tiếng, 778,9 tỷ đồng cho đô thị Thanh Tuyền, 789,5 tỷ đồng cho đô thị Long Hòa, 395 tỷ đồng cho đô thị Minh Hòa. Các khoản chi chủ yếu được tập trung vào quy hoạch chung các đô thị, triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khu dân cư, công viên cây xanh nhằm phát triển đô thị thu hút dân số nhập cư để bảo đảm tiêu chí về quy mô dân số, lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định; đầu tư mở rộng hệ thống đường giao thông để tạo đà phát triển kinh tế địa phương và liên kết vùng; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước trong đô thị và trạm xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng, hệ thống xe buýt, hệ thống camera giám sát an ninh, nhà tang lễ… Cùng với đó, huyện đầu tư xây dựng các trường học đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, các khu vực phát triển đô thị; đầu tư hoàn thiện các hạng mục trong khu trung tâm văn hóa thể thao huyện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thiện các công trình làm việc các cơ quan hành chính Nhà nước, các công trình phục vụ quốc phòng - an ninh.
Để lộ trình quy hoạch, phát triển đô thị được thực hiện đúng tiến độ, huyện đã họp bàn và thống nhất giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn. Cụ thể, tham gia công cuộc xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn Dầu Tiếng trong giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn năm 2030 sẽ có các nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước (vốn xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp kinh tế, vốn lấy từ quỹ đất công…); vốn vận động tổ chức, nhân dân; vốn xã hội hóa. Nếu các nguồn vốn được bảo đảm, tin rằng tiến trình đô thị hóa của địa phương phía bắc này có thể được thực hiện nhanh hơn so với kế hoạch.
KHÁNH LINH