Những đồng vốn nghĩa tình

Cập nhật: 09-05-2011 | 00:00:00

Phụ nữ giúp nhau tạo nguồn vốn để làm kinh tế gia đình (KTGĐ) là cách làm hay của tổ chức hội phụ nữ lâu nay. Ở xã Phú An (Bến Cát) cũng thế; các hội viên ở đây cho rằng, mô hình này là thiết thực nhất và gắn kết họ với hội hơn cả...

  Cán bộ phụ nữ tư vấn cho HV cách làm KTGĐ

Nói về việc hội viên cùng gây quỹ cho những hộ nghèo vay vốn, chị Đặng Thị Được, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An cho biết: “Tổ vay vốn, cụ thể là trong từng thôn ấp rất hay, hoạt động tốt và đúng bài bản. Mọi người biết giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nhiều chị trước đây phụ thuộc chồng về KTGĐ nên rất khó khăn khi công việc của chồng gặp trở ngại, thu nhập thấp. Nay nhờ vay vốn sản xuất, chăn nuôi, họ có thể tự lo cho gia đình, lo cho con cái học hành đàng hoàng hơn”.

Riêng ấp Phú Thuận có 109 chị tham gia góp vốn, vay vốn. Số tiền hiện đã lên hơn 877 triệu đồng. Những đồng vốn nghĩa tình này sẽ được xét luân phiên cho những hộ phụ nữ nghèo vay làm vốn. Chị Đỗ Thị Chẩm, trước đây là hộ nghèo của xã được vay vốn (10 triệu đồng) để chăn nuôi, buôn bán. Cách làm của chị Chẩm là đến các hộ dân làm bánh tráng ở địa phương để “thu gom” sau đó đi bỏ mối. Chịu thương chịu khó nên chị đã trả được vốn, đưa gia đình 5 nhân khẩu đi từ nghèo khó vươn lên đủ ăn và khá giả. Giờ chị đã vững vàng với  nghề buôn bánh tráng ở ấp Phú Thuận. “Mùa” làm ăn của chị là những dịp tết hay lễ lượt người ta tiêu thụ bánh tráng nhiều...

Chị Nguyễn Thị Ro là hộ cận nghèo được xét vay 5 triệu đồng để buôn bán và chăn nuôi heo... Từ đồng vốn này, việc mưu sinh không còn quá khó khăn với gia đình chị nữa. Không chỉ phụ nữ là nông dân mới được ưu tiên vay vốn, “đồng tiền chung” này đã vươn đến những nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu là công nhân tại Bến Cát. Lương công nhân của chị chỉ đủ co kéo, thu chi khéo lắm mới đủ cho cả nhà ăn trong một tháng nên nhà chị bị hư, hư dột đành để mãi như thế. Xét hoàn cảnh của chị, Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thuận đã cho vay 5 triệu đồng để sửa lại nhà. Khi nhà cửa ổn định, chị yên tâm đi làm lo cho gia đình và còn giới thiệu thêm nhiều người tham gia tổ chức hội.

Cứ như thế, những mô hình chi hội phụ nữ “công nông kết hợp” này ngày càng đông ở xã Phú An. Chị Nguyễn Thị Châu, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Phú Thuận cho biết: “Trước đây, hội viên chúng tôi là thuần nông nhưng nay nhiều chị xin vào làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp nên vừa có công nhân vừa có nông dân. Mô hình sinh hoạt phong phú hơn, không khí sinh hoạt cũng vui hơn khi vài trăm hội viên mỗi người làm mỗi nghề. Tuy nhiên, nguyện vọng chung của chị em vẫn là hội giúp họ có những quyền lợi về kinh tế, giúp phát triển KTGĐ, giúp họ những điều thiết thực như thế và trang bị thêm kiến thức về hôn nhân - gia đình, Luật Bình đẳng giới, cách xây dựng tổ ấm hạnh phúc là... chất keo gắn kết hội viên với tổ chức Hội Phụ nữ”.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=353
Quay lên trên