Những đôi chân đi tìm ánh sáng

Cập nhật: 12-04-2010 | 00:00:00

Trong cái nắng như đổ lửa của buổi trưa oi bức và nồng nặc bụi, hình ảnh 3 đứa trẻ khiếm thị tay trong tay, tập trung cao độ dắt díu nhau đến trường khiến những người qua đường không khỏi xót xa xen lẫn khâm phục. Người dân ở phường Phú Hòa (TX.TDM) thì đã quen thuộc với hình ảnh các em học sinh (HS) khiếm thị của Hội Người mù tỉnh nắm tay nhau qua đường đến trường THCS Phú Hòa để học văn hóa mỗi ngày. Nhìn khuôn mặt rạng ngời và tự tin của các em, ít ai hiểu rằng để được tiếp cận với con chữ các em đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Dù bị mù nhưng em Hà Thị Phương Trinh (người ngồi giữa) là một trong những học sinh xuất sắc trong lớp

Những mảnh đời ghép lại

Đến Hội Người mù rất nhiều lần rồi, nhưng lần nào cũng vậy, hình ảnh những con người hiền lành, chân chất với đôi mắt không còn nhìn thấy gì luôn làm tôi động lòng trắc ẩn. Nhưng lần này, khi đến đây tìm gặp các em HS để viết bài, tôi đã thấy khác. Cũng thấy nao lòng trước hoàn cảnh đặc biệt của các em nhưng khi trò chuyện, tiếp xúc và được nghe tiếng cười giòn tan của các em, tôi bỗng thấy có một niềm tin, một niềm tin vững chắc vào những ước mơ mà các em đang xây đắp. Bởi trong những ước mơ ấy, các em có ý chí và nghị lực.

Hiện tại, ở Hội Người mù tỉnh có 8 em HS đang theo học thì trong đó có 6 em đang được học hòa nhập với cộng đồng tại trường tiểu học Phú Hòa và trường THCS Phú Hòa. Được đi học vốn là niềm đam mê lớn nhất của các em nên tất cả đều học rất chăm chỉ. Thời gian đầu khi theo học hòa nhập, các em còn nhiều bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, được sự chăm chút dạy dỗ nhiệt tình của các thầy cô giáo, của bạn bè... các em đã tự tin vươn lên trong học tập. Kết quả, trong năm học vừa qua có 4 em đạt HS giỏi và 2 em đạt HS khá.

Người đầu tiên mà tôi tiếp xúc là em Bùi Văn Cảnh, sinh năm 1993, nhà ở Bến Cát. Em được ba mẹ dẫn xuống Hội Người mù vào năm 2001, khi mới vừa được 8 tuổi. Hiện tại Cảnh đang là HS lớp 7A1 của trường THCS Phú Hòa. Em tâm sự: “Gia đình em có 3 chị em. Em là con trai duy nhất trong nhà thì lại bị mù nên ba mẹ em buồn nhiều lắm. Thương đứa con mới sinh ra đã tật nguyền nên mẹ em khóc đến mờ cả mắt. Trước đây, em cũng buồn và mặc cảm về hoàn cảnh của mình nhưng từ khi lên đây thấy nhiều bạn cũng giống mình, em đã thấy tự tin hơn. Bây giờ em luôn nghĩ, mình phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong học tập. Điều kiện mình khó khăn thì mình phải tự tạo điều kiện cho mình. Nếu học tốt thì sau này sẽ có ích cho bản thân và giúp đỡ được cho người khác”.

Cũng chung số phận như Cảnh nhưng hoàn cảnh của Hà Thị Thùy Trang và Hà Thị Phương Trinh còn éo le hơn. Hai chị em Trang và Trinh nhà ở Tân An, cũng được ba mẹ cho xuống đây từ năm 2001. Nhà có 3 chị em thì không may cả 2 đều bị mù bẩm sinh. Thương các con, mới sinh ra đã không được nhìn thấy ánh sáng nên cha mẹ hai em rất đau lòng. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, suốt nhiều năm ròng rã cha mẹ vẫn đưa 2 em đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có một chút hy vọng nào. Khi nghe Hội Người mù tỉnh có chương trình dạy chữ Braille cho người khiếm thị nên cha mẹ đã đưa cả hai xuống đây. Hai chị em Trang và Trinh đã không phụ lòng cha mẹ, bây giờ cả hai em đều đang theo học hòa nhập với các bạn bình thường. Trang học lớp 8, Trinh học lớp 6 và kết quả là cả hai chị em đều đạt danh hiệu HS giỏi của trường PTCS Phú Hòa. Trang tâm sự: “Những ngày đầu đi học hòa nhập là giai đoạn khó khăn nhất đối với em vì tất cả đều hoàn toàn mới lạ. Tự nhủ với lòng rằng, không còn cách lựa chọn nào khác hơn là phải cố gắng thật nhiều trong học tập. Vì không nhìn rõ những gì cô giáo viết trên bảng nên em chỉ tập trung để nghe và cố nhớ những gì cô giáo giảng, chỗ nào không nghe rõ thì giờ ra chơi hỏi lại cô giáo hoặc các bạn trong lớp. Đối với những bài kiểm tra hay bài thi của tụi em, nhà trường đều có cách chấm điểm riêng: Khi em làm bài xong, em sẽ đọc to bài của mình cũng như cách giải và đáp số của bài toán cho cô giáo nghe, sau đó cô chấm điểm luôn tại chỗ”.

Tiếng cười giòn tan và kiểu nói chuyện tiếu lâm của em Trương Thanh Tùng, quê ở Phú Giáo để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Tùng đang là học sinh của lớp 7A2, trường THCS Phú Hòa. Tùng kể em đến Hội Người mù từ năm 2002. Trước đây, khi còn ở trên Phú Giáo em là một người rất nhút nhát. Mỗi khi thấy ba mẹ khóc vì buồn cho hoàn cảnh của mình em cũng không cầm lòng được. Từ khi được xuống đây, được sống chung, học chung với các bạn cùng cảnh ngộ, em đã thấy vui vẻ và thoải mái hơn rất nhiều. Em tin rằng, nếu em cố gắng học hành chăm chỉ thì cuộc sống của em sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Tùng kể: “Đi học hòa nhập với các bạn bình thường nên nếu các bạn cố gắng một thì người khiếm thị như chúng em phải cố gắng mười. Có những môn học em rất thích nhưng người khiếm thị như em không học được nên em tiếc lắm. Tổng kết năm học vừa qua, điểm trung bình của em được 8,2 nhưng em chỉ được xếp loại khá vì em bị khống chế môn họa. Môn họa này may là có lý thuyết nên em mới được 6,0 chứ nếu mà bắt em vẽ không thôi thì em đã không được loại khá luôn rồi”.

Cùng nhau đi đến trường

Bước ra từ bóng tối

Ông bà ta vẫn nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Vì thế, có thể nói, những người mù như các em là những ngưòi gặp nhiều khó khăn nhất. Thế nhưng, các em vẫn sống thật hồn nhiên, vui vẻ, vẫn vươn lên bằng nghị lực phi thường với khát khao được hòa nhập đời sống xã hội.

Tôi tỏ vẻ khâm phục khi các em không thấy gì, không cần ai dắt mà vẫn đi đến trường được. Các em bảo: “Đi riết rồi quen đường. Tụi em suýt bị xe tông mấy lần rồi đó. Đoạn đường Lê Hồng Phong mà hàng ngày tụi em đi đến trường có rất nhiều xe cộ qua lại. Trong khi đó, trên vỉa hè dành cho người đi bộ thì lại toàn là các đống rác lớn, chợ búa, xe cộ của các quán ven đường nên chúng em không thể đi được. Chúng em đi xuống đường, đi sát vào lề đường, tập trung cao độ bằng đôi tai và tất cả các giác quan còn lại của mình, nhưng vẫn có nhiều người vô ý thức phóng nhanh, chạy ẩu nên cũng nguy hiểm lắm. Ấy thế mà chúng em vẫn chưa bao giờ nghỉ một buổi học nào đâu nhé”.

Một người đã 20 năm gắn bó với người khiếm thị tại Hội Người mù là cô giáo Đặng Thị Thu Phương. Cô Phương là một trong những người đầu tiên tích cực đến từng nhà có người bị khiếm thị để vận động gia đình và các em đi học. Cho đến nay, cô đã dạy học cho hơn 100 người bị khiếm thị. Cô tâm sự: “Người mù họ chỉ bị mù mắt chứ không mù tất cả. Tất cả các em đều khao khát được học tập và luôn nỗ lực vươn lên từ bóng tối. Tôi muốn dạy cho các em thật nhiều, nhưng kiến thức mà tôi biết được còn rất hạn chế. Có bao nhiêu tôi truyền đạt lại cho các em bấy nhiêu. Các em càng học lên trên thì càng phải ra ngoài cộng đồng để được học nhiều hơn nữa. Với những em đi học hòa nhập cộng đồng thì đều đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Vì xin được cho các em học hòa nhập đã khó, học được lại càng khó hơn. Từ đường đi lối lại, đến những hạn chế của việc học. Có nhiều môn học mà người khiếm thị không thể học được như môn hình học, môn họa, môn thể dục... hơn nữa giáo viên dạy được cho người khiếm thị cũng còn thiếu và hạn chế. Nhưng tôi tin với tinh thần ham học, với ý chí nỗ lực vươn lên của các em và sự giúp đỡ của cộng đồng... các em sẽ vượt qua tất cả”.

Nói về những cô cậu học trò “đặc biệt” của mình, thầy giáo Nguyễn Tấn Định, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Hòa xúc động tâm sự: “Vì bị mù nên việc đi lại của em rất khó khăn nhưng tất cả các em đều rất khao khát được đến trường, chẳng hôm nào các em nghỉ học cả. Thầy cô giáo và các bạn trong trường ai cũng thương và luôn động viên giúp đỡ các em trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong học tập”.

Với em Nguyễn Thị Ngọc Mai, học sinh lớp 6A10 thì cô bạn học bị khiếm thị Hà Thị Phương Trinh của mình luôn là tấm gương về ý chí và nghị lực để em noi theo. Em nói: “Em thật sự rất ngưỡng mộ và khâm phục ý chí của bạn ấy. Là bạn thân, lại ngồi cạnh nhau, nên em thường giúp Trinh đọc những gì thầy cô viết trên bảng, giờ ra chơi Trinh không cùng vui chơi được thì em cùng ngồi lại để trò chuyện, tâm sự với bạn ấy. Ngược lại, Trinh cũng giúp đỡ em trong học tập, có gì không hiểu thì em hỏi bạn ấy. Trinh tuy bị khiếm thị nhưng bạn ấy rất ham học và học rất giỏi. Em là người bình thường, cũng cố gắng rất nhiều trong học tập mà chỉ đứng hạng ba. Trong khi đó, bạn Trinh lại đứng thứ nhì trong lớp”.

Đã có rất nhiều câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh của những người khiếm thị. Mỗi mảnh đời là một câu chuyện dài của nghị lực, của ý chí vượt khó vươn lên; là nỗi khắc khoải và trái tim khát khao cuộc sống. Rất khó để nhận thấy được một sự mặc cảm hay chán nản trên gương mặt của những em bị khiếm thị nơi đây. Trên gương mặt các em luôn toát lên sự kiên định và nghị lực đáng khâm phục. Câu trả lời duy nhất mà chúng tôi nhận được khi hỏi về ước mơ, dự định của các em luôn là khát khao được học, được đi làm, được cống hiến để không trở thành gánh nặng cho cộng đồng.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên