Xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn từ người thầy thuốc, người chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong suy nghĩ chung của nhiều người, bác sĩ, y tá là nghề “hái ra tiền”. Mấy ai biết rằng, có những hy sinh thầm lặng theo họ suốt trong quãng đời “đã mang lấy nghiệp vào thân”.
Bài 1: Điều dưỡng – nghề làm dâu trăm họ
Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này…
Phải thật sự yêu nghề
20 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Vân, Phó phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh chia sẻ đây là nghề mà mẹ đã hướng cho chị ngay từ những ngày còn nhỏ. Đến khi đi học, ra trường đi làm, chị càng thấy yêu cái nghề mà mình đã chọn nhiều hơn. “Công việc trước đây của mình là nữ hộ sinh đỡ đẻ tại khoa sản BVĐK tỉnh. Làm ở khoa sản áp lực công việc rất lớn, phải đối mặt với những rủi ro, tai biến… nhưng mình vẫn gắn bó với nghề vì nghĩ công việc của mình sẽ giúp được nhiều ca mẹ tròn con vuông. Nhìn các ông bố, bà mẹ vui mừng biết bao khi bồng đứa con vừa mới chào đời trên tay, mình cũng thấy hạnh phúc”, chị Vân chia sẻ.
Hội thi điều dưỡng - hộ sinh giỏi BVĐK tỉnh năm 2013. Ảnh: H.THUẬN
Trong số những điều dưỡng ở BVĐK tỉnh, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chàng điều dưỡng Trương Minh Quý. Quý là nam điều dưỡng duy nhất lọt vào vòng chung kết Hội thi điều dưỡng - hộ sinh giỏi, thanh lịch năm 2013 do BVĐK tỉnh tổ chức. Gặp Quý ở hội thi này chúng tôi mới vỡ lẽ, cái nghề đòi hỏi sự “nhẹ nhàng” này cũng được rất nhiều cánh mày râu lựa chọn. Tại BVĐK tỉnh có tổng cộng 557 điều dưỡng, thì có gần 90 nam. Quý cho biết: “Lúc đầu em chọn ngành này mẹ em có ý không thích, nhưng mẹ nói, nghề gì con thấy phù hợp, có tương lai thì hãy chọn. Từ nhỏ, em đã thấy rất nhiều điều dưỡng giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân rất tận tình và muốn sau này mình cũng làm được như họ vậy. Đi làm rồi, em càng thấy yêu nghề hơn và luôn cố gắng chăm sóc bệnh nhân bằng khả năng của mình”. Hiện nay, Quý đang làm việc tại khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh. Công việc hàng ngày của Quý là theo dõi sinh hiệu, thực hiện thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh (để biết cách chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh, nâng cao thể trạng cho từng bệnh nhân), ghi chú hồ sơ bệnh án… Quý chia sẻ: “Người lớn tuổi tính tình cũng hơi khác, họ thích được đối xử nhẹ nhàng, chu đáo. Khi bệnh, tâm trạng họ thường không thoải mái và khó chịu. Mình phải hiểu điều đó để thông cảm và biết cách chăm sóc họ tốt hơn”. Với Quý, làm việc có tinh thần trách nhiệm là quan trọng nhất, ngoài ra còn phải chuyên cần, cẩn thận, bình tĩnh. “Công việc cần giải quyết nhiều mà thời gian ít nên nhiều khi cũng áp lực, mệt mỏi. Chính niềm vui trong công việc giúp mình vượt qua trở ngại đó và thấy vui hơn khi giúp được bệnh nhân trong những lúc họ cần…”, Quý đã nói như thế khi chúng tôi hỏi về chuyện vui buồn trong nghề.
Biết thông cảm với nỗi đau của bệnh nhân
Thầy thuốc là phải “yêu thương người bệnh như chính người thân của mình”, điều dưỡng cũng phải thế vì họ cũng là thầy thuốc. Thế nhưng trong thực tế, ở đâu đó vẫn còn một số điều dưỡng làm việc với thái độ rất lạnh lùng, thờ ơ… trước sự đau đớn, thắc mắc của bệnh nhân. Tại một số bệnh viện, ý kiến phản ánh của bệnh nhân về thái độ phục vụ không tốt của điều dưỡng vẫn còn, đó là điều làm đau đầu những người quản lý. Điều đáng mừng là, những người điều dưỡng có thái độ “hờ hững” như trên chỉ là số ít. Vẫn còn đó những người điều dưỡng tận tâm trong công việc, đối đãi với người bệnh chân tình, cởi mở. Họ chính là người chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, giúp đỡ, động viên người bệnh yên tâm điều trị để sớm phục hồi sức khỏe.
Điều dưỡng Trương Minh Quý đang đo huyết áp cho bệnh nhân đến khám tại khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh. Ảnh: H.THUẬN
Tính đến nay, chị Dương Thị Kim Tín, cán bộ điều dưỡng tại khoa Ngoại thần kinh BVĐK tỉnh đã có hơn 33 năm trong nghề. Nghề điều dưỡng với lắm buồn, vui, tốt, xấu… trở thành những kỷ niệm đáng nhớ của chị. Với chị Kim Tín, đã làm công việc dính dáng tới nghề y là phải học tập và rèn luyện xuyên suốt trong quá trình công tác. Nghề y là một nghề đặc biệt, đào tạo lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm cao. Cũng theo chị, khi xã hội đòi hỏi y đức thì cũng cần tôn trọng và đối xử đúng mực với người thầy thuốc.
Bản thân chị Kim Tín luôn lấy sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân để hoàn thành nhiệm vụ của mình xuất sắc hơn. Chị kể: “Đau ốm, bệnh tật là điều không ai mong muốn. Bản thân người điều dưỡng như tôi hiểu sâu sắc về điều đó khi gia đình có 4 anh em trai thì đều bị mắc bệnh thần kinh. Nhà tôi có 7 anh chị em, 3 chị em gái không sao nhưng con trai là bị chứng bệnh này. Nỗi đau lại đến với gia đình tôi khi em gái bị ung thư vú mất cách đây 3 năm, để lại cháu còn nhỏ. Tất cả những chuyện này làm tôi thương yêu, thông cảm với bệnh nhân hơn”. Theo chị, mối quan hệ giữa người điều dưỡng và bệnh nhân không thể là quan hệ “khách hàng” bình thường hay trên bình diện tài chính. Giữa họ có mối quan hệ gần gũi, cần được cảm thông, chia sẻ giữa người với người. Trên thực tế có những nhu cầu khác nhau trong việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tùy theo khả năng của mỗi gia đình, nhưng với chị là phải bảo đảm điều trị cơ bản để tránh tình trạng không công bằng trong trị liệu.
Là phụ nữ nên chị Kim Tín phải sắp xếp công việc khoa học mới hoàn tất việc nhà, việc cơ quan. Những năm bao cấp, còn khó khăn, chị nhận hy sinh về phần mình nên ngoài công việc ở bệnh viện, chị cũng làm thêm kinh tế gia đình để ông xã yên tâm học cao hơn. Tất bật lo cho bệnh nhân nhưng chị cũng cố gắng không để những khó khăn, vất vả của mình khiến cho tính tình khó chịu, cáu gắt để rồi có thái độ không tốt với bệnh nhân. Hơn 33 năm công tác chị cũng là người chị đáng kính của nhiều thế hệ đàn em, là người thầy thuốc đáng nhớ của nhiều bệnh nhân.
Người ta nói, điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ quả thật đúng như vậy. Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, nói: “Phải có tính nhẫn nại để ai nói gì mình cũng ráng nhịn. Lúc đau đớn nhiều người không kiềm chế được bản thân, đôi khi có những câu nói, lời lẽ xúc phạm đến mình. Mình phải đặt mình vào tâm trạng bệnh nhân lúc đó để hiểu họ, nhẹ nhàng động viên họ cố gắng vượt qua đau đớn… Đến khi bình tĩnh trở lại, họ mới hiểu ra, nhiều người đã đến xin lỗi và còn cảm ơn mình đã giúp họ…”.
Chị Kim Tín nhắn nhủ với điều dưỡng trẻ: “Đến giờ này, khi gần nghỉ hưu, tôi nhận thấy ai theo nghề điều dưỡng là người… phải biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm, bởi áp lực công việc rất cao. Đây cũng là một nghề đang có nhu cầu lớn của xã hội. Khi bạn chọn học điều dưỡng là chọn con đường gian nan, thiệt thòi, đối diện với nỗi đau của kiếp người. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp. Tuy nhiên, nghề điều dưỡng không phải là không có niềm vui. Chúng ta hạnh phúc biết bao khi cùng đồng nghiệp cứu sống một người qua cơn bệnh tật, cứu một mạng người quý lắm chứ! “.
Bài 2: Nghề của sự cẩn trọng
HỒNG THUẬN – QUỲNH NHƯ