Áp suất lốp là thứ dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh nhất trên một chiếc môtô, đồng thời cũng là một trong những điều kiện quan trọng nhất của xe. Nhưng điều đáng tiếc là hầu hết mọi người lại không thường xuyên kiểm tra, hoặc có kiểm tra thì cũng không có những điều chỉnh phù hợp.
1. Kiểm tra áp suất lốp đều đặn
Có nhiều quan điểm về việc kiểm tra áp suất lốp như thế nào là đều đặn. Theo khuyến nghị của nhiều nhà sản xuất thì chu kỳ khoảng 1 tuần nhưng nhiều chuyên gia về an toàn lại đưa ra con số 1 ngày. Thực tế khoảng một tuần mỗi lần là con số hợp lý để kiểm tra áp suất lốp mà không mất thời gian các công việc khác. Nhưng nếu đang trên đường "phượt" dài ngày với hai người cùng nhiều hành lý nặng, thì thời gian tốt nhất là 1-2 ngày.
2. Kiểm tra ở nhiệt độ bình thường
Sau khi vận hành xe khoảng 20 phút hoặc nhiều hơn là thời gian hợp lý. Lốp bị mài xuống đường làm nóng khối không khí bên trong, giãn nở do đó tăng áp lực hơn bình thường khoảng 10 %.
3. Nên dùng đồng hồ
Trên thị trường có những loại đồng hồ kiểm tra áp suất khí dùng cho các thiết bị như bình ga, lốp xe... Nhưng thực tế rất hiếm người trang bị dụng cụ này, do đó sau khi kiểm tra bằng lực tay, nếu thấy áp suất không đủ hoặc quá căng, nên mang tới cửa hàng sửa xe có loại bơm đồng hồ, thợ sửa xe sẽ biết chính xác xe thừa hay thiếu bao nhiêu.
4. Quá căng hay quá non
Lốp xe quá căng (áp suất lớn) hay quá non (áp suất thấp) đều không tốt cho xe máy. Khi quá căng dẫn tới giảm độ bám đường, xe có chiều hướng bị nảy khi di chuyển trên đường không bằng phẳng. Ngược lại nếu lốp quá non tăng ma sát làm động cơ phải hoạt động vượt mức bình thường, ngoài ra còn khiến xe khó điều hướng, trọng lượng đè của người và hành lý có thể dẫn tới thủng săm (lốp).
5. Không ỷ lại vào lốp không săm
Lốp không săm thường dùng cho xe ga, môtô đắt tiền. Loại lốp này có kết cấu làm thoát khí chậm, nhưng không có nghĩa luôn chuẩn áp suất. Đặc biệt, không dùng keo tự vá không rõ nguồn gốc khi bị thủng lốp vì sẽ gây ra hiện tượng ăn mòn vành, lốp dễ mục rách.
Theo VnE