Những khám phá kinh ngạc về Mặt Trăng khiến nhiều người bất ngờ

Thứ hai, ngày 28/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong khoảng 600 triệu năm nữa, Mặt Trăng sẽ ở một vị trí quá xa Trái Đất khiến nó không thể che khuất Mặt Trời mỗi khi có nhật thực, nghĩa là hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ vĩnh viễn biến mất.

Mặt Trăng và Trái Đất. (Nguồn: NASA)
Mặt Trăng và Trái Đất.

Loài người bước vào những năm 2020 với những bước đột phá đáng ghi nhận trong nghiên cứu Mặt Trăng - vệ tinh thiên nhiên duy nhất của Trái Đất và cũng là thiên thể lớn duy nhất ở gần Trái Đất.

Năm 2023, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có một trạm tự động đổ bộ nhẹ nhàng thành công xuống bề mặt Mặt Trăng.

Mới đây nhất, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã công bố thành phần đội bay trên tàu vũ trụ "Artemis 2" sắp tới - một sứ mệnh sẽ đưa con người quay trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.

Nhờ vào kết quả của các sứ mệnh thám hiểm và nghiên cứu khoa học này, hiểu biết của loài người về thành phần, các cấu trúc và quá trình bên trong, cũng như các đặc điểm khác của Mặt Trăng sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu với quý độc giả một số khám phá đáng kinh ngạc nhất về Mặt Trăng mà loài người có được nhờ những sứ mệnh và công trình nghiên cứu mới nhất.

Mặt Trăng đang chuyển dịch ra xa Trái Đất

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào những năm 1960 và 1970 khi các nhà du hành vũ trụ Mỹ bay trên các tàu vũ trụ "Apollo" đáp xuống Mặt Trăng, họ đã lắp đặt các tấm phản xạ trên bề mặt Mặt Trăng để các tia laser chiếu lên từ Trái Đất có thể tới bề mặt Mặt Trăng, rồi được phản xạ và quay trở lại Trái Đất.

Một loạt các thí nghiệm khoa học được gọi là "Đo khoảng cách Trái Đất-Mặt Trăng bằng tia laser" đã được tiến hành: Các nhà khoa học đã chiếu tia laser lên Mặt Trăng nhắm vào vị trí các tấm phản xạ đã được các nhà du hành vũ trụ lắp đặt trước đó trên Mặt Trăng.

Sau đó, bằng cách tính thời gian kể từ khi tia laser được chiếu lên, được phản xạ và quay trở lại Trái Đất, được các thiết bị chuyên dụng thu nhận, các nhà khoa học đã đo được khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng với độ chính xác cực cao.

ttxvn-tau-tham-do-mat-trang-9376.jpg
Hình ảnh Trái Đất (trái) và Mặt Trăng do tàu vũ trụ không người lái Danuri chụp và được công bố ngày 3-1-2023

Bằng cách đó, các nhà khoa học đã đo được một cách chính xác rằng Mặt Trăng nằm cách Trái Đất 384.000km. Không những thế, họ còn phát hiện ra rằng Mặt Trăng đang dần dần chuyển dịch ra xa Trái Đất với tốc độ khoảng 3,8cm mỗi năm.

Điều đó có nghĩa là trong khoảng 600 triệu năm nữa, Mặt Trăng sẽ ở một vị trí quá xa Trái Đất khiến cho nó không thể che khuất Mặt Trời mỗi khi có nhật thực, hay nói một cách khác là hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng.

Mặt Trăng được tạo thành từ lớp vỏ của Trái Đất

Nguồn gốc của Mặt Trăng thực sự là một câu chuyện rất hấp dẫn. Theo hiểu biết hiện tại của chúng ta, thì Mặt Trăng được hình thành khi một hành tinh nguyên thủy có kích thước bằng sao Hỏa tên là Theia đâm vào Trái Đất nguyên thủy, ném vào không gian một số mảnh vỡ có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Một số trong số những mảnh vỡ này trong quá trình dịch chuyển trong vũ trụ lại đã hợp nhất với nhau để tạo thành Mặt Trăng.

Các nhà khoa học gần đây đã phân tích các tinh thể zircon trong các mảnh đá Mặt Trăng được các nhà du hành trên tàu "Apollo-17" mang về.

Bằng cách tính toán tốc độ mà trong đó nguyên tố urani trong các tinh thể này bị chuyển hóa thành chì, họ đã xác định được rằng Mặt Trăng có tuổi đời khoảng 4,46 tỷ năm, nghĩa là sự kiện thảm khốc khiến Mặt Trăng hình thành hẳn phải xảy ra rất sớm sau khi Trái Đất nguyên thủy hình thành.

Sự chuyển động của các mảng kiến tạo trong lòng Mặt Trăng

Trong suốt quá trình nghiên cứu Mặt Trăng, các nhà khoa học đã ghi nhận được khá nhiều trận động đất trên Mặt Trăng. Điều đó cho thấy có sự chuyển động khá tích cực của các mảng kiến tạo trong lòng Mặt Trăng.

Bộ phận đổ bộ của trạm tự động nghiên cứu Mặt Trăng "Chandrayaan-3" (Ấn Độ) đã ghi nhận một trận động đất trên Mặt Trăng vào ngày 26-8-2023. Trước đó, các máy đo địa chấn do các nhà du hành vũ trụ của sứ mệnh "Apollo" lắp đặt trên Mặt Trăng cũng đã ghi nhận được một số trận động đất trên thiên thể này.

Rất có khả năng là những trận động đất này được tạo nên bởi các mảng kiến tạo Mặt Trăng dịch chuyển và cọ xát vào nhau trong lòng thiên thể này.

Các tinh thể của Mặt Trăng chứa một lượng nước lớn

Các nhà khoa học đã xác định được rằng trên Mặt Trăng có nước, nhưng họ vẫn đang cố gắng tìm hiểu chính xác xem nước tập trung ở những nơi nào trên thiên thể này.

Mới đây, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu đất Mặt Trăng được trạm tự động "Chang'e 5" của Trung Quốc mang về Trái Đất và đã phát hiện ra rằng trên Mặt Trăng có một lượng lớn các tinh thể trong suốt có chứa nước.

Các tinh thể này, có khả năng, được hình thành bởi sự va chạm của các thiên thạch với bề mặt Mặt Trăng. Chúng giống như miếng bọt biển hấp thụ nước được hình thành khi các nguyên tử hydro từ gió Mặt Trời thổi xuống bề mặt Mặt Trăng.

Bề mặt phía không nhìn thấy được của Mặt Trăng có khả năng dẫn điện tốt hơn

Các nhà khoa học gần đây đã giải đáp được một trong số những bí ẩn lớn nhất của Mặt Trăng khi phân tích dữ liệu từ trạm thăm dò "Danuri" của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI).

Họ đã xác định được rằng bề mặt phía không nhìn thấy được của Mặt Trăng có từ trường mạnh hơn so với bề mặt luôn nhìn thấy được từ Trái Đất. Điều này cũng có nghĩa là bề mặt phía bên đó của Mặt Trăng có khả năng dẫn điện tốt hơn.

Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt kỳ lạ này, mặc dù từ tính cao của phía không nhìn thấy được của bề mặt Mặt Trăng có thể là chỉ dấu cho thấy trữ lượng nước ẩn giấu ở phía bên đó cao hơn./.

Theo TTXVN