Mới đây, việc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố hồ sơ điều tra mật về Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Apple Steve Jobs, người vừa qua đời cuối năm ngoái, khiến dư luận rất bất ngờ. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp hiếm hoi vì FBI còn lưu trữ hồ sơ điều tra về rất nhiều nhân vật đình đám khác.
Mục tiêu đa dạng
Theo BBC, Bud Abbott và Lou Costello, 2 danh hài nổi tiếng nước Mỹ vào những năm 1940 - 1950 với chương trình Who's on First?, cũng hiện diện trong “bảng phong thần” của FBI. Các thanh tra của FBI ghi nhận từ một nguồn tin của cảnh sát cho rằng: “Bud Abbott là một tay chơi chuyên thu thập phim ảnh khiêu dâm”. Nguồn tin còn cáo buộc danh hài này lưu trữ khoảng 1.500 cuộn phim “tươi mát”. Costello cũng chẳng khá hơn khi hồ sơ lưu trữ về nhân vật này ghi: “Thông tin khẳng định chắc chắn Lou Costello từng làm tình cùng lúc với 2 gái bán hoa”, mỗi cô được nhận 50 USD thù lao. Vào thời điểm bấy giờ, những thông tin như thế bị đánh giá là “rất sốc”.
Tương tự, FBI lưu trữ không ít hồ sơ về “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson vì các cáo buộc liên quan đến tình dục, theo tờ New York Post. Mọi việc bắt đầu từ năm 1993 khi cảnh sát thành phố Los Angeles đề nghị FBI điều tra về huyền thoại nhiều tai tiếng này. Đề nghị dựa trên tố cáo của hai vợ chồng người Canada cùng đi trên một chuyến tàu với Jackson ở California ngày 7.3.1992. Khi đó, Jackson dẫn theo một bé trai độ 12 - 13 tuổi được “ông hoàng nhạc pop” giới thiệu là em họ. “Đêm ấy, Michael Jackson dẫn cậu bé vào buồng riêng”, cặp vợ chồng kể lại. Tiếp đến, họ nghe thấy âm thanh “lạ” phát ra từ căn buồng. Vì thế, cặp vợ chồng quyết định thông báo với cảnh sát. Từ vụ việc này, Michael Jackson bắt đầu vướng vào không ít rắc rối vì các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em.
Hồ sơ về công nương quá cố Diana của Anh cũng nằm trong danh sách lưu trữ, theo tờ The Guardian. Trong đó, một số nguồn tin cho rằng FBI có kha khá bằng chứng liên quan đến cái chết của Diana vào năm 1997 với khoảng 1.500 trang tài liệu. Đến năm 2001, ông Mohamed Fayed, cha của Dodi Al Fayed - bạn trai công nương, khẳng định hồ sơ của FBI đủ sức chứng minh tình báo Anh liên quan đến vụ tai nạn. Khi đó, ông Fayed cương quyết “giành lại công bằng” vì con trai mình cũng thiệt mạng cùng với công nương Diana. Tuy nhiên, FBI từ chối đáp ứng yêu cầu của Fayed nên đến nay chuyện tình báo Anh có dính líu trong vụ việc hay không vẫn là một nghi vấn của lịch sử. Bên cạnh đó, FBI cũng lưu trữ hồ sơ về công nương Diana vì một số lý do khác, như nguy cơ ám sát mỗi khi bà đến Mỹ.
Ngày 9.2, Steve Jobs trở thành nhân vật mới nhất có tên xuất hiện trong danh sách theo dõi của FBI với những chi tiết hết sức bất ngờ. “Phù thủy công nghệ” bắt đầu bị điều tra vào năm 1991, khi ông George H.W.Bush, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, cân nhắc bổ nhiệm Jobs vào hội đồng cố vấn thương mại quốc tế.
Ngoài ra, FBI cũng từng công bố hàng trăm hồ sơ về các ngôi sao điện ảnh, vận động viên, nhà văn, nghệ sĩ, chính khách trong lẫn ngoài nước Mỹ và nhiều nhân vật tiếng tăm khác.
1.001 lý do điều tra
Nhiều người thắc mắc điều gì khiến FBI điều tra một ai đó? Câu trả lời là: đủ mọi lý do. BBC dẫn lời ông Steve Rosswurm, nhà sử học rất am hiểu về FBI tại Đại học Lake Forest ở bang Illinois, nói: “Trong suốt thời kỳ được lãnh đạo bởi giám đốc đầu tiên J.Edgar Hoover, cơ quan này có thể điều tra bất cứ ai vì đủ mọi lý do”. Hoover (1895 - 1972) là người có công sáng lập và lãnh đạo một trong những cơ quan chống tội phạm hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cũng thường xuyên bị cáo buộc lạm quyền, sử dụng FBI để quấy rối các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động chính trị cũng như bí mật thu thập thông tin về những nhân vật quan trọng của Mỹ.
Bên cạnh đó, chuyên gia Anh Nicholas Redfern nhận xét nguyên nhân theo dõi tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Ông Redfern đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu về vấn đề này và từng viết cuốn Celebrity Secrets: Official Government Files on the Rich and Famous (tạm dịch: Bí mật của những nhân vật đình đám: Hồ sơ chính phủ về người giàu và nổi tiếng). Trong đó, ông nêu ra hàng loạt lý do cơ quan điều tra hàng đầu của Mỹ ra tay với nhiều trường hợp khá “trời ơi”.
Ngộ nghĩnh nhất phải kể đến bản nhạc rock ‘n’ roll Louie Louie của Richard Berry, được sáng tác vào năm 1955. Khi đó, FBI lập hồ sơ 119 trang về bản nhạc và thẩm vấn những ca sĩ/ban nhạc từng biểu diễn nó. Lý do là có một số người, bao gồm Thống đốc Florida Matthew Welsh, cho rằng lời của Louie Louie chứa vài từ ngữ tục tĩu. Sau một cuộc điều tra công phu, FBI kết luận: “Không thể xác định rõ lời bài hát có dung tục hay không”. Tác giả Reddfern viết trong cuốn sách của ông: “Bạn thử tưởng tượng một tình huống rất kỳ cục: Nhân viên của cơ quan chống tội phạm hàng đầu của Mỹ ngồi nhịp chân say sưa nghe bài Louie Louie”.
Nhà văn đoạt giải Pulitzer Norman Mailer từng là mục tiêu của FBI - Ảnh: focusfeature.comNgoài ra, có vẻ như FBI bị Chiến tranh lạnh ám ảnh khi cơ quan này theo dõi không ít người nổi tiếng chỉ vì nghi ngờ họ liên quan đến cộng sản. Bất luận người nào hay điều gì có biểu hiện bị cho là “thân cộng” đều lọt vào tầm ngắm. “Dưới thời Hoover, FBI điều tra bất cứ ai bị nghi ngờ không trung thành với nước Mỹ”, BBC dẫn lời sử gia Jon Wiener của Đại học California ở Irvine nói. Trong số đó có cả huyền thoại John Lennon của The Beatles. Lúc đó, Washington lo ngại ảnh hưởng của Lennon có thể tăng cường sức mạnh cho phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam nên ông bị theo dõi nhiều năm. Năm 1962, Giám đốc Hoover yêu cầu điều tra nhà văn đoạt giải Pulitzer Norman Mailer sau khi ông thừa nhận thuộc cánh tả trong một chương trình phát thanh.
Tương tự, biểu tượng gợi cảm của Mỹ Marilyn Monroe cũng hiện diện trong hồ sơ điều tra vì kết hôn với nhà soạn kịch vĩ đại Arthur Miller, người bị nghi ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Ngoài ra, cô đào lừng danh còn bị theo dõi do các quan hệ đáng ngờ với anh em nhà Kennedy.
Việc Giám đốc Hoover qua đời vào năm 1972 và vụ nghe lén Watergate khiến Mỹ phải tiến hành cải tổ sâu rộng FBI. Các cuộc điều tra mật bị liệt vào hành động vi phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng FBI không “rửa tay gác kiếm” hoàn toàn. Điển hình là vụ Steve Jobs. Biết đâu, một ngày đẹp trời nào đó, cơ quan này lại công bố hồ sơ về… Britney Spears?
Cách truy xuất hồ sơ từ FBI
• Nếu đối tượng đã qua đời, bản sao hồ sơ về người đó được công khai theo luật Tự do thông tin.
• Hồ sơ về đối tượng còn sống chỉ được cung cấp khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đó.
• Đối với những báo cáo đã bị FBI xử lý và không còn được lưu trữ, cơ quan này có thể cung cấp bản ghi chép ban đầu, theo chuyên gia John Fox.
• Một số tài liệu được lưu trữ tại Cơ quan Quản lý văn khố quốc gia Mỹ, người nào cần thì có thể liên hệ cơ quan này.
• FBI cũng có thể cung cấp bản sao hồ sơ theo yêu cầu.
(Nguồn: FBI Freedom of Information)
Theo TNO