Những hy sinh thầm lặng: Trọn một đời nghề…

Thứ hai, ngày 07/04/2014

> Bài 2: Nghề của sự cẩn trọng!

Bài cuối: Trọn một đời nghề…

 Vòng đời sinh - lão - bệnh - tử và như thế, có những nhân viên y tế gắn bó công việc của mình với “đoạn cuối một đời người”. Họ làm giám định y khoa (GĐYK), giám định pháp y (GĐPY) cho các đối tượng khi ngành hữu quan cần kết quả để điều tra. Vất vả, áp lực từ nhiều phía nhưng với họ, đã chọn nghề phải đam mê và đi đến cùng nghề nghiệp của mình.

 Người “nói chuyện” với tử thi

“Nói chuyện” là để tìm ra nguyên nhân của cái chết. Chúng tôi đến nhà đại thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào một buổi chiều cuối tuần. Đó cũng là lúc nạn nhân Lê Thanh T., mới 28 tuổi (ở huyện Bến Cát) bị tai nạn giao thông chết mới được đưa tới nhà đại thể chờ mổ tử thi. Tiếng kêu khóc, kể lể trong đau đớn của người nhà làm cho không khí nhà đại thể càng tang thương hơn. Y sĩ Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1963 đang chuẩn bị cho ca mổ. “Cứ gọi tôi là Bảy mổ, chết danh luôn rồi, từ hồi còn tỉnh Sông Bé, chưa tách tỉnh Bình Dương, Bình Phước đến giờ”.

   Y sĩ Nguyễn Văn Bảy nhận tử thi của nạn nhân Lê Thanh T. chuẩn bị ca mổ

Chỉ có tinh thần thép mới làm được công việc này. Anh cho biết phải bình tĩnh, cẩn trọng đến từng chút một trên cơ thể người đã mất để tìm ra nguyên nhân cái chết. Những tổn thương từ đầu, nội thương phải chính xác tuyệt đối để tìm ra nguyên nhân và điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc định tội kẻ phạm tội. Với những ca bị đánh chết thì “bị đánh bên phải hay bên trái, tư thế của người đánh khi xảy ra xô xát, thậm chí kẻ thủ ác thuận tay phải hay tay trái cũng cần rất nhiều đến kết quả giám định” - anh Bảy chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 2 người chuyên mổ tử thi là anh Bảy và bác sĩ Giáp nhưng hầu như anh Bảy là người “chủ lực”. Gần 95% ca mổ tử thi do anh đảm nhiệm. Có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người anh Bảy cứ âm thầm lặng lẽ làm hết ca này đến ca khác. Lật sổ trực, anh kể: “Mới đây, lúc 3 giờ 10 phút sáng ngày 23-3 có vụ tai nạn giao thông chết 3 người. Hôm đó, mổ tử thi xong cũng mệt mỏi phờ cả người. Từ 0 giờ đến 17 giờ của ngày 25-3, lại 3 ca nữa. Thôi, cứ tính bình quân ngày nào cũng có một ca, nhân lên cho 22 năm trong nghề là ra số tử thi tôi đã mổ nhà báo nhé!” - anh Bảy nói, mắt nhìn xa xăm.

Những ca mới mất còn “dễ nói chuyện” hơn. Có những trường hợp xác không còn nguyên vẹn, phải “lắp ghép, may thẩm mỹ” hay đã phân hủy, bốc mùi thì đúng là muôn vàn khó khăn, vất vả. Thời gian đầu, anh còn ám ảnh chứ lâu dần thành quen. Vợ anh cùng ngành, làm ở khoa chống nhiễm khuẩn của bệnh viện nên chị cũng thông cảm. Khổ nhất là những lúc người nhà không cho đụng tới tử thi. Họ “đánh hội đồng”, ép anh vô thùng đựng xác mà đánh, đấm túi bụi. Những lúc đó cần lực lượng công an, bảo vệ can thiệp, anh Bảy mới làm xong phần việc của mình.

Để có kết quả giám định chính xác

Theo B.S Từ Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm GĐYK, GĐPY thì đây là một công việc khá nhiều áp lực, khó khăn. GĐYK hay GĐPY luôn đòi hỏi người giám định phải công tâm, minh bạch và chính xác với kết quả thực để không ảnh hưởng đến các đối tượng được yêu cầu giám định hay người nhà bị hại. B.S Cường tâm sự: “Những ca giám định y khoa cho các bé gái bị xâm hại tình dục chẳng hạn, rất khó khăn và phức tạp. Người giám định phải thực sự có lương tâm, cho kết quả chính xác bởi điều này ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của cả kẻ hại người và người bị hại. Điều đáng buồn là gần đây, chuyện bất nhẫn này xảy ra nhiều hơn trước. Khi mà đạo đức xã hội đáng báo động thì những chuyện đau lòng như thế cũng hay xảy ra”.

Với GĐPY cũng cần sự chính xác, cần mẫn và lương tâm nghề nghiệp rất lớn. Thường thì Hội đồng GĐYK - GĐPY tổ chức giám định, họp hội đồng, lập biên bản có các bên liên quan thật cẩn thận mới có kết luận chính thức. Kết quả liên quan đến việc thi hành án của đương sự nên không thể làm hời hợt, qua loa được…

Hội đồng GĐYK có 6 thành viên: 1 chủ tịch, 5 phó chủ tịch và 30 giám định viên chuyên khoa là các trưởng, phó khoa đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngoài ta còn có 7 tổ GĐYK tại 7 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố. Riêng tổ chức GĐPY có 1 Phó giám định viên thường trực và 36 giám định viên. GĐYK gồm: Giải quyết chính sách cho cán bộ công chức hưu trí, mất sức, thương binh, tai nạn lao động, người hưởng chính sách; khám sức khỏe tuyển dụng việc làm, biên chế, kết hôn, lập di chúc, kinh doanh… GĐPY gồm những việc theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết theo pháp luật như: Giám định thương tích cho người sống, giám định tử thi, tử hình, giám định bệnh tật cho phạm nhân để thi hành án, ân xá… Năm qua, toàn ngành GĐYK: 128.381 ca, GĐPY: 338 ca.

Nói về những khó khăn của nghề GĐYK-GĐPY, B.S Cường cho biết thêm; mạng lưới tổ GĐYK tuyến huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Việc đầu tư trang thiết bị cho phòng khám chưa đáp ứng kịp thời. Đa số giám định viên là trưởng phó khoa nên bận nhiều công việc, bệnh viện quá tải vì vậy bố trí thời gian khám cho các đối tượng còn hạn chế làm cho đối tượng phải chờ đợi mất nhiều thời gian mới khám xong. Một vài quy định về chuyên môn còn nhiều bất cập như: Vết thương phần mềm trước đây tính bằng kích thước thì nay tính bằng diện tích nên rất khó. Một ví dụ nữa là; mẻ sọ có tỷ lệ % nhưng nứt sọ, lún sọ thì không có tỷ lệ %. Trong thực tế gặp rất nhiều trường hợp này nên không biết tính tỷ lệ thế nào. Đó cũng là tồn tại chung trong GĐPY-GĐYK cần được khắc phục dần…

Có một điều đáng trân trọng nữa ở những con người hy sinh thầm lặng cho nghề nghiệp này là họ ít đòi hỏi những quyền lợi cho mình. Ngoài lương, tùy theo bộ phận công tác được phụ cấp 40 - 70% lương. Thế nhưng ai cũng gắn bó với nghề mình đã yêu, đã chọn. Hỏi anh Bảy có ngán không khi đêm hôm khuya khoắc vẫn “nói chuyện” với tử thi, khi một tuần ngủ ở nhà không quá 2 đêm, anh cười cho biết sẽ đi đến cuối đời với nghề này. Hỏi anh có đàn em nào kế nghiệp chưa, anh nói chưa nghe có ai hết. Nhiều người trong ngành y cũng ngán ngại công tác này. Anh kể thêm: “Sinh viên thực tập đến học khi tôi mổ xác bỗng dưng có em xỉu, té cái đùng làm tụi tôi phải cấp cứu! Nhiều người nói, khi họ có chuyện vô đến đây cũng… lạnh lưng, lạnh chân không dám tới. Nhưng tôi làm hoài quen rồi. Bây giờ đỡ, hồi trước có khi cúp điện phải vô bấm đèn pin lấy đồ nghề đi hiện trường cùng mấy anh bên công an. Hết sợ rồi. Mà mình không làm, ai làm?”…

Cách nhà xác có mấy bước chân là cây hoàng hậu (ô-sa-ka) mùa này đang nở hoa vàng rực. Y sĩ Nguyễn Văn Bảy khoe cây này anh trồng được hơn 7 năm. Anh hay đứng đó như chiêm nghiệm cuộc đời. Hoa vẫn nở, lá vẫn xanh dẫu cuộc sống mong manh, vô thường.

Và thế đó, chúng ta, dù làm nghề gì, cũng thấy trân quý biết bao cuộc sống này…

 QUỲNH NHƯ