Kỳ 15: Thành quả một chặng đường
Sau 30 năm đổi mới, đến nay kinh tế của Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng công nghiệp. Để tăng tốc hội nhập và trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020, Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp.
Bình Dương huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội để thúc đẩy hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương Ảnh: X.THI
Các chỉ tiêu kinh tế tăng hàng chục lần
Kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết tâm vượt qua thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết nhờ quá trình huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển, từ năm 1997 đến nay, Bình Dương luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Năm 1997, Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,4% nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lúc ấy chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng; trong khi đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 363 triệu đô la Mỹ, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn... Ðến cuối năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gần 46,9 lần; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng hơn 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 49 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng gần 39,2 lần so với năm 1997. Đến cuối năm 2014, cơ cấu kinh tế của tỉnh: công nghiệp 60,4% - dịch vụ 36,4% - nông nghiệp 3,2%.
Khái quát những chỉ tiêu kinh tế từ năm 1997 đến nay, theo UBND tỉnh, công nghiệp của Bình Dương phát triển với tốc độ cao, ổn định, đúng định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đề ra; phát triển công nghiệp của tỉnh luôn gắn liền với phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung; thành công trong việc thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp mở rộng theo vùng, từng bước hợp lý đã thúc đẩy kinh tế và công nghiệp của các địa phương trong tỉnh phát triển. Đồng thời, việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung giúp cho Bình Dương phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường...
Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã lựa chọn cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp để phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung nguồn lực của các thành phần kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đồng thời thu hút dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Kết hợp với phương châm “Cả hệ thống chính trị đồng thuận với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương điển hình của cả nước về chuyển đổi hiệu quả từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp…
Ðúc kết lại những thành tựu Bình Dương đạt được trong quá trình phát triển kinh tế để thấy rằng, chính sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu vì Bình Dương giàu mạnh là nhân tố quyết định cho sự thành công đó. Từ sự đồng thuận đó, tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tận dụng nội và ngoại lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế.
Để tiếp tục phát triển kinh tế trong thời gian tới, hiện nay tỉnh đã tập trung vào nhiều giải pháp như: hoàn thiện các trục đường giao thông huyết mạch, cơ sở hạ tầng; tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh, các nguồn lực đầu tư phát triển khu trung tâm đô thị mới; thu hút và phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn; đồng thời tiếp tục cải các thủ tục hành chính… Những giải pháp này kết hợp với phát huy kết quả đạt được là cơ sở để Bình Dương tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Kỳ 16: TX.Dĩ An - đi đầu phát triển công nghiệp
VỆ GIANG