Những điển hình trong công tác cải cách hành chính

Cập nhật: 10-09-2020 | 07:43:13

Thời gian qua, các địa phương từ cấp xã trên địa bàn tỉnh luôn xem công tác cải cách hành chính (CCHC) là động lực phát triển; từ đó triển khai nhiều biện pháp để vươn lên đạt thứ hạng cao trong đợt công bố Chỉ số CCHC vừa qua.

 Cán bộ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một hướng dẫn, giải quyết TTHC cho người dân

 Xây dựng người cán bộ chuyên nghiệp

Theo ghi nhận, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, người dân đến đây liên hệ đều được hướng dẫn rõ ràng, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ, thủ tục. Bộ phận “một cửa” của UBND phường đã được đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng đến làm thủ tục hành chính (TTHC). Cùng với đó, UBND phường đã triển khai hiệu quả việc xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” tại địa phương đã tạo ra sự đổi thay lớn trong công tác cải cách TTHC, tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là xây dựng được hình ảnh người cán bộ tận tụy, chuyên nghiệp, giải quyết công việc hành chính trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với sự nỗ lực không ngừng, phường Vĩnh Phú đã vươn lên thứ hạng cao nhất cấp xã trong đợt công bố Chỉ số CCHC năm 2019.

Tại bộ phận “một cửa” UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, một điểm đáng ghi nhận, cán bộ UBND phường ứng dụng công nghệ thông tin thuần thục. Toàn phường đã thực hiện hóa văn bản điện tử trên tổng số 100% máy tính được trang bị, từng bước chuyển đổi sang cách làm việc điện tử số, nhanh gọn, hiện đại để phục vụ người dân giải quyết TTHC nhanh chóng và thuận tiện. Đây cũng là điều khích lệ để cán bộ, công chức (CBCC) của phường tiếp tục hoàn thiện từng ngày, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân. Cùng với việc đầu tư công nghệ, Đảng ủy, UBND phường chú trọng đến công tác xây dựng người cán bộ tận tâm, tận tình, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Hơn thế nữa, thông qua việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân về sự hài lòng trong giải quyết TTHC, bộ phận “một cửa” của phường đã kịp thời điều chỉnh để phục vụ tốt hơn.

Không trễ hẹn

với dân

Nếu như ở TP.Thuận An có phường Vĩnh Phú, phường Lái Thiêu, phường Bình Hòa là các địa phương điển hình trong công tác xây dựng người cán bộ tận tâm, tận tình, chuyên nghiệp thì ở các phường Hòa Phú, Phú Lợi, Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), từng CBCC luôn tự điều chỉnh mình để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, cho biết tại phường Phú Mỹ, công tác đầu tư về công nghệ thông tin được UBND phường quan tâm. Nhờ đó, bộ phận “một cửa” của phường thực hiện giải quyết hồ sơ trước hạn cho người dân đạt trên 10% trong tổng số hồ sơ giải quyết trong năm.

UBND phường Phú Lợi cũng đã chú trọng đơn giản thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Nếu như trước đây, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, quy định thời gian 3 ngày theo Quyết định 335/QĐ-UBND ngày 5-2- 2013, nhưng UBND phường giải quyết đã rút ngắn trả trong ngày, trong buổi. Hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường bảo đảm đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hẹn. Đây cũng là điểm quan trọng để UBND phường giữ vững Chỉ số CCHC hàng năm và luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Bà Trần Thị Hoa (phường Phú Lợi) phấn khởi nói: “Khi đến giao dịch TTHC, tôi cảm nhận được sự thoải mái khi được hướng dẫn làm TTHC. Trong quá trình giải quyết TTHC, tôi được cán bộ của phường hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng thủ tục theo mô hình thứ sáu ngày không hẹn. Tôi cảm ơn cán bộ “một cửa” của phường”.

Ở các phường của TP.Thủ Dầu Một, từ mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bổ sung một số nội dung khác vào phương châm “5 biết”, “3 thể hiện” trong xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù riêng của địa phương. Cụ thể như: Mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; mô hình 3 xin - 3 luôn (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ) của phường Phú Mỹ; mô hình thói quen nụ cười công sở của UBND phường Phú Thọ. Các mô hình này đã giúp các địa phương biết nghe dân nói để giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo niềm tin trong nhân dân. Từ khi triển khai thực hiện mô hình, cán bộ các phường nêu trên đã thay đổi cơ bản tư duy, thái độ tiếp dân, giải quyết TTHC cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường Phú Lợi, cho biết toàn phường đã huy động cả hệ thống chính trị chung tay góp sức trong công tác cải cách TTHC. Cụ thể là ngoài những phương tiện công nghệ hỗ trợ, UBND phường đã triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” với các bảng thể hiện phương châm hành động, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. UBND phường ban hành quy chế văn hóa công sở cùng với xây dựng phương châm hành động thực hiện công tác dân vận “5 biết”…

Thời gian qua, để đáp ứng tốt yêu cầu hiện đại nền hành chính, UBND các xã, phường, thị trấn đã có kế hoạch đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin điện tử hành chính trong hoạt động của đơn vị, từng bước chuyển đổi văn phòng UBND phường thành văn phòng giải quyết hồ sơ điện tử, tạo thuận lợi hơn trong quy trình xử lý công việc và giúp người dân giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục. Cùng với đó, các địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Cụ thể, tại UBND phường Chánh Nghĩa, Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) đã niêm yết số điện thoại cán bộ lãnh đạo, tổ chức đối thoại với người dân theo quy chế được ban hành. Đây là yêu cầu cần thiết để người dân biết số điện thoại phản ánh, kiến nghị để từ đó người dân góp ý nhằm làm thay đổi lớn về thái độ phục vụ của CBCC theo hướng lịch sự, nhẹ nhàng trong giao tiếp, ứng xử; biết dân cần gì để đáp ứng việc giải quyết TTHC cho người dân…

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhìn nhận để đẩy mạnh CCHC thì vai trò của từng cơ quan, đơn vị hay cụ thể hơn nữa là vai trò của từng CBCC trong hệ thống hành chính Nhà nước là hết sức quan trọng. Bởi, mọi CCHC có thể bị giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu hóa vì sự tắc trách, vô cảm hoặc tệ hơn nữa là thói tư lợi của từng CBCC Nhà nước. “CBCC hàng ngày giải quyết các TTHC, đối mặt với muôn vàn thắc mắc của người dân và doanh nghiệp nên hiểu rất rõ thủ tục nào là hợp lý, thủ tục nào là bất hợp lý. Nếu như họ đề xuất các sáng kiến CCHC thì sẽ rất sát và đúng, rất hiệu quả. Vì vậy, tôi mong rằng, từng CBCC hãy phát huy yếu tố con người để cùng chung tay góp sức vào nền hành chính minh bạch, hiệu quả của tỉnh”, ông Đẹp nói.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=451
Quay lên trên